Thực hư chuyện người mẹ trẻ 5 lần "cho" con

Thứ năm, 09/08/2012, 13:34
Ngay giữa lòng Thủ đô Hà Nội, một phụ nữ tuổi mới chừng 30 mà đã hơn chục năm nay chuyên sống bằng 'nghề' đẻ con rồi đem 'cho' những gia đình hiếm muộn, lấy tiền sinh sống.
Câu chuyện trên liệu có thật hay chỉ là những câu chuyện đồn thổi? Người phụ nữ này tên Thìn, được người dân thường gọi là "Thìn ốc" ở Cầu Diễn - Từ Liêm-Hà Nội.
 
6 lần sinh và 5 lần “cho” con
 
Chúng tôi đến địa phận khu K3 Cầu Diễn và khu đường sắt thôn Kiều Mai (xã Phú Diễn - Từ Liêm - Hà Nội) hỏi về người phụ nữ chuyên sinh con rồi đem cho để lấy tiền sinh sống, người dân ở đây ai cũng biết và chỉ đường tường tận. 

Những người dân cho hay, người phụ nữ này mang biệt danh “Thìn Ốc", nổi tiếng ở đây vì đẻ con rồi đem cho. Nhưng nhiều người lại cho rằng: “Cô Thìn bán con chứ không cho con". Thậm chí, họ sẵn sàng chỉ đường, dẫn đến ngõ vào nhà người phụ nữ này nhưng phải trả thù lao cho họ. Đây chính là đám “cò" luôn nhiệt tình móc nối cho khách tới tìm mua con.


Người phụ nữ này đã "cho" đi 5 người con mà mình mang nặng đẻ đau.

Trong vai đôi vợ chồng hiếm muộn, đang có nhu cầu xin một đứa con để vui cửa vui nhà, chúng tôi tìm đến nơi người phụ nữ “nổi tiếng” vì cái sự đẻ rồi đem cho con này. Đó là một quán nước trà đá nhỏ trên đường K3, cách Cầu Diễn khoảng 300 m.

Được biết, chị Thìn đang sống cùng với người mẹ già và cậu em trai trong căn nhà này. Khi chúng tôi đề đạt nguyện vọng muốn xin con, một người phụ nữ có thân hình xồ xề bước từ trong phòng lớn tiếng vọng ra: "Chị Thìn đây, chị từng cho con nhiều lần rồi, nhưng giờ phải có con mới 'cho' được chứ".
 
Người phụ nữ này còn bảo: “Giá như các em đến sớm hơn cách đây vài tháng thì có, nhưng giờ thì mới 'cho' người ta rồi. Nếu muốn, chị có thể giới thiệu cho chỗ khác, là con của các nữ sinh viên đã 'trót dại', đang muốn 'cho' con, kiếm chút tiền trang trải cuộc sống". 

Để minh chứng cho việc mình “cho con" là có thật, người phụ này đã kể cho chúng tôi hàng loạt những “thành tích” về những lần cho con. Theo lời chị Thìn, chị bắt đầu đẻ con từ khi 20 tuổi, đến nay đã được 6 người con. Trong đó, cậu con trai đầu lòng chị giữ lại nuôi, còn 5 người con gái, cứ sinh ra được một thời gian là đem... cho người ta để nhận tiền bồi dưỡng, trang trải cho cuộc sống “bão giá” khốn khó hiện nay. 

Người phụ nữ này đã “cho" đi 5 người con mà mình mang nặng đẻ đau. Tình mẫu tử thiêng liêng đã phải nhường chỗ cho lý do cuộc sống và những toan tính thường ngày.
 
Sự vô cảm, đắng cay của người phụ nữ có gia cảnh éo le
 
Tìm hiểu về nguyên nhân khiến người phụ nữ này nhẫn tâm đem cho chính con đẻ của minh, chúng tôi đã có nhiều trăn trở, chua xót. Chị Thìn giãi bày, lấy chồng từ năm 20 tuổi, cứ ngỡ có được gia đình hạnh phúc khi sinh đứa con đầu lòng, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn lại gặp phải người chồng cục cằn, chẳng làm ăn gì và cũng không quan tâm, chăm lo cho vợ con như những người đàn ông khác, chị tủi thân thành ra nghĩ quẩn. 
 
