Thư người mẹ già gửi con trai ngày Vu Lan

Thứ năm, 30/08/2012, 09:34
"Mẹ già như chuối chín cây", nhiều lúc cô đơn, tủi thân mẹ đã mong sớm được về nơi chín suối như ba con 15 năm về trước. Lúc mẹ nhắm mắt xuôi tay sẽ chẳng phải lo gì cả, không còn cô độc nữa phải không con?
Tháng 7 âm, một mùa Vu Lan nữa lại về, bất giác người ta nhớ tới câu thơ "Ai còn mẹ xin đừng làm mẹ khóc. Đừng để buồn lên mắt mẹ, nghe không?"...
 
Thư gửi con trai!
 
“Giời ạ, sao bà nói nhiều vậy. Có ngày nào bà không lải nhải như thế không? Bà từng này tuổi chẳng làm ăn được gì thì cứ ngồi yên mà hưởng thụ đi, đừng có ý kiến ý cò làm gì! Tôi không để bà phải bữa đói bữa no là được. Bà lo gì”...
 
Đó là những điệp khúc mà bất cứ khi nào con cũng sẵn sàng quát lại mẹ mỗi lúc thấy con mải mê chơi bời, mẹ xót ruột nên lắm lời khuyên con tu chí làm ăn, bỏ bê đàm đúm với đám bạn bè xấu. Thậm chí, có lúc để cho con thay đổi, mẹ đã nói ngọt nói nhạt, cầu xin con có thể vì mẹ mà từ bỏ tất cả. Lúc ấy, con thường sững sờ nhìn mẹ một giây rồi bỏ đi.
 
Năm nay con đã 30 tuổi rồi, thế mà mỗi lúc bị mẹ mắng và xỉ vả, con vẫn tự ái như khi con mới lớn. Nhưng dù con có quát mẹ là "bà già lắm điều" thì mẹ vẫn không ngừng lo lắng cho con, cho vợ chồng con và các con của con. Nhiều lúc mẹ mệt mỏi, thất vọng, mất niềm tin và muốn thờ ơ với mọi chuyện, nhưng sao mẹ vẫn "nước mắt chảy xuôi".
 
 
Bố con mất khi con đang tuổi ăn tuổi lớn. 15 tuổi, khi ấy con chưa đủ lớn nhưng cũng không phải quá nhỏ để biết được những nỗi đau và thiệt thòi khi chỉ còn 2 mẹ con mình. Nhưng những ngày tưởng như đau khổ tột cùng ấy, vất vả tột cùng ấy, giờ mẹ lại thấy là những ngày hạnh phúc nhất.
 
Mẹ đã từng tự hào vì con biết bao. Năm nào con cũng là học sinh giỏi của trường. Rồi ngày con vào đại học, con lúc nào cũng phấn đấu đạt học bổng chỉ để làm mẹ vui lòng. Hai mẹ con đã như 2 người bạn thân, chia sẻ với nhau nhiều điều trong cuộc sống.
 
Cuộc sống khi ấy, dù cực nhọc thế nào, mẹ cũng cố gắng nuôi con ăn học bằng người, dồn hết tình thương yêu cho con. Ngày con đưa mẹ tháng lương đầu tiên sau khi ra trường, mẹ đã tự hào nghĩ "trẻ cậy cha, già cậy con".

Vậy mà chỉ sau 3 năm con đi làm, con a dua bạn bè, thiếu bản lĩnh nên thay đổi là một người hoàn toàn khác. Đến nỗi, nhiều đêm nằm mẹ không còn nhận ra được con chính là người mẹ nuôi nấng bao năm nay.
 
Hiện, con đã 30 tuổi rồi, con cũng đã có vợ và 2 con nhỏ nhưng thực tế, con vẫn là  một ông bố lông bông. Gần chục năm nay, chưa một công việc nào con đủ nhẫn nại làm trong khoảng 4 - 5 tháng. Công việc nào con cũng kêu chán, ít tiền và vất vả. Thế rồi, con giãy ra hoặc tự ý bỏ việc. Con chả cần biết mẹ phải đi nói khó người khác hay mẹ phải mất 1 khoản tiền không nhỏ để lo việc cho con.
 
