Rước bệnh với "cỏ siêu ngọt"

Thứ tư, 29/08/2012, 16:10
Để cỏ siêu ngọt có thể sinh trưởng tốt, nhiều người dân TP.HCM đã dùng cả hóa chất độc hại, trộn vào đất để trồng cỏ.
Đổ xô săn lùng cây giống cỏ siêu ngọt
 
10.jpg - 128.77 KB

Người dân tận dụng mọi không gian để trồng cỏ ngọt
 
Được biết, cỏ ngọt có tên quốc tế là Stevia rebaudiana, Việt Nam gọi bằng nhiều tên khác nhau như: Cỏ ngọt, cúc ngọt, cỏ mật, cỏ siêu ngọt…

Đây là một loại cỏ sống lâu năm, mỗi gốc có nhiều cành, nếu để mọc tự nhiên cây có thể cao đến 100cm. Cành non và lá đều phủ lông trắng mịn, lá mọc đối, hình lưỡi mác, dài 30-60mm, rộng 15-30mm, có 3 gân chính xuất phát từ cuống lá.

Mép lá có răng cưa ở nửa phần trên. Hoa nhỏ, tràng hình ống, màu trắng ngà, có 5 cánh nhỏ. Hoa dài 10-12mm, có hai vòi nhụy dài thò ra ngoài. Hoa có mùi thơm nhẹ, hình dáng giống hoa cỏ Lào, nhưng nhỏ hơn.

 
Theo ghi nhận của PV Người đưa tin thì nhiều hộ gia đình ở quận 1, 2, 5, 10, Bình Thạnh… mặc dù không có đất để trồng trọt nhưng cũng tìm mọi cách để trồng cỏ siêu ngọt.
 
Chị Phạm Thị Minh, ngụ quận Bình Thạnh cho biết: Nghe thông tin cỏ siêu ngọt có khả năng chữa được bách bệnh, cách sử dụng lại đơn giản nên tôi đã lùng sục khắp các cửa hàng bán cây giống mà không thấy.

Tôi liền gửi tiền, nhờ bạn bè ngoài Bắc mua giùm, gửi qua xe khách đem vào. Sau một thời gian trồng, sử dụng, tôi phải công nhận lá cây rất ngọt nhưng bệnh đau lưng của tôi thì không hề thuyên giảm chút nào.
 
Theo các chủ cửa hàng bán cây giống tại TP.HCM, thì những ngày qua người dân tìm mua giống cỏ siêu ngọt ngày càng nhiều, nhưng rất ít cửa hàng có để bán. Để mua được giống cây này, người dân phải nhờ người tìm ở tận ngoài Hà Nội và các tỉnh phía Bắc rất mất thời gian và tốn kém.
 
Thậm chí, có người còn bỏ ra nhiều triệu đồng, thuê người đi ra các vùng khác để mua cây giống với số lượng lớn. Có lẽ vì vậy mà giá cây giống bị đẩy lên cao hơn rất nhiều so với giá trị thực.
 
Trong khi giá trị thực của cây cỏ siêu ngọt vẫn đang trong quá trình nghiên cứu thì rất nhiều người ngộ nhận đây là một cây thuốc quý có thể trị bách bệnh.

Nhiều hộ gia đình ở TP.HCM khi nghe tin đồn về công dụng "siêu đẳng" của loại cây này cũng sắm chậu hoa, thùng xốp mua đất, phân bón về để trồng khắp nhà.

 
Chị Ngọc Oanh, ngụ tại quận Bình Tân, TP.HCM cho biết, chị nghe một người bạn cùng cơ quan nói rằng loại cỏ siêu ngọt có thể chữa được chứng bệnh viêm xoang lâu năm của chồng mình.
 
Thấy thế, chị đã ra các hiệu thuốc bắc tìm mua bằng được. Nhưng chưa đủ tin tưởng, chị còn tự tay trồng để sử dụng cho nhiều mục đích khác. Chị nhờ người quen mua giống từ Hà Nội chuyển lên trồng ở trên sân thượng.
 
Dùng hóa chất nuôi giá đỗ để trồng cỏ
 
Gia đình chị Kim Hồng, ngụ tại quận Tân Bình, sau khi nghe bạn bè tư vấn về cách chăm sóc cỏ ngọt, đã tìm đến Chợ Lớn mua mấy lọ hóa chất thường được những hộ nuôi trồng giá đỗ lén lút sử dụng. Chị trộn loại hóa chất này cùng với đất và phân bón rồi cho vào chậu xốp, trồng cỏ siêu ngọt vào.
 
Sau ba tháng, chị phơi khô lá cỏ rồi dùng nó thay thế đường ăn hàng ngày. Sử dụng một vài lần, mọi người trong gia đình chị đều có chung một triệu chứng là chóng mặt, hoa mắt.

Vì lo sợ cho sức khỏe của gia đình nên ngay lập tức chị đã ngừng sử dụng lá cỏ này. Mấy chậu xốp vốn được chị coi như bảo bối cũng được chị vứt chỏng chơ.