Cũng từ đó, khi có người mách nước, chị đã đem cho đứa con gái thứ hai ngay sau khi sinh để lấy một khoản tiền rồi lang thang vật vờ, ai đi đường nấy. “Chỉ khi nào 'cần nhau' thì tìm tới nhau rồi lại mỗi người một nơi mà tìm cách mưu sinh cho riêng mình. Cuộc sống gia đinh đơn giản chỉ có vậy thôi” - chị Thìn chia sẻ.

Một cô gái Việt được đưa sang Thái Lan đẻ thuê.

Lúc bấy giờ với sức trẻ đôi mươi nhưng người phụ nữ này cũng chẳng kiếm được công việc cho đàng hoàng, cứ vạ vật nay đây mai đó quanh khu vực đường tàu gần ga Phú Diễn.

Đến khi hết chỗ đi, chị lại quay về nhà mẹ già, bán nước chè kiếm sống qua ngày. Hoàn cảnh gia đình éo le, cuộc sống thiếu thốn tinh thần, vật chất nên Thìn đâm ra chán nản, mất phương hướng rồi đưa đẩy chị tới cuộc sống lang chạ với những người đàn ông khác. 
 
Người gần có, người xa có, bao cuộc tình chóng vánh một đêm mà chưa đầy chục năm trời, 6 đứa trẻ liên tiếp ra đời mà không ai biết chính xác bố chúng là ai. Bà con chòm xóm thắc mắc cứ thấy chị năm lần, bảy lượt lùm lùm cái bụng chửa nhưng chưa khi nào nghe thấy trong nhà có tiếng trẻ con khóc hay chí ít một lần thấy bóng dáng đứa trẻ nào được chị bồng bế ra ngoài.
 
Chị cho biết, mọi người đến mua con khi chị đang mang bầu, họ hứa trả tiền viện phí, thuốc thang cộng thêm chút tiền gọi là bồi dưỡng sau khi sinh con. Cứ mỗi lần sinh, người ta đã mang cháu đi rồi nhưng chị cũng chẳng hề xin lại địa chỉ để nếu có điều kiện sau này được gặp lại con.

Đau đớn thay, chị còn chưa kịp nhìn mặt con được một lần hoặc đặt cho chúng được một cái tên. “Tôi cũng không nhớ đã cho con những ai và ở đâu cả. Sinh xong là người ta đến đưa đi rồi” - chị thản nhiên tâm sự.
 
6 lần sinh, đã tới 5 lần chị “cho” đi giọt máu mang nặng đẻ đau, nói chính xác hơn là bán con cho người ta mà không hề thương xót. Để rồi, khi người ta nghe tin này lại kéo đến "xin" và chị lại... "cho" con. Những sinh linh bé nhỏ vừa kịp chào đời ấy đã bị đổi chác như mớ rau ngoài chợ và trở thành món hời kha khá cho chính người đã ban tặng cuộc sống cho chúng.
 
Theo chị Thìn cho biết, mỗi lần “cho” con, tùy tâm người xin mà bồi dưỡng, có người trả 15 triệu (đồng), ngườỉ trả 20 triệu đồng, có khi ít hơn chỉ từ 3 đến 8 triệu đồng, chị đều gật đầu. 
 
“Mang nặng đẻ đau, chín tháng mười ngày mới sinh được đứa con, ai chẳng muốn cho chúng cuộc sống đầy đủ, khôn lớn thành người có ích. Nhưng cũng vì hoàn cảnh không đủ khả năng nuôi chúng nên mình cho người ta như muốn con có cuộc sống đầy đủ như bao đứa trẻ khác. Việc bần cùng bất đắc dĩ nên mới phải cho đi máu mủ của mình thôi. Mong rằng người ta có điều kiện hơn, con mình sẽ sung sướng hơn khi ở với gia đình mới" - chị Thìn thanh minh. 