Hễ lần nào bị bà già này càu nhàu, mắng nhiếc là con đều quát lại: “Bà không muốn tôi là con bà nữa chứ gì. Để tôi đi ra khỏi nhà vậy!”. Cứ thế được thể, con lại đi biệt tăm một tuần, thậm chí 2 tuần mới trở về nhà.
 
Trở về nhà, con vẫn lầm lì và ít nói. Nhưng chỉ là với mẹ thôi. Còn với bạn ngoài xã hội, lúc nào con cũng hiệp nghĩa, nhiệt tình. Chỉ cần một cuộc điện thoại gọi mời ăn nhậu, chơi đỏ đen... thì dù đang ốm li bì trên giường con cũng bằng mọi giá lết đi.
 
Mẹ đau lòng khi mỗi lần chơi bời thiếu tiền, con lại về nhà lén lúc mẹ đang ngủ hoặc sang hàng xóm chơi để lùng sục tìm cuốn sổ đỏ của gia đình đem cắm. Hay có lúc, con còn dám lấy trộm vàng dưỡng già mẹ để dành để nướng vào cờ bạc, lô đề... 
 
Cả đời bố mẹ tích cóp mới chắt chiu mua được 2 mảnh đất. Ấy là mảnh nhà mình đang ở bây giờ và một mảnh ở phố khác. Con thừa biết, mẹ đã cố xây 3 phòng ở mảnh đất ấy để cho thuê mong có thêm tiền cho gia đình sinh hoạt hàng ngày. Một chút còn dư ra, mẹ để phòng lúc con cháu trong nhà ốm đau, cơ nhỡ. Vậy mà để cứu con khỏi tay bọn đòi nợ thuê, mẹ đã phải bán nó đi.
 
Đó là một tối mẹ đang ở nhà, một đám đầu gấu đi xe đến nhà xiết nợ. Tai mẹ ù đi, không còn tin nổi là con nữa. Mẹ đã bảo họ rằng: “Có lẽ các chú đã lầm thằng T với ai”. Họ đã xòe ra cho mẹ xem tờ giấy vay nợ và chữ ký của con rõ mồn một. 
 
Mẹ cuống lên gọi cho con. Con lí nhí thú nhận đã sai lầm. Con khóc và cầu xin mẹ cứu con thống thiết: “Mẹ cứu con với, nếu không bọn nó giết con mất”.
 
Tai mẹ ù đi. Mẹ ngã quỵ và rơi chiếc điện thoại trong tay từ bao giờ. Suốt 2 tháng liền con trốn chui trốn lủi, chẳng dám về nhà. Xót con, mẹ quyết định bán mảnh đất bao năm tích cóp để cho con một con đường sống. Mẹ đã nghĩ đây là lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng. Nào ngờ, con vẫn trượt dài mãi.
 
Mẹ chỉ vừa trả nợ cho con được gần 1 tháng thì lại tiếp tục có giấy báo nợ được gửi về nhà. Và sau đó, cứ thi thoảng mẹ lại nhận được một giấy báo nợ gửi về. Còn con lại bắt đầu trốn hay trôi dạt phương nào mẹ chẳng hay. Giờ mẹ biết, mẹ biết chẳng trông chờ được vào con được nữa, con đã hư hỏng thật rồi. 
 
Con có biết, thằng D - con trai lớn của con năm nay sẽ vào lớp 1 không? 3 năm nay D đi học mẫu giáo và đến giờ sắp khai giảng, vậy mà nó vẫn chưa bao giờ được con đưa đón đi học dù chỉ 1 lần. D viết chữ có đẹp không, tiếp thu nhanh hay chậm, D thích ăn gì nhất... con là bố mà chẳng hay biết.
 
