Mấy chục năm qua, bên cạnh sự phát triển nhanh về kinh tế thì người dân xã Hải Chánh (huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị) vẫn ngày ngày phải dùng nguồn nước nhiễm phèn, nước sông để sinh hoạt...
Nằm trên tuyến QL 1A, có độ cao hơn 50m so với mực nước biển, lại kinh doanh nhà hàng ăn uống, nên mỗi ngày gia đình ông Nguyễn Thái Sơn ở thôn Mỹ Chánh, xã Hải Chánh (Hải Lăng, Quảng Trị) phải tiêu thụ hàng khối nước sạch. Tuy nhiên, mấy chục năm nay, cũng như hàng trăm hộ dân trong thôn, cứ đến mùa nắng nóng thì gia đình ông Sơn lại thiếu nước sạch để sinh hoạt.
Trước tình trạng thiếu nước thường xuyên, cách đây không lâu, gia đình ông Sơn đã đầu tư trên 15 triệu đồng để nhờ thợ khoan 3 giếng nước có độ sâu gần 50m để mong có nguồn nước dùng.
Người dân phải đào giếng bơm rất sâu nhưng vào mùa khô vẫn không đủ nước dùng
Nhưng hiện nay những chiếc giếng này vẫn tỏ ra... vô dụng khi không hề có nước như mong mỏi của gia đình ông. Do thiếu nước, hàng ngày gia đình ông Sơn đã phải bỏ ra số tiền không nhỏ để vào tận huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế mua nước sạch để dùng.
“Thiếu gì cũng được chứ thiếu nước sạch sinh hoạt thì cực khổ lắm. Buôn bán mà thiếu nước sạch thì khách họ không dám đến ăn. Tình trạng thiếu nước sạch diễn ra từ cả mấy chục năm rồi nhưng vẫn không có chuyển biến gì... Chúng tôi phản ánh nhiều lắm rồi nhưng cũng bất lực!”, ông Sơn ngán ngẩm nói.
Không chỉ gia đình ông Sơn, ở xã Hải Chánh hiện có trên 80% số hộ đang thiếu nước sạch sinh hoạt trầm trọng. Trong đó nhiều hộ đã đầu tư vốn để khoan và đào giếng nhưng vẫn không có hiệu quả. Do “khát” nước sạch nên hàng ngày bà con phải đi mua nước ở các xã lân cận hoặc phải vào tận huyện Phong Điền (Thừa Thiên Huế) với giá 150 ngàn đồng/khối.
Nhưng việc mua nước sinh hoạt vẫn chưa thể khẳng định đây là nguồn nước bảo đảm chất lượng vệ sinh “vì thiếu nước nên phải liều thôi. Đến đâu hay đến đó chứ giờ chẳng biết làm thế nào...”, chị Phan Thị Hiền ở thôn Mỹ Chánh chua chát nói.
Chỉ vào can nước sạch vừa mới mua, chị Hiền nói thêm: “Mỗi ngày gia đình tui mua từ 2-3 khối nước với giá 1 khối 150 ngàn đồng, nhưng cũng không biết nước có đảm bảo vệ sinh không, vì tui không đi mua mà gọi điện họ chở đến.
Có bữa họ chở nước gì mà nổi cả mỡ và váng phèn, tui nghi họ lấy từ sông nên nhất quyết không lấy. Gia đình tôi kinh doanh ăn uống, mỗi ngày phải mua 300 ngàn tiền nước, tính sơ qua mỗi tháng mất 9 triệu tiền nước nên buôn bán cũng chẳng có lời lãi gì”.
Nguồn nước người dân xã Hải Chánh đang dùng không đảm bảo vệ sinh
Ngoài số hộ gia đình mua nước, còn lại đa phần người dân ở xã Hải Chánh phải dùng nước sông qua lọc thô sơ để dùng hàng ngày, hoặc phải chấp nhận dùng nước nhiễm phèn… Vì thế, số người mắc bệnh tiêu hóa, đường ruột, bệnh ngoài da, bệnh phụ khoa cũng rất lớn…
Một nghịch lý ở đây là khi giá nước sạch (nước máy) ở thành thị chỉ bán với giá từ 7 ngàn đến 14 ngàn đồng/khối, thì ở xã Hải Chánh người dân phải mua đến 150 ngàn đồng/khối, nghĩa là cao gấp 15 lần khi mua nước máy?
Dù đời sống của người dân nơi đây có phần khấm khá nhưng với ngần ấy tiền bỏ ra để chỉ mua nước dùng hàng ngày thì quả thật khó mà chịu đựng nổi!
Mỏi mòn đợi... nước sạch!
Việc thiếu nước sạch sinh hoạt vào mùa khô của xã Hải Chánh đã diễn ra đã mấy chục năm nay nhưng các ngành chức năng liên quan vẫn chưa có giải pháp cụ thể để giúp người dân.
Được biết, qua nhiều cuộc tiếp xúc cử tri của huyện, tỉnh và Quốc hội, người dân Hải Chánh đều đề cập đến vấn đề thiếu nước sạch, các đại biểu cũng đã ghi nhận và hứa sẽ trình lên cấp trên giải quyết, rồi nhiều dự án cũng đã đến khảo sát đầu tư…nhưng đến nay vẫn biệt tăm!
Anh Bùi Văn Sinh ở thôn Câu Nhi cho biết, việc thiếu nước sạch ở đây quá trầm trọng, nhưng do lâu năm quá nên bà con xem đó thành thói quen.
“Dân bọn tôi chỉ biết chấp nhận sống chung với tình trạng này thôi. Mong ước có nước sạch dùng thì ai cũng mong ước nhưng có thành hiện thực hay không thì cũng chưa biết thế nào. Trước mắt cứ yên tâm bỏ tiền mua nước mà dùng còn nếu không mua được thì múc nước sông mà uống chứ biết làm sao. Chúng tôi chờ đợi quá lâu rồi mà có được gì đâu...!”, anh Sinh nói trong chua chát.
Do thiếu nước nên bà con phải mua nước sạch dùng
Ông Hồ Đình Thái, Chủ tịch UBND xã Hải Chánh cho biết, nhiều năm qua xã đã có tờ trình trình lên cấp trên để xin kinh phí xây dựng hệ thống nước sạch. Năm 2009, dự án JiBic khảo sát, đến năm 2010 có dự án của Ý vào khảo sát để hỗ trợ xây dựng hệ thống nước sạch cho Hải Chánh và đã có quyết định đầu tư của UBND tỉnh Quảng trị, tuy nhiên đến nay mọi thứ vẫn không thấy đâu! Dân vẫn phải dài cổ chờ đợi trong mỏi mòn...