 
Cô Đinh Thị Hường, ngụ tại phường 11, quận Gò Vấp cho biết, một lần cô được một người bạn đi du lịch ở Hà Nội về cho vài cây giống cỏ siêu ngọt. Nghe lời bạn giới thiệu đây là cỏ siêu ngọt có hàm lượng đường vô cùng lớn, nên nhân giống ra, trồng nhiều để sử dụng hằng ngày thay vì phải mất tiền mua đường ở chợ.
 
Cô Hường cũng từng nghe thông tin về cây cỏ siêu ngọt này nên đem trồng trong những chậu kiểng ở trên sân thượng và hàng ngày chăm sóc rất kĩ.
 
Theo cô Hương, trồng được một thời gian, cỏ bỗng chậm phát triển và bị sâu bệnh rất nhiều. Nghe bạn tư vấn đây là giống cây khó trồng, không phải đất nào cũng sống được.
 
Với lý luận như vậy người bạn này tư vấn cho cô Hường mua một chiếc chậu khác về, chuyển toàn bộ những cây cỏ siêu ngọt sang để có điều kiện phát triển tốt hơn. Ngoài ra, người bạn còn đưa cho cô một loại bột màu trắng, có mùi hăng hăng mà cô này gọi là phân bón dặn đem trộn chung với đất rồi trồng bình thường.
 
Đúng như lời bạn, hơn một tháng qua, chậu cây cỏ siêu ngọt của cô Hường đã phát triển tốt hơn. Cô cũng ngắt đi một vài nhánh đem phơi khô để sử dụng thử. Lần đầu tiên sử dụng, cô phải công nhận, loại cỏ này có vị rất ngọt. Nhưng khi pha với nước uống thì có vị đắng.
 
Mùi vị này không tự nhiên mà khiến người uống có cảm giác hơi khó chịu. Cô Hường cẩn thận tìm hiểu thêm thông tin loại cỏ này trên internet thì không thấy có trường hợp nào tương tự như mình. Lo sợ dùng cỏ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của mình và người thân, cô cũng không dám sử dụng nữa.
 
Theo ghi nhận của chúng tôi, nhiều người dân đang rỉ tai nhau tìm đến những khu chợ lớn tìm mua loại thuốc mà người dân dùng hòa với nước trồng giá đỗ để trộn vào đất trước khi trồng cỏ.
 
Trong khi đây là một loại hóa chất vô cùng độc hại được cấm sử dụng khi dùng sản xuất thực phẩm. Nếu sử dụng lâu dài, những chất này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ tiêu hóa như gan, thận, thần kinh...
 
Giáo sư Trần Đình Long, Chủ tịch Hiệp hội Giống cây trồng Việt Nam khẳng định, mặc dù giống cây quý này có nhiều tác dụng tốt nhưng không phải có tác dụng chữa bách bệnh như dư luận đồn thổi.
 
Cỏ siêu ngọt đơn thuần chỉ là chất tạo vị ngọt quý, vì nó không sản sinh năng lượng khi vào cơ thể. Những loại đường sản xuất từ mía, khi đi vào cơ thể sẽ sản sinh năng lượng rất lớn. Do đó, những người mắc bệnh tiểu đường, béo phì hay cao huyết áp rất thích hợp sử dụng đường từ cỏ siêu ngọt.
 
Tuy nhiên, nếu người trồng nuôi dưỡng bằng các loại hóa chất độc hại thì sẽ vô cùng nguy hiểm cho sức khỏe. Do vậy, người dân cần phải hết sức chú ý trong cách trồng và chăm sóc để đem lại hiệu quả kinh tế.
 
Ông Huỳnh Kim Bắc, Trung tâm giống cây trồng các tỉnh phía Nam, đưa ra cảnh báo, đường từ cỏ siêu ngọt có độ ngọt cao gấp 300 lần đường saccaroza có nhiều trong mía, củ cải đường. Ưu điểm của loại đường từ cỏ siêu ngọt là ít năng lượng, không bị lên men, không bị phân hủy, hương vị thơm ngon có thể dùng để thay thế đường mía.
 
Tuy nhiên, nếu nuôi dưỡng cây bằng hóa chất vô tình sẽ làm cho cây mất hết các công dụng vốn có. Hóa chất còn khiến cây sản sinh ra nhiều chất độc, người dân sử dụng rất dễ bị các bệnh về đường hô hấp, thậm chí mắc bệnh ung thư.         
             
Bà Nguyễn Thị Bích Loan, chuyên gia nông nghiệp Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, cho biết cỏ siêu ngọt có tên tiếng Anh là Stevia, được nhập về Việt Nam từ năm 1988, chủ yếu được dùng trong dược phẩm. Nhưng vì đầu ra rất khó khăn nên ít được trồng rộng rãi.

Những năm trở lại đây do nhu cầu sử dụng đường ngày càng tăng, người ta mới chú ý đến loại cỏ siêu ngọt này, vì giá trị kinh tế nó mang lại vô cùng lớn. 
 

Theo Nguoiduatin

Các tin cũ hơn