Còn với thằng M - đứa con trai thứ 2 năm nay 3 tuổi của con. Nó lười ăn như thế, nhưng chưa bao giờ con quan tâm nó ăn có hết nửa bát cơm không. Nó bị đường ruột từ nhỏ, rất hay bị táo bón, mẹ dám chắc con cũng không biết nốt. 
 
Vợ của con, vì quá buồn chán chồng nên nhiều lúc cũng bỏ mặc hai đứa con tội nghiệp. Có lúc nó còn nói hỗn với mẹ vì chẳng được nhờ vả gì nhà chồng. Mẹ chẳng trách nó nhiều vì mẹ hiểu nỗi khổ của nó đang mang. Nhiều đêm nghĩ về nó còn thấy day dứt. Mẹ day dứt vì đã để nó lấy con. Nếu chồng nó là một người đàn ông khác không phải là đứa con chơi bời lêu lổng của mẹ thì chắc cuộc đời nó sẽ đỡ khổ và tủi thân hơn. 
 
Nó lấy chồng đã chẳng được nhờ chồng. Thậm chí chồng còn là cái nợ của nó. Những lúc nó cáu giận, bỏ bê con cái mẹ rất giận. Nhưng mỗi đêm 11 giờ mới thấy nó đi làm về và lạch cạch dắt xe về phòng, mẹ lại thương nó.
 
Con biết đấy, bố mẹ chỉ có mình con là con trai. Coi như sau này, chỉ con là người hương khói duy nhất cho bố mẹ. Nhưng đến giờ mái tóc đã 3/4 sợi bạc rồi, hàng ngày, mẹ cứ ở nhà một mình thui thủi như một cái bóng. Mẹ cô độc và lẻ loi trong chính ngôi nhà mình. 
 
Vợ con vì lo cho gia đình nên tất bật làm lụng. 2 cháu thì đi lớp bán trú suốt cả ngày. Khi được đón về nhà, chúng nó chui ngay vào phòng riêng, mải miết chơi điện tử. Còn con, sau những buổi đi làm bữa đực bữa cái, tuần có 7 đêm thì gần như 7 đêm ra khỏi nhà chơi bời. Thậm chí con chẳng cần biết mẹ và vợ con ở nhà no đói thế nào nữa...
 
Giờ mẹ đã già, mẹ không thể ngày nào cũng cầm vọt đánh con thật đau như ngày con bé. Mẹ biết, cái máu ham mê cờ bạc đã thấm vào máu con, biến con thành một người máu lạnh cả với người thân trong gia đình. 
 

Mẹ cô độc và lẻ loi trong chính ngôi nhà mình. (Ảnh minh họa)
 
Lúc thua, con sẵn sàng lao vào đánh đập vợ không thương tiếc. Con sẵn sàng “vằng” lại mẹ bằng lời lẽ của đứa con mất dạy nhất...
 
60 tuổi, mẹ đã già nua, sống mà không còn hữu ích cho xã hội. Giờ mẹ chỉ là gánh nặng cho gia đình. Mẹ cũng chẳng có cái suy nghĩ chắc như đinh đóng cột "Trẻ cậy cha, già cậy con" trước đây nữa. 
 
Ngần này tuổi mà chẳng đêm nào mẹ được ngủ yên giấc. Mẹ sợ có mệnh hệ gì phải ra đi, con cứ sống đổ đốn thế này mãi? Rồi các con của con sẽ nương tựa vào ai? Sống mà cứ lo lắng và cô đơn thế này, liệu mẹ có nên vào viện dưỡng lão sống nốt những ngày còn lại không, để cho con thay đổi suy nghĩ mà nên người không?
 
"Mẹ già như chuối chín cây", nhiều lúc cô đơn, tủi thân mẹ đã mong sớm được về nơi chín suối như ba con 15 năm về trước. Lúc mẹ nhắm mắt xuôi tay sẽ chẳng phải lo gì cả, không còn cô độc nữa phải không con?
 

Theo TTVN

Các tin cũ hơn