Có lẽ chưa bao giờ chị Thìn ý thức được việc làm phi đạo đức của mình mà chỉ coi đó là việc làm cần thiết để giúp mưu sinh, sống qua ngày...
 
Khi chúng tôi đề cập đến việc xin nốt đứa con trai hiện đã 10 tuổi mà Thìn đang nuôi thì chị ngập ngừng nói: “Có bán thì bán từ lúc sinh chứ giờ nuôi lớn thế này, thương con lắm, ai nỡ bán hả em”, rồi chị chỉ về phía thằng bé đang nằm phía giường bên. Nhìn cậu con trai 10 tuổi của Thìn gầy còm, đen nhèm, chỉ tầm đứa trẻ 6 - 7 tuổi, chúng tôi cũng không khỏi thương cảm.

Nhẽ ra, ở tuổi của cậu bé đang là tuổi ăn, tuổi học, tuổi chơi nhưng nó lại chưa từng được biết đến khái niệm bạn bè, thầy cô, trường lớp là gì. Nó không được đi học mà hàng ngày chỉ quanh quẩn, thập thò ở những quán net gần nhà hay chạy ra chợ.
 
Theo tìm hiểu của chúng tôi, bà N. (mẹ đẻ chị Thìn) cũng có hoàn cảnh rất éo le. Trước đây, bà cũng từng qua hai đời chồng, cuộc sống vất vả, long đong. Lấy một ông ở lò gạch sinh ra Thìn, sau đó cha Thìn mắc bệnh rồi qua đời, bà N. tiếp tục chung sống với một người đàn ông khác nhưng ông này lại có biểu hiện của bệnh tâm thần.

Họ cũng sinh được một người con trai (em sau Thìn). Không lâu sau thì anh này ốm đau, bệnh tật mà mất và bà N. ở góa luôn từ đó đến bây giờ.
 
Quay lại câu chuyện về chị Thìn, nhìn chị xoa đầu đứa con, tôi nhận ra trong thâm tâm người phụ nữ này, tình mẫu tử vẫn còn đâu đó.

Đứa trẻ ngây ngô cho chúng tôi biết: “Bố cháu hút thuốc nhiều, chết rồi”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, người bố đẻ của cậu bé đã mất cách đây 3 năm vì căn bệnh xã hội. Kể từ đó, cậu bé phải sống với những ông chồng "hờ" của mẹ trong ngôi nhà cô quạnh này. Tới đây chị còn có ý định tha hương cầu thực vào tận Sài Gòn để sống, phó mặc đứa con cho bà nội.
 
Trao đổi với ông Huy, trưởng khu phố nơi chị Thìn sinh sống, ông này cho biết, ngày trước hai mẹ con bà N. thuộc địa bàn dưới xã Minh Khai (Từ Liêm), mới chuyển về đây từ đầu năm nên sự việc chị Thìn bán con trước đây không thuộc quyền của khu phố quản lý.

Theo lời ông Huy, cũng có nghe người dân xung quanh bàn tán về sự việc và khẳng định, nếu còn tiếp diễn tình trạng đó, sẽ có sự can thiệp của chính quyền khu phố và các cơ quan đoàn thể đến gia đình vận động, tuyên truyền ngăn chặn. 

“Thế nhưng nói đi cũng phải nói lại, đấy là việc riêng của mỗi gia đình, chính quyền cũng không thể can thiệp quá sâu vào được”, ông Huy cho biết.
 
Hàng xóm xung quanh ai cũng biết chuyện nhưng không ai lên tiếng, nhiều người nhìn mẹ con họ với ánh mắt đầy sự khinh miệt, dè bỉu vì việc làm nhẫn tâm vứt bỏ con cái rồi quay sang đổ lỗi cho hoàn cảnh.
 
* Tên nhân vật đã được thay đổi
 
Theo HN&PL

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn