Chợ quê nghèo " gây choáng" vì mức giá đấu lô “khủng”

Thứ hai, 27/08/2012, 13:57
Một thực tế đang tồn tại làm khổ nhiều bà con tiểu thương ở chợ quê nghèo Dương Nỗ (hay còn gọi chợ Nọ, xã Phú Dương, huyện Phú Vang, tỉnh TT-Huế) là các lô bán hàng sau khi đấu giá đã bị đẩy giá cao ngất ngưởng, lên tới hàng chục triệu đồng/tháng.
Theo phản ánh của nhiều tiểu thương kinh doanh tại chợ Nọ - một khu chợ khá tồi tàn ở vùng quê Dương Nỗ, sau khi đấu giá lô bán hàng, giá lô đã bị đẩy lên với giá rất cao. Không còn cách nào khác, tiểu thương đành chấp nhận đấu thầu giá cao, nếu không sẽ không có chỗ kinh doanh, mất phương mưu sinh.
 
Cụ thể, giá lô trúng cao từ 10-30 lần so với giá gốc. Với diện tích nhỏ từ 2-4m2, các ki ốt mặt trước chợ tiền thuê trước đây là hơn 600.000/tháng, nay tăng lên với giá “khủng”, từ hơn 5 - 7 triệu, 8 - 9 triệu đồng, thậm chí đến hơn 10 triệu đồng/tháng.

Dãy buôn bán hàng gia vị có giá thuê cũ là 115 ngàn đồng/tháng, nay tăng lên gần 30 lần với giá khoảng 3 triệu đồng/tháng. Dãy hàng quần áo bình quân 4 triệu đồng/tháng, dãy hàng ăn 2,5 triệu đồng/tháng. Điển hình có ông Đoàn Văn Ngọ lúc trước thuê 500 ngàn đồng/tháng, nay qua đấu lô nhảy vọt lên gần... 15 triệu đồng.

 
 
Chợ quê nghèo “gây choáng” vì mức giá đấu lô “khủng”
 
Chợ quê nghèo Dương Nỗ có giá đấu lô cao nhất tỉnh Thừa Thiên - Huế
với hàng chục triệu đồng/lô/tháng

 
 
“Trong tình hình chung như hiện nay, buôn bán gặp nhiều khó khăn, các doanh nghiệp lớn cũng phải bó tay mà chị em chúng tôi phải nộp vào tiền lô mỗi ngày từ 200.000đ đến 500.000đ. Còn phải chạy đâu cho ra từ 10 triệu đến 40 triệu để nộp quỵ lô với một số tiền gấp bội số vốn kinh doanh hiện nay, chưa kể vào đó là tăng 15% hàng năm nữa. Xin các ngành chức năng can thiệp cho chị em chúng tôi đỡ khổ” - một tiểu thương tâm sự.

Mức giá cao khủng khiếp tại chợ Nọ có thể được xem là hiện tượng "kỳ lạ" nhất về đấu lô chợ lần đầu xảy ra ở Huế. Bởi qua khảo sát các chợ lớn tại thành phố Huế, nơi được xem là có giá thuê lô cao nhất tỉnh, thì trong thời điểm hiện tại giá cũng rất thấp, xấp xỉ bằng với giá gốc thuê từ trước tại chợ Nọ.

 
 
Chợ quê nghèo “gây choáng” vì mức giá đấu lô “khủng”
Một lô bán hàng tạp hóa nghèo nàn có giá hơn 10 triệu đồng/tháng.

Tiểu thương chủ hàng ngậm ngùi cho biết với giá này không làm sao bán nổi có lời. Bởi tổng giá trị hàng hóa bày bán cũng chỉ hơn 20 triệu đồng
 
Đơn cử như tại chợ lớn nhất tỉnh TT-Huế là chợ Đông Ba với trên 2.000 lô quầy buôn bán từ hơn 130 năm nay. Theo bà Nguyễn Khoa Hoài Hương, Trưởng ban quản lý chợ, giá lô trung bình là 70.000đ/m2/tháng, thấp nhất là 30.000đ/m2/tháng, cao nhất là 120.000đ/m2/tháng. Diện tích lô bình quân 2,25m2, lô từ 0,75m2-20m2. Như vậy lô cao nhất cũng chỉ xấp xỉ trên dưới 2 triệu đồng.
 
