Ngưỡng mộ ca sĩ Hàn Quốc là điều... “không nên”

Thứ năm, 12/07/2012, 08:23
Nhận xét về đề thi ĐH khối D năm 2012, Tiến sĩ (TS) Phạm Ngọc Hiền, giảng viên trường ĐH Sài Gòn nhận định rằng, nếu các nữ sinh Việt Nam mê muội các chàng diễn viên, ca sĩ Hàn Quốc thì đó chỉ là điều "không nên" chứ đâu phải là "thảm họa".

>>"Đề thi Văn nhằm thanh lọc fan cuồng K-pop"
>>Fan cuồng Kpop đòi chém bạn chê thần tượng trong bài thi
>>Cư dân mạng sốt chuyện bố trị con cuồng Kpop
>>Bỏ thi Văn vì "đề thi chạm tự ái fan K-pop"


Ở câu số 1, theo TS Hiền, đề cho thí sinh bàn luận về ý nghĩa giọt nước mắt của A Phủ. Đây là đề thi có độ mở cao, yêu cầu thí sinh phải tự đào sâu vấn đề, tự suy luận mà không cần phải học thuộc trong sách vở. Đợt thi Đại học này yêu cầu bình luận giọt nước mắt, đợt thi Tốt nghiệp vừa rồi bình luận hai hạt cát. Cả hai hình tượng đều nhỏ nhoi nhưng đều gợi ra những ý nghĩa lớn lao và mang tính nhân văn.
 
Còn với câu 2, yêu cầu thí sinh trình bày cảm nghĩ của mình về câu nói: "Ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng là một thảm họa". Đề này cũng mang tính mở nhưng vì mở rộng quá nên mơ hồ, có thể gây hiểu nhầm.
 
Trong bài làm, thế nào thí sinh cũng có phần giải thích về "thần tượng", mà cách hiểu từ này rất rộng. Đó có thể là thần tượng chính trị, khoa học, nghệ thuật, đạo đức, tôn giáo... Nếu thí sinh hiểu thần tượng ở đây thuộc lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, đạo đức thì không có vấn đề gì.
 
Nhưng nếu hiểu mê muội một thần tượng - lãnh tụ nào đó mà gây nên "thảm họa" cho đất nước thì có thể gây tranh cãi trong khâu chấm thi. Vả lại, từ "thảm họa" thường dùng để chỉ thiên tai hoặc chiến tranh chứ không dùng để chỉ thị hiếu thẩm mĩ của công chúng.

Đề thi môn văn

 
Vì vậy, theo TS Hiền, nếu các nữ sinh Việt Nam mê muội các chàng diễn viên, ca sĩ Hàn Quốc thì đó chỉ là điều "không nên" chứ không phải là "thảm họa".
 
Ở câu 3b, người ra đề cố gắng tân trang đề thi cho mới mẻ bằng câu "Cảm nhận của anh/chị về hình ảnh tạo vật thiên nhiên và tâm trạng của nhân vật trữ tình trong đoạn thơ sau". Nhưng khi làm bài, thí sinh vẫn làm theo dạng đề cũ "Anh/chị hãy phân tích hai khổ đầu của bài Tràng giang".
 
Những thí sinh có khả năng học vẹt giỏi vẫn có thể đạt điểm cao ở câu này. Một vấn đề nữa rất đáng bàn ở câu này là chữ "và" chia tách nội dung của đề thành hai phần biệt lập: thiên nhiên và con người.
 
Thí sinh sẽ say sưa phân tích vẻ đẹp thiên nhiên, nào là sông dài bao nhiêu mét, trời cao bao nhiêu tầng, con thuyền đó thuộc loại gì, cây củi có hình dáng ra sao, buổi chiều có màu sắc như thế nào... Phân tích như vậy là vô bổ, chẳng có ý nghĩa gì.
 
Đến phần hai, phân tích con người, thí sinh lúng túng vì không thấy con người nào trong bài thơ cả. Đáng lẽ, cần phải phân tích thiên nhiên và tâm trạng con người lồng vào nhau, theo bút pháp "lấy cảnh ngụ tình". Bởi vậy, nên ra đề thi dưới dạng như sau: "Anh/chị hãy phân tích bức tranh thiên nhiên trong hai khổ đầu của bài Tràng giang (Huy Cận) để thấy được tâm trạng của chủ thể trữ tình".
 
Hoặc "Có ý kiến nhận định về tập thơ Lửa thiêng của Huy Cận như sau: "Thiên nhiên trong tập thơ thường bao la, hiu quạnh, đẹp nhưng thường buồn" (Văn học 11, tập I, NXB GD 2000, trang 142). Anh/chị hãy phân tích hai khổ đầu của bài thơ Tràng giang để làm sáng tỏ nhận định trên. Những đề như vậy vẫn mới mẻ, chặt chẽ và tránh tình trạng học vẹt.
 
Nhận xét về đề thi năm nay, theo TS Hiền, đề thi ĐH môn Văn khối D năm nay có nhiều mới mẻ, thiết thực. Nó có khả năng đo được tư duy sáng tạo để tuyển chọn được những thí sinh có năng lực. Tuy nhiên, theo tôi, vẫn còn có nhiều chỗ cần phải cải tiến trong những lần thi tiếp theo.

Theo Vnmedia
 

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn