Xấu hổ là vì ngay chính bản thân những thầy cô giáo toàn những thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, GS... nhưng có không ít người đã không ngần ngại nhận phong bì từ sinh viên, học viên của mình để rồi châm chước và cho qua những luận văn, luận án không xứng đáng mà mình hướng dẫn hay phản biện.
Khoảng mươi năm trở lại đây trong ngôn ngữ tiếng Việt bỗng xuất hiện một từ mới: "chạy trường".
Hiểu một cách nôm na "chạy trường" là cách mà các quý vị phu huynh của các em học sinh, sinh viên từ bậc học mẫu giáo cho đến đại học phải bỏ tiền ra để nhờ vả, chạy chọt cho con em họ có cơ hội vào học ở những ngôi trường phần nhiều được đánh giá là có "chất lượng tốt".
Những trường này thường được "bảo chứng" bằng những mỹ từ như: Trường đạt chuẩn quốc gia, trường chuyên, trường điểm, hay trường quốc tế... Hoặc có khi "chạy trường" với mong ước con em mình được học ở những ngôi trường gần nhà để nhằm tiện lợi cho việc chăm sóc và đưa đón con em lúc đến trường.
Có ai ngờ những đứa trẻ chỉ mới bắt đầu vào mẫu giáo mà cha mẹ của chúng phải tất tả ngược xuôi để tìm một chỗ xứng đáng. Để được người ta "ươm mầm" sự... giả dối trong sự đổi chác và thực dụng.
Có thể nói không ngoa rằng chính những việc làm này dù muốn dù không, cũng đã vô tình gieo vào tiềm thức của những đứa trẻ những hạt mầm tiêu cực trong quan hệ ứng xử. Để rồi theo năm tháng, những hạt mầm ấy lại có điều kiện nảy nở và phát triển thêm. Khi đứa trẻ đã đủ lớn khôn để nhận thức được cái môi trường giả dối xung quanh đang vây lấy mình.
Hậu quả là những lời rao giảng về những bài học đạo đức, những bài học làm người của các thầy, cô giáo trong nhà trường, những lời khuyên răng dạy bảo của cha mẹ trong mắt các em, hóa ra toàn những lời sáo rỗng, thậm chí không nên tin vì không đáng tin.
Tuy các em có thể không nói ra, vì không có cơ hội nói ra, hoặc không dám nói ra, nhưng trong thâm tâm các em lúc ấy là một dấu chấm hỏi to tướng bởi sự hoài nghi về những điều tốt đẹp mà hệ thống giáo dục đang ra sức hô hào bằng những khẩu hiệu giăng đầy từ ngoài cổng trường đến trong cửa lớp.
Đến "chạy bằng cấp và kiến thức"...
Vấn đề "chạy bằng cấp và chạy kiến thức" chủ yếu xảy ra từ cấp trung học phổ thông trở lên. Ở cấp học này chuyện "chạy bằng cấp và kiến thức" nhìn chung là do hậu quả của việc tổ chức thi cử "tưởng là nghiêm túc nhưng kì thực là rất lỏng lẻo" mà ra.
Cuộc khảo sát của 1 nhóm nghiên cứu về việc gian lận trong thi cử đối với 500 học sinh mới đây là 1 minh chứng rõ ràng nhất cho vấn đề này. Có tới 400 em học sinh thừa nhận mình có gian dối trong thì cử với nhiều hình thức khác nhau.
Và sở dĩ có chuyện không nghiêm túc này của các em là do trong phòng thi, phần lớn các thầy cô giáo trong quá trình coi thi đã cố tình lơ là bỏ qua vì "thương các em". Ở góc độ nào đó đây cũng chính là việc "chạy bằng cấp và kiến thức" của các em học sinh.
Tuy không phải dùng tiền để trực tiếp "chạy" nhưng rõ ràng khi các em gian dối trong khi thi và đạt thành tích cao thì cũng có nghĩa là các em đã góp phần "giữ vững thành tích" và "thương hiệu" cho nhà trường, cho thầy cô trong mắt xã hội.
Đây có thể xem là một kiểu "chạy bằng cấp và kiến thức" rất tinh vi ở cấp trung học phổ thông mà nhiều người ít để ý.
Đối với những cấp bậc cao hơn như đại học, hay sau đại học thì việc chạy bằng cấp và kiến thức rõ ràng nhất là ở khâu thực hiện đề tài luận văn (cử nhân), luận án (thạc sĩ, tiến sĩ) tốt nghiệp.
Đây còn là 1 đại nạn, 1 thực trạng đáng xấu hổ nhất trong hệ thống giáo dục đại học và sau đại học ở nước ta hiện nay.
Xấu hổ là vì ngay chính bản thân những thầy cô giáo toàn những thạc sĩ, tiến sĩ, phó giáo sư, GS... nhưng có không ít người đã không ngần ngại nhận phong bì từ sinh viên, học viên của mình để rồi châm chước và cho qua những luận văn, luận án không xứng đáng mà mình hướng dẫn hay phản biện.
Đau đớn hơn có người còn ra giá với học trò của mình và nếu như học trò nào đó không biết "vâng lời" thì có khi phải nhận lấy những hậu quả xấu. Những việc làm này rõ ràng chỉ có thể nói đó là sự "mất nhân tính" của những con người vốn đang gánh trên vai trọng trách "trồng người" cho xã hội.
"Mất nhân tính" là vì chính họ đã chà đạp, đã hủy hoại cái nền tảng căn bản, cốt yếu nhất của nền giáo dục. Đó là đào tạo ra những con người có nhân cách, góp phần làm nên chất lượng 1 dân tộc trong tương lai.
Và "chạy việc"
Một sinh viên để có thể cầm trên tay mảnh bằng đại học (ít nhất là 4 năm) phải đánh đổi không biết bao nhiêu công sức và tiền bạc của gia đình. Đến khi ra trường các em phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của xã hội trong hành trình xin việc để tự lập, mưu sinh.
Thế nhưng vẫn có những người thầy không ngần ngại "ra giá" với các em về một chỗ làm nào đó nhờ sự quen biết của họ. Thử hỏi học trò mới ra trường thì làm gì có tiền (từ vài chục đến vài trăm triệu) để đưa cho thầy cô mong có được chỗ làm?
Lâu nay người đời vốn thường cho rằng những kẻ mất hết nhân tính, những kẻ không còn tính người chủ yếu là những thành phần "đầu trộm đuôi cướp", những kẻ giết người man rợ trong xã hội...
Tuy nhiên, khái niệm "mất nhân tính" giờ đây cần phải được mở rộng hơn về "đối tượng" mà trong đó có những kẻ tha hóa biến chất trong ngành giáo dục hiện nay.