Hay như ngay tại đường Hùng Vương - đường chính trung tâm thành phố Huế - giá thuê mặt bằng rộng 10-20m2 cũng chỉ dao động từ 10-30 triệu đồng. Tính theo mức giá này thì giá lô ở chợ Nọ tồi tàn còn cao hơn giá thuê ở “khu đất vàng” Hùng Vương.
 
 
Đường Hùng Vương sầm uất nhưng giá thuê mặt bằng còn... thua chợ Nọ!
 
Đường Hùng Vương sầm uất nhưng giá thuê mặt bằng còn... thua chợ Nọ!
 
Trao đổi với PV Dân trívề thực tế này, ông Dương Ngọc Dũng, Chủ tịch UBND xã Phú Dương, khẳng định có việc đấu giá trúng lô với giá cao nhất gấp 30 lần giá gốc như người dân phản ánh.

Ông cho hay, việc đấu lô diễn ra theo hình thức đấu phiếu kín và đấu 1 lần, đấu từng mặt hàng một, ai được trúng rồi thì không cho đấu tiếp. Xã đã làm đúng các quy trình về đấu giá. Riêng việc có người ngoài vào đấu để phá giá, theo ông Dũng là không quản lý nổi, vì theo quy định đấu giá việc này được cho phép, người đấu có thể nâng giá lên bao nhiêu là tùy thích.

 
“Hiện chợ có tổng cộng 110 lô, nhiều hơn lúc trước 24 lô, do trước khi đấu xã đã phân chia một số lô to thành lô nhỏ để có nhiều lô hàng hơn, phù hợp nhu cầu buôn bán của nhân dân. Qua phiên đấu vừa qua, tổng cộng có 97 người đấu trúng, còn lại 13 lô trống.

Theo quy định của xã đến ngày 20/8 vừa qua phải nộp tiền quỵ 3 tháng để giữ lô, hiện đã có 58 người nộp. Trước mức giá lô quá cao, nhiều người dân đã đề nghị xã xem xét giảm giá. Tuy nhiên, việc này vượt quá thẩm quyền của xã nên chúng tôi đang đề nghị Phòng Tài chính và Phòng Công thương huyện Phú Vang cho ý kiến thêm”
- ông Dũng cho biết.

 
Hiện có một số lô của người lạ đấu trúng tại chợ vẫn chưa đến mở hàng buôn bán hay lên ủy ban xã nộp tiền quỵ. Tiểu thương lo sợ rằng những người này có thể cao chạy xa bay sau khi đã “chọc phá” thành công.
 
Tiểu thương đứng ngồi không yên khi mỗi ngày phải bỏ ra 200-500 ngàn đồng tiền thuê ki ốt.

Tiểu thương đứng ngồi không yên khi mỗi ngày phải bỏ ra
200-500 ngàn đồng tiền thuê ki ốt.
 
Hiện nay mong muốn của các tiểu thương là xã, huyện cho đấu giá lại để có mức thuê lô phù hợp hơn. Bởi cứ với mức thuê này, bà con tiểu thương không có cách gì kiếm lời, ngoài cách tăng giá mặt hàng lên thật cao, lúc này chính người mua lại là người chịu thiệt. 
 
“Hiện các chợ tại tỉnh Thừa Thiên Huế đã qua thời kỳ hoàng kim. Việc mưu sinh của chị em buôn bán ở chợ trong giai đoạn kinh tế lạm phát, giá cả leo thang này gặp nhiều khó khăn. Khi xây dựng chợ mới hay đấu lô, chúng tôi đều phải lắng nghe ý kiến nhiều tiểu thương trong nhiều lần chứ không thể vội vàng một sớm một chiều.

Bên cạnh đó việc làm mới chợ cần có lộ trình cụ thể và làm từng giai đoạn” - bà Nguyễn Khoa Hoài Hương, Trưởng Ban quản lý chợ Đông Ba, thành phố Huế
 
Theo Vnexpress
 

Các tin cũ hơn