Sản xuất giá ăn bằng hóa chất - Kỳ 3

Thứ tư, 08/08/2012, 07:05
Tình trạng dùng chất kích thích, hóa chất không rõ nguồn gốc để “kích” giá phát triển nhanh, mập và đẹp là điều các chuyên gia y tế rất lo ngại cho sức khỏe người sử dụng.
Sản xuất giá ăn bằng hóa chất - Kỳ 3: Ăn vào ảnh hưởng gan, thận, thần kinh...

Gây bệnh âm thầm
 
Ngoài dùng vôi để ngâm hạt đậu xanh, thì hai loại hóa chất “trụ cột” mà những cơ sở sản xuất giá ở TP.HCM sử dụng xuyên suốt mà PV Thanh Niên thu thập được trong quá trình điều tra: một hóa chất dạng bột màu trắng đựng trong bao 50 kg có tên Soda ASH Light, loại dung dịch đựng trong ống nhựa nhỏ 20 ml, cả hai toàn chữ Trung Quốc.  
"Nếu sử dụng lâu dài, các tồn dư của những kim loại nặng sẽ tích tụ lại trong cơ thể gây nên các bệnh mãn tính, ảnh hưởng lên gan, thận, thần kinh, và nó còn là yếu tố gây ung thư"

Ông Hữu Toàn - chuyên gia trong ngành hoá chất ở Tp.HCM

Về loại chất bột trắng có tên Soda ASH Light, ông Hữu Toàn, một chuyên gia trong ngành hóa chất ở TP.HCM, nói: “Loại hóa chất này dùng trong công nghiệp làm bột giặt (thường là làm xà bông bột), có công thức Na2CO3, mang tính kiềm cao và có công dụng tẩy trắng nên mục đích người ta tưới là để tẩy trắng thân giá cho đẹp.

Còn việc cho bột trắng này từ khi còn là hạt đậu xanh nhằm “kích” hạt đậu nhanh bung vỏ để sớm phát triển thành cây giá, rút ngắn thời gian cho ra sản phẩm” và khẳng định: “Soda ASH Light công nghiệp chứa rất nhiều tạp chất, nhất là các kim loại nặng. Nếu sử dụng lâu dài, các tồn dư của những kim loại nặng sẽ tích tụ lại trong cơ thể gây nên các bệnh mãn tính, ảnh hưởng lên gan, thận, thần kinh, và nó còn là yếu tố gây ung thư”.

 
Còn theo một chuyên gia của Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm (TP.HCM), Soda ASH Light dạng công nghiệp được sử dụng trong cả sản phẩm thuộc da - ngâm để làm mềm da trước khi làm giày, dép, và nó rất độc hại nếu con người sử dụng.
 
Với dung dịch kích thích cho thân giá mập, tròn và đẹp, trên đó có ghi một số thành phần của các kim loại nặng như Fe, Cu, Zn, Mn…, theo bác sĩ Trần Văn Ký, Hội Khoa học kỹ thuật ATVSTP VN, sẽ gây những hậu quả khó lường cho người sử dụng.

“Hậu quả đó diễn ra từ từ, âm thầm, mà người ta không thể biết được. Cụ thể, các kim  loại nặng tích tụ lâu ngày sẽ tàn phá tế bào cơ thể, gây bệnh mãn tính, bệnh thần kinh, suy thận, tác hại lên tim mạch, gan; và ung thư là hậu quả sau cùng đáng lo ngại”, bác sĩ Ký nói.

 
Chuyên gia y tế cũng... sợ.

Đà Nẵng tẩy chay từ lâu

Tại Đà Nẵng, bà Tí, tiểu thương chợ Hàn cười xòa khi PV ngỏ ý tìm loại giá ngắn, mập: “Không có đâu cô ơi, hồi mấy năm trước hàng có về một đợt vài ngày, nhưng khách hàng họ không ưng, cứ đòi mua loại giá dài, trồng đất cát nên dần dà loại giá đó cũng mất dạng luôn!”.

Các tiểu thương khác cũng cho hay, hầu hết giá bán trên thị trường Đà Nẵng được mua từ những nông dân các làng rau tại Đà Nẵng và các cây giá này hoàn toàn được trồng bằng đất cát.

 
Chị Lê Thị Hoa, tiểu thương hàng rau chợ Mới, nói loại giá mập lùn, không có rễ ăn vào nghe rất bột, không có sự tươi tắn và giòn, nhiều nước như giá dài, nên không được ưa thích, chứ thực chất ban đầu cũng không ai biết giá đó trồng bằng hóa chất.

Chính vì thói quen ăn uống của người tiêu dùng Đà Nẵng đã giúp loại bỏ được một loại thực phẩm độc hại ra khỏi thị trường.
Bà Cường (ở H.Bình Chánh, TP.HCM) cho biết, trước đây có lần bà mua giá sống được các hộ sản xuất ở Q.Tân Phú bán rẻ để về cho dê ăn, sau một thời gian ăn giá, nhiều con dê có biểu hiện bệnh. Nghi ngờ giá có vấn đề, bà Cường đã đi tìm hiểu về việc trồng giá.

