Người con chưa đầy 20 kg, cao 90cm, sớm hôm lặn lội nhặt rác nuôi cha già suốt 20 năm qua. Câu chuyện hiếu nghĩa được lan truyền, cảm động lòng người Vĩnh Phúc.
Giữa trưa hè, người dân cả thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) tìm chỗ trú nắng hết khiến các con phố mất hẳn cái tấp nập vốn có của nó. Phía bên kia đường, một bãi rác nhỏ bốc mùi nồng nặc.
Mặc kệ những dòng mồ hôi lăn dài thấm đẫm chiếc áo đang mặc, “chàng lùn” thọc tay xuống đống rác nhặt bất cứ thứ gì có thể. Giữa những thứ rác nhầy nhụa, đôi mắt “chàng lùn” giãn ra, tươi tỉnh cố giấu một nụ cười. Ở phía dưới của đống rác có 3 vỏ hộp bia với hai cái rổ nhựa đã rách nát.
Hơn 1h sau, “chàng lùn” lại đi đến hồ Đầm Vạc, trung tâm thành phố Vĩnh Yên, nơi tập trung hàng chục quán giải khát và quán bia. Vỏ hộp, chai nhựa, mẩu sắt thậm chí cả chiếc đinh… “chàng lùn” không bỏ qua thứ gì.
Đến gần tối, phía xa xuất hiện một ông già râu tóc để dài, đạp chiếc xe đạp Thống Nhất han gỉ đi về phía “chàng lùn”. “Chàng lùn” mừng rỡ vẫy tay: “Cha ơi”. Người cha đỡ “chàng lùn” lên xe rồi từ từ nhấn pê –đan.
Xe vừa lăn bánh, chàng lùn rối rít khoe: “Có rác rồi cha ơi!”. Đã 20 năm tròn, người dân TP Vĩnh Yên vẫn bắt gặp “chàng lùn” đi nhặt rác như thế nuôi cha. “Chàng lùn” ấy là Phùng Gia Cường, 36 tuổi. Còn người cha ông Phùng Văn Sơn (75 tuổi) ở thôn 3, làng Lạc Ý, P.Đồng Tâm, thành phố Vĩnh Yên.
Hai cha con “chàng lùn” gắng gượng nuôi nhau. Cha hiền – con hiếu khiến nhiều
người dân Vĩnh Yên khâm phục.
Trong ánh đèn tù mù của ngôi nhà cấp 4, hai cha con dọn cơm ra mời khách. Trên bàn là đĩa rau muống đỏ quạch, đĩa đậu phụ rán nhưng nát hết nửa. Như thấy ánh mắt ái ngại của khách, “chàng lùn” lên tiếng : “Thế là tươm tất lắm rồi. Nhiều hôm không nhặt được rác, hai cha con chỉ dám mua một ổ bánh mỳ chia đôi dằn bụng thôi”.
Anh Cường là con út trong 4 người con mà của ông Sơn. “Tất cả sinh ra đều bình thường nhưng chỉ có nó là bị "bệnh lùn". Ngày đó, mới sinh được cháu Cường 2 năm thì bà nhà tôi qua đời, cảnh "gà trống nuôi con", tôi có đi bước nữa nhưng bà hai cũng không may ra đi sớm. Bây giờ, các con đều vào tận trong miền Nam kiếm kế sinh nhai, cũng khó khăn nên chỉ có nó là ở cạnh chăm nom tôi 20 năm qua”, ông Sơn nói.
Nhiều năm liền, ông Sơn ốm đau liên miên, không nơi nào nhận Cường vào làm do thiếu chiều cao, cân nặng. Gia cảnh của hai cha con càng ngày càng túng quẫn. “Năm 1992, khi tôi thấy mấy đứa trẻ đi nhặt rác về bán nên đi cùng. Đi cả buổi cũng kiếm được tiền mua mấy kg gạo. Từ đó, tôi lang thang khắp các ngõ phố tìm rác phế liệu để hai cha con sống và mua thuốc cho cha”, anh Cường kể.
Mỗi buổi chịu khó đi nhặt rác, nhiều nhất anh Cường kiếm được 40.000 - 50.000 đồng. Từ khi là một cậu nhóc, cho đến nay đã trưởng thành anh Cường chỉ nặng chừng 20kg, cao chưa đầy 90 cm. Thấy mình khác người nên anh luôn sống khép mình trong cảnh đơn côi và tránh né mọi người.
Anh tâm sự: "Nhìn tôi, người ta cứ nhìn như một dị nhân, cho nên tôi luôn mặc cảm và rất sợ sự trêu đùa của những đứa trẻ con trong phố". Người cha chỉ biết động viên: “Mỗi người một số phận. Miễn là con sống tốt và cha con mình có nhau là hạnh phúc lắm rồi”.
Hiểu và thương Cường nên nhiều người với những bịch nilon phế liệu trên tay đợi Cường đến nhà để cho. “Thân hình nhỏ bé thế nhưng chịu khó nên ai cũng quý, có đồ gì không dùng họ lại để ra một góc để Cường đến lấy”, chị Nguyễn Thị Bình, một người dân đường Hùng Vương nói.
Khi có người thương cảm và khâm phục “chàng lùn” hiếu thảo định cho tiền thì Cường gạt phắt đi: “Cho tôi rác là được rồi. Tôi còn sức để tự mình sống và nuôi cha. Ai cũng phải mưu sinh. Mình không thể chờ lòng thương hại để nuôi sống mình được”. Cường nói rồi bước đi vội trong trời nắng chang chang.