Với những người đàn ông nói nhiều, trong từ điển của họ luôn có câu “một điều nhịn là chín điều nhục”. Vì thế, lúc nào học cũng sẵn sàng lăn xả vào cuộc chiến, chuyện bé xé ra to ...
Chị Tạ Ngọc Dung (Hoàng Mai – Hà Nội) than thở: “Mình là đàn bà mà mình còn chẳng nói nhiều như ông ý”.
Chị chia sẻ, cuộc sống vợ chồng chị đã kéo dài gần 7 năm, trước khi cưới còn yêu nhau những 4 năm, vậy mà chị chẳng “phát hiện” ra tính xấu này của anh Lực.
Trước thấy anh cứ ra rả về chuyện này chuyện kia, chị nghĩ anh có cái nhìn tinh tường, sâu sắc trong cuộc sống. Nhưng càng sống với anh, chị càng thấy anh Lực… có vấn đề.
Bữa cơm tối nào, anh đều thao thao bất tuyệt không về chuyện bà sếp cặp bồ với thằng trai trẻ thì cũng là chuyện hai vợ chồng hàng xóm đánh nhau vì vợ bẩn…
Ban đầu, chị cũng nói với chồng rằng đó là chuyện của người ta, mình quan tâm làm gì, thì anh hậm hực: “Kể cho mà nghe còn lắm điều, ứ cần, đây chẳng nói nữa!”
Nhưng chỉ sau 5 phút im lặng, anh Lực lại mở máy: “À, chết cười vợ ạ, cái thằng Công phòng anh ý, nó đích thị là thằng sợ vợ”…
Chị Dung và anh Lực đều là viên chức nhà nước, cuộc sống tuy không giàu có nhưng chẳng đến nỗi khổ sở. Vậy mà thỉnh thoảng chị có chút ít biếu bố mẹ, anh cũng càu nhàu đến cả tháng, cằn nhằn rằng vợ không chăm chút đến gia đình.
Anh có em gái đang học đại học. Đôi khi chị cho em chút ít để cuộc sống sinh viên đỡ vất vả hơn. Tưởng rằng chồng sẽ tự hào lắm vì có được người vợ chu đáo với gia đình nhà chồng, mhưng anh mặt nặng mày nhẹ nói chị “hoang phí”, “vung tay quá trán”.
Anh làm vợ rất buồn vì cái tính hay nói của mình (Ảnh minh họa)
Chuyện tài chính trong nhà do anh Lực giữ cả. Các bữa ăn đều được lên sẵn thực đơn để không thừa một xu. Đến mấy tháng nay, chị Dung không có lấy một bộ quần áo mới, “bớt” chút tiền lương của mình ra mua cũng phải nói dối là chị gái tặng…
Bữa trước chồng khoe mua được mớ cá ở một chợ cóc trong ngõ, còn bảo chị lần sau cứ vào đó mua cho rẻ, xa hơn một chút nhưng chẳng đáng bao nhiêu, chứ mua trên đường đi làm về thì đắt đỏ. Chị ăn miếng cơm mà lòng thấy mặn chát.
Còn chị Nguyễn Thị Lượng (Đống Đa, Hà nội) lại kể chuyện ông chồng chị suốt ngày bới lông tìm vết: “Tôi chỉ cần quên không lau bát sau khi rửa thôi là anh ta gào lên, nâng cao quan điểm về việc ‘phụ nữ mà vô ý tứ’ hoặc tôi mua đồ về chưa cho vào tủ lạnh ngay là anh kết luận tôi ‘trình độ thấp hèn".
Lúc mới lấy nhau, tôi cũng cười cho qua nhưng dần dần, những hành động, lời nói của anh càng lúc càng "nặng đô" và nói lắm, nói từ bữa ăn cho đến tận lúc lên giường ngủ.
Những lời anh nói làm tôi không chỉ mất tự tin mà còn thấy mình bị xúc phạm ghê gớm. Ngay cả đến khi tôi đưa đơn ly hôn, anh vẫn còn nói: "Em thật nông cạn và ngu ngốc. Em định bỏ anh để lấy thằng nào. Được, em lấy chúng nó đi rồi biết mặt. Ngu ngốc đến thế là cùng. Bao nhiêu năm chung sống, anh nói bao nhiêu điều mà em không sáng được mắt ra sao?".
Mà đã hết đâu, lần nào, hàng xóm bất hòa, anh cũng hùng hục chạy sang làm chứng nọ kia rồi "phán" như người trong cuộc. Có kẻ nào ghét, chơi khăm, vứt rác vào nhà anh. Chị nói: “Anh không nói nhiều thì đâu ra nông nỗi này. Khối người chết vì cái miệng".
Chị nói, người ta thường bảo, khi yêu thì lời đường tiếng mật, khi lấy về rồi “biết mặt nhau” là thế. Chồng và chị từ ngày chung sống, anh đã bộc lộ bao nhiêu tính xấu mà cho đến giờ phút này chị không còn muốn đi đâu cùng chồng.
Điển hình, có lúc mấy gia đình rủ nhau đi cà phê, những lần trước bạn bè chị đều trả tiền, lần này đến lượt nhà chị. Nhưng khi uống xong, mãi chẳng thấy chồng đứng dậy trả, cứ ngồi lỳ. Chị nghĩ bụng, chắc là quên ví hoặc trong ví không đủ tiền nên chị nháy con bạn trả giúp.
Khi về đến nhà, chồng rú lên cười, ra vẻ rất đắc thắng vì đã trốn được “món hời”: “Đông như thế, uống bao nhiêu là thứ thì lấy đâu ra mà trả. Những lần trước bọn họ có đưa con cái đi đâu, lần này đưa đi như thế, mình trả thì thiệt chết!”
Nghe đến đây mà chị choáng, không ngờ anh lại tham lam, tính toán chi li đến như vậy.