“Qua tìm hiểu, tôi biết được hầu hết các hộ sản xuất giá đều có dùng hóa chất, chất kích tăng trưởng của Trung Quốc. Những hóa chất này rất rẻ, nhất là loại ống 20 ml dùng kích thích thân giá mập, chỉ vài trăm đồng/ống.

Tôi cũng đã thử đem hai loại giá (làm bình thường và giá làm từ chất kích thích) luộc trong nước để xem biểu hiện của nước sau luộc. Kết quả, với giá có sử dụng hóa chất, chất tăng trưởng thì nước sau khi luộc có màu đục, chứ không trong như nước luộc từ giá trồng tự nhiên”
, bà Cường khẳng định.

 
Lý giải về hiện tượng nước luộc giá có màu đục, ông Hữu Toàn cho biết: “Trong quá trình các hộ sản xuất giá như PV mô tả, người ta có dùng vôi - Ca (OH)2 để ngâm đậu xanh trong 6 giờ, rồi sau đó cho hóa chất Soda ASH Light (Na2CO3) vào.
 
Hai hóa chất này phản ứng với nhau sẽ cho ra CaCO3 - bản chất CaCO3 kết tủa nên khiến nước luộc giá có màu đục là như thế. Như vậy, với giá được sản xuất từ hóa chất, chất kích thích, ngoài thân giá mập, ngắn và trắng, ít rễ, thì nước luộc giá có màu vẩn đục”. 
 
Phó viện trưởng Viện Vệ sinh y tế công cộng TP.HCM (thuộc Bộ Y tế), bác sĩ Vũ Trọng Thiện nói: “Từ nay hết dám dùng loại giá thân mập, ngắn. Đáng sợ khi ngày càng nhiều cơ sở sản xuất lạm dụng hóa chất, phụ gia không rõ nguồn gốc, nhất là các hóa chất Trung Quốc”.
 
Theo bác sĩ Thiện, kinh phí nhà nước hằng năm cấp cho Viện thực hiện giám sát, kiểm nghiệm về ATVSTP có hạn, nên Viện chỉ tập trung vào một số loại thực phẩm, chưa thể giám sát hết các loại thực phẩm trong đó có mặt hàng giá. “Qua phản ánh của Báo Thanh Niên về thực trạng sản xuất giá, tới đây Viện sẽ lưu ý giám sát mặt hàng này”, ông Thiện nói.    
 
Siêu thị bán toàn giá mập, ngắn
 
Sản xuất giá ăn bằng hóa chất - Kỳ 3: Ăn vào ảnh hưởng gan, thận, thần kinh...

Mặc dù lấy hàng từ những nơi cung cấp khác nhau, nhưng giá ăn bán tại các siêu thị khá giống nhau và không khác so với giá làm từ thuốc kích thích tăng trưởng và hóa chất: thân ngắn, mập, tròn, ít rễ. Nhân viên quản lý mặt hàng rau quả của siêu thị Maximark Cộng Hòa (Q.Tân Bình) cho  biết siêu thị lấy giá từ một công ty trung gian (không phải nhà sản xuất).

Ông Nguyễn Thành Nhân, Phó tổng giám đốc hệ thống siêu thị Co.op Mart, cho biết: “Mỗi ngày toàn hệ thống Coop.Mart ở TP tiêu thụ 200 - 300 kg giá, do 3 đơn vị cung cấp. Khi nhận hàng, siêu thị chỉ yêu cầu các công ty phải có giấy đảm bảo ATVSTP, hay VietGAP”. Siêu thị Big C cũng lấy giá từ một công ty, còn siêu thị Sài Gòn tiêu thụ bình quân 20 - 30 kg giá mỗi ngày và lấy từ chợ đầu mối Bình Điền.

 
Hầu hết các siêu thị lấy giá qua các công ty trung gian và giao phó việc đảm bảo chất lượng giá cho các công ty này chịu trách nhiệm. Chỉ cần các công ty cung cấp trưng ra tờ giấy đảm bảo ATVSTP, hay đạt tiêu chuẩn VietGAP là được, chứ các siêu thị không biết giá được các nhà cung cấp lấy từ đâu, và nó được sản xuất trong điều kiện như thế nào.
 
Ngoài các siêu thị, dạo quanh các chợ ở TP.HCM, từ chợ lớn, đến các chợ nhỏ, chúng tôi ghi nhận hầu hết giá đậu xanh được bày bán ở chợ cũng là loại giá thân ngắn, mập, ít rễ giống y loại giá được sản xuất từ chất kích thích, hóa chất Trung Quốc mà trong quá trình điều tra chúng tôi ghi nhận.
 
 
 
Theo Thanhnien

Các tin cũ hơn