"Nói bún mắng cháo chửi do người ngoại tỉnh mang vào là nói xằng xiên"

Thứ tư, 18/07/2012, 10:33
“Không phải đến bây giờ mới có bún mắng cháo chửi, đã ở nơi chợ búa thì đâu cũng có. Còn nói bún mắng cháo chửi do người ngoại tỉnh mang vào là nói xằng xiên” - PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế chia sẻ.
Để độc giả có cái nhìn tổng quát, đa diện hơn vấn đề trên, PV đã có cuộc trao đổi với PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế, Chủ nhiệm Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV (ĐHQG Hà Nội) về vấn đề này. 

Theo PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế, với không ít người chưa một lần đặt chân đến Hà Nội, sẽ mong có dịp được đến thưởng thức món ăn nổi tiếng mang đậm hương vị ở đất Kinh kỳ. Nhưng văn hóa bán hàng hay văn hóa ẩm thực của người Hà Nội ngày nay dường như đã bị phai nhạt đi nhiều.

Thậm chí, câu chuyện về văn hóa ứng xử, văn hóa bán hàng của chủ hàng thiết lịch sự và kém văn hóa còn thấy ở nhiều nơi khác nữa.
 
“Không phải đến bây giờ mới xuất hiện "bún mắng, cháo chửi, phở xếp hàng, ốc lắm mồm" như báo chí phản ánh trong thời gian qua. Tôi có nghe thấy "nghệ danh" này ở một vài nơi nữa mấy năm về trước, nhưng có lẽ không riêng Hà Nội đâu.

Điều này có thể kiểm chứng ở một vài nơi khác nữa nếu chúng ta mở rộng địa bàn bằng các cuộc khảo sát để xem thực, hư câu chuyện này chắc chắn sẽ ra cả thôi” -
PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế chia sẻ.


 
Một quán ăn vỉa hè luôn đông khách (Ảnh nguồn: Internet)
 
PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế cũng cho biết, cảm nhận của ông khi lần đầu đặt chân đến đất Hà Thành đã thấy nơi đây khác với quê nhiều lắm. Có cái gì đó khiến người ta phải đề phòng, phải thận trọng nhất là khi mua bán. Người ta muốn sống ở đây phải bon chen, lọc lõi nhất là trong buôn bán.

Nhắc đến câu chuyện “bún mắng, cháo chửi”, cùng thái độ phục vụ khách hàng tại Hà Nội đang xôn xao dư luận thời gian qua, PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế tỏ ra không mấy ngạc nhiên.

"Đó là văn hóa ứng xử được nảy sinh từ cái môi trường sống xô bồ, chợ búa. Bởi lẽ trong cách gọi dân gian, Hà Nội trước kia còn có cái tên gọi không chính thức như Kẻ Chợ. Như vậy, ở đâu đó làm sao có thể tránh được lối ăn nói thiếu văn hóa ấy"-ông nói.

Cũng theo PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế, văn hóa ứng xử nảy sinh trong môi trường sống. Một Hà Nội vốn đã xô bồ, lộn xộn về văn hóa vì ngày càng có quá nhiều thành phần dân cư định cư ở đây thì ở những nơi chợ búa khó có thể tìm được cách ứng xử nhã nhặn.

 
PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế: "bún mắng", "cháo chửi"  môi trường chợ búa đâu cũng có 
 

 “Không phải đến bây giờ mới có bún mắng cháo chửi, đã ở nơi chợ búa thì đâu cũng có. Với người ở Hà Nội lâu hơn, họ quen hơn tỏ ra “ sành” và sành đủ kiểu hơn, thường có tâm lý chê người mới đến “Ma cũ chê ma mới, Phú quý mới sinh lễ nghĩa...", PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế nhấn mạnh.

Lý giải cho sự đông khách của những quán ăn kiểu “bún mắng, cháo chửi” này, PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế cho rằng, bất cứ ai khi đi ăn uống, mua sắm, phải bỏ đồng tiên ra nên ai cũng mong muốn nhận được sự chu đáo, ân cần của nhân viên, chủ hàng dành cho mình. 
 
Trước cảnh bị chủ hàng cho ăn "cháo chửi" nhưng vẫn đến, có thể do tò mò vì nghe danh muốn đến xem thực hư, hay đơn thuần suy nghĩ mình đến ăn chứ nghe đâu và bỏ ngoài tai nên mặc lời nói đó coi như không nghe thấy.
 
Với một số ý kiến cho rằng, sự xô bồ của văn hóa Hà Nội, bún mắng cháo chửi là do người ngoại tỉnh mang vào, PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế nhận định: “Nói như vậy là nói xằng nói xiên. Ở một cái chợ ai biết người Hà Nội hay người nơi đâu. Người quê họ hiền lành, chân thành, chẳng cư xử như thế ”.
 
Đến nhà hàng, cậy có tiền nghĩ mình là vua, gọi gì phải có, nói gì phải nghe hành họe để lấy cái oai. Và khi bị đáp trả thì lại nói Hà Nội thiếu văn hóa ứng xử. Suy cho cùng bây giờ cả người ăn và người bán hàng đều không giữ được những nét thanh lịch, không giữ được văn hóa tối thiểu nơi công cộng.
 
Điều đáng nói ở đây là cái lợi kinh tế trước mắt khiến người bán tìm cách ép khách phải mua hàng thu lợi dẫn đến cách cư xử như thế. Còn nếu ai mà đi vào cửa hàng hoặc chợ chỉ nếm, thử mà không mua chủ hàng sẽ có thái độ chửi bới, thậm chí đốt vía, ứng xử thiếu văn hóa trước mặt nhiều khách…


PGS.TSKH Nguyễn Hải Kế sinh năm 1954, quê ông ở Vĩnh Bảo - Hải Phòng, được đào tạo tại Viện Hàn lâm khoa học Matxcơva (Liên Bang Nga) chuyên ngành Lịch sử, học vị Tiến sĩ (1992), Tiến sĩ khoa học (1996), học hàm Phó giáo sư.

Các lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy chính của ông hiện nay là: Làng - xã châu thổ sông Hồng (kết cấu kinh tế, văn hoá, xã hội); Tiếp xúc, giao lưu văn hoá ở Việt Nam; Lịch sử giáo dục và đào tạo ở Việt Nam; Chống ngoại xâm với quá trình lịch sử văn hoá Việt Nam.

Ông có rất nhiều bài viết và được đánh giá có kiến thức sâu rộng về văn hóa, lịch sử Hà Nội.

Theo GDVN

Các tin cũ hơn