Nước mắt nhớ con của người mẹ bán đồng nát

Thứ tư, 18/07/2012, 15:03
Chồng bị tai biến qua đời, để lại hai đứa con "trứng gà trứng vịt", chị Lê Thị Xoan (Xuân Vinh, Xuân Trường, Nam Định) rời quê lên Hà Nội mưu sinh.
 
 
 
 
“Số phận của gia đình tôi bạc bẽo quá, ông nhà tôi mới mất được hơn một năm thì ông trời lại cướp nốt thằng con rể tôi bằng một cơn tai biến não. Con tôi đã theo bố nó để lại hai đứa con còn nhỏ dại lúc ấy đứa lớn chưa đầy 3 tuổi, còn con bé vẫn đang phải bú sữa mẹ” – bà Nguyễn Thị Cúc, mẹ ruột của chị Xoan xúc động kể lại.
 
Lo cái giỗ thứ hai cho chồng xong, trong nhà chị Xoan không còn một hạt thóc, lại phải nuôi đàn vịt đang bung lông, chị đành bán chúng đi. Thắt lòng để lại hai đứa con gửi bà ngoại trông nom chị quyết định lên Hà Nội.

Hai anh em Cường và Trang ra thăm đàn vịt.

Hai anh em Cường và Trang ra thăm đàn vịt.


“Tháng nào Xoan cũng gửi tiền về để bà cháu tôi nuôi nhau, có tháng dăm ba trăm, có tháng hơn một triệu, ít nhiều tôi cũng mua được hộp sữa cho cháu bé, bà cháu tôi rau cháo qua ngày”, bà Cúc tâm sự
 
Hơn một năm sau khi bố mất, mẹ lên Hà Nội đi làm, trên gương mặt đượm buồn của hai đứa trẻ như già dặn hơn. Bé Đặng Quang Cường (4 tuổi) dáng người nhỏ bé còi cọc suy dinh dưỡng chỉ được có 13 kg, còn bé Đặng Thị Trang (hơn 1 tuổi) cũng còi cọc chỉ bằng cân của một đứa trẻ 8 tháng tuổi. Dường như chúng cũng biết thương mẹ, thương bà nên hai anh em rất quý nhau.
 
Bà Nguyễn Thị Cúc kể: “Hai đứa còn nhỏ tuổi nhưng rất khôn, anh đi đâu chơi là đưa em đi, dắt em không để cho em bị ngã, có lần không may con bé Trang bị ngã là anh nó xoa vào chỗ chân đau, dỗ dành cho em như người lớn”.
 
Buổi chiều vừa hết nắng hai anh em Cường và Trang đang dắt nhau ra thăm đàn vịt trên sân của Bà, em Cường nói “khi nào đàn vịt này lớn để bà ngoại bán đi rồi mua thịt cho anh em cháu ăn đấy, bà ngoại thương anh em cháu lắm!”
 
Đi mua đồng nát nuôi con
 
Tôi gặp chị Lê Thị Xoan tại đường Giải Phóng (Hà Nội) vào lúc chạng vạng tối, chị Xoan đang chở một đống phế liệu nặng trịch gồm bao bì xi măng, sắt vụn và giấy. Chị đang trên đường về, hôm nay mua được nhiều hàng nên chị được về sớm. Gương mặt sạm đen và ánh mắt buồn của chị ánh lên một nụ cười khi nhắc đến sự nhanh nhẹn của hai bé Cường và Trang.

Hai đứa trẻ đang đợi bà bổ quả bưởi mới hái ngoài vườn.

Hai đứa trẻ đang đợi bà bổ quả bưởi mới hái ngoài vườn. 


Mày mò theo mấy người họ hàng cùng làng lên Hà Nội, thuê nhà trọ ở chung với 6 người đàn bà, chị Xoan cũng học theo họ đi mua đồng nát để kiếm đồng ra đồng vào. Mỗi tháng chị về thăm con được một lần, ở lại với con hai ba ngày lại phải lên ngay kẻo người ta gọi mà không đến lấy hàng là mất mối làm ăn. Về quê "cho đỡ nhớ chúng rồi lại lên đi làm, mỗi lần đi là ba mẹ con nước mắt ngắn nước mắt dài”, bà Cúc nói.
 
Từ chỗ ở trọ tại Linh Đàm, chị Xoan rong ruổi không biết bao nhiêu con ngõ ở Hà Nội, có hôm đi xuống tận Thường Tín, có hôm mải đi mua 10h tối mới về đến nhà, vội ăn được miếng cơm nguội rồi đi nghỉ.
 
“Ngày nào gặp may thì kiếm được dăm trục một trăm, có hôm không may phải đi chở nặng mà bán chẳng ăn thua gì. Nếu may mắn, ăn uống tằn tiện, trừ tiền nhà trọ, mỗi tháng để ra được hơn 1 triệu đồng. Những ngày mới tập tễnh lên "học nghề" đêm nào chị cũng khóc, khóc hết nước mắt vì nhớ con, rồi nhớ chồng vô cùng. Nhưng lại tự an ủi mình phải cố gắng vì con”, chị Xoan tâm sự.
 
Bây giờ chị đã đi làm quen, đã không còn chán nản như những ngày đầu, chị chỉ mơ ước kiếm được nhiều tiền để còn chuẩn bị cho cháu Cường vào học lớp 1 rồi tích cóp đủ tiền vốn về quê làm ăn để không phải xa con nữa. Chị có sống được đến bây giờ nghĩ cũng chỉ vì con".

 
Theo Vietnamnet

Các tin cũ hơn