Khi người trẻ “ra riêng”

Thứ sáu, 31/08/2012, 14:42
“Nấu nướng lên tay, quan trọng hơn, tôi đã sống ổn dù không có cha mẹ ở bên” - Đặng Thanh Hằng (23 tuổi, nhân viên copywriter) chia sẻ về cuộc sống của mình từ khi “ra riêng”.

 
Từ ngày “ra riêng”, Đặng Thanh Hằng tự lo toan cho sinh hoạt của bản thân. Trong ảnh: Thanh Hằng ủi đồ chuẩn bị đi làm 
 
Trước sự ngạc nhiên của bạn bè khi quyết định thuê nhà trọ ở riêng dù là con gái cưng duy nhất trong một gia đình thành thị, Thanh Hằng bộc bạch: “Cuộc sống thoải mái và tự lập là điều tôi luôn hướng tới khi trưởng thành”. Sau gần một năm ở trọ, Hằng tự nhận lối sống của mình quy củ và tự chủ hơn hẳn.
 
Không có mẹ ở bên, nào nấu ăn, giặt giũ, dọn dẹp phòng ốc, lên lịch chi tiêu tất tần tật Hằng phải tự làm. Thời gian đầu, đôi lúc cuộc sống của Hằng bị xáo trộn do kế hoạch sinh hoạt chưa hợp lý: làm việc khuya lại ăn không đúng bữa nên hay ốm vặt, thiếu tiền do mua sắm mạnh tay. Thích ứng dần, Hằng đã tự cân bằng và bắt nhịp kịp với cuộc sống mới.
 
Ở riêng... lợi vô cùng!
 
Thu nhập 10 triệu đồng/tháng, tự trang trải mọi khoản sinh hoạt phí nhưng Thanh Hằng vẫn còn dư tiền tiết kiệm, khác hẳn khi ở với gia đình dù chỉ chi tiêu cá nhân nhưng tháng nào cô bạn cũng nhẵn túi. Lý giải về chuyện tưởng ngược đời này, Hằng bật cười cho rằng đó là chuyện... dĩ nhiên và vô cùng hợp lý với mình.
 
Theo cô bạn, khi được cha mẹ bao bọc, chẳng phải đắn đo nghĩ ngợi chuyện cơm áo, nên kiếm được bao nhiêu tiền là cứ “tiêu cho đã đời”. Nhưng khi phải tự thân vận động để đảm bảo cuộc sống riêng thì cần phải tính toán chi li, cân nhắc kỹ càng.
 
Do chi tiêu có kế hoạch nên sau nửa năm chắt bóp, Thanh Hằng dành dụm được số tiền kha khá thực hiện mong muốn ấp ủ từ lâu - một mình xách balô đi du lịch bụi nước ngoài, “chinh chiến” ròng rã suốt ba tuần tại Campuchia, Thái Lan và Lào.
 
Chưa từng để con đi xa nhưng mẹ Hằng - bà Trương Thanh Lan (47 tuổi, Q.Tân Phú, TP.HCM) - vẫn đồng ý và tin tưởng trước quyết định “ra riêng” của cô con gái. “Khi con bé bày tỏ ý định muốn sống riêng, tôi cũng khá bất ngờ và lo lắng vì thương con, xót con. Nhưng trước sự quả quyết của con, tôi tôn trọng vì Hằng là đứa sống có trách nhiệm với bản thân, có ý thức tự lập dù ở nhà ít khi phải đụng tay đụng chân làm việc gì” - bà Lan cho biết.
 
Dù ở riêng nhưng cứ cuối tuần về nhà, cô bạn lại tranh thủ quét dọn nhà cửa, xách giỏ đi chợ, tự tay nấu nướng rồi tíu tít kể chuyện khiến mẹ cô cũng bất ngờ. “Gặp lại con từng tuần, thấy con bé thêm khỏe khoắn yêu đời lại bớt vụng về, tôi cũng an lòng” - bà Lan cười xòa vui vẻ. Cuộc sống có gì mới mẻ cô bạn lại cập nhật tức thời qua điện thoại, Internet nên “lúc nào cũng có cảm giác ba mẹ ở bên, tuy xa mà lại cực gần” - Hằng khoe.
 
“Ra riêng” không dễ
 
Dù trầy trật xin xỏ, năn nỉ ỉ ôi thì Đào Phan Thế Cường (20 tuổi, sinh viên Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) vẫn chỉ nhận được cái lắc đầu của phụ huynh trước mong muốn dọn ra ở riêng của anh. Mẹ Cường, bà Lê Hoa Huệ (43 tuổi, Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội) không khỏi ngao ngán khi nhắc tới khao khát “ra riêng” của cậu ấm này.

“Nhà mặt phố, bố làm to” lại là đích tử đích tôn nên Cường được chiều chuộng từ thuở bé. Chăn màn ngủ dậy không gấp, quần áo quăng tứ tung, phòng không dọn, đi học về ăn uống xong là chúi đầu vào máy tính - chân dung cậu quý tử Thế Cường dần rõ nét qua lời mô tả của bà Huệ.

 
“Tuy to xác nhưng Cường còn tồ lắm, sinh hoạt cá nhân còn chưa biết tự lo, tiền còn ngửa tay xin bố mẹ mà đòi ra ở trọ với bạn bè nên vợ chồng tôi nhất quyết từ chối” - bà Huệ nói. Theo lời Cường, vì là con cưng nên anh bị kiểm soát chặt chẽ, ít có thời gian tụ tập bù khú với bạn bè nên thấy bức bối, muốn ra ở riêng để được tự do làm những điều mình thích như nhậu nhẹt với bạn không sợ mẹ rầy la, đi chơi về khuya không bị bố càu nhàu...
 
Cũng như Cường, chưa tự lập, tiền bạc vẫn do bố mẹ chu cấp nhưng cô sinh viên 19 tuổi Lê Hương (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) vẫn nằng nặc xách quần xách áo qua ở với nhỏ bạn thân cùng lớp tại khu trọ cách nhà chưa đầy... 1km.
 
Do bị bố mắng và muốn chứng tỏ không còn là trẻ con nên Hương quyết “dứt áo ra đi” với vài bộ quần áo cùng 500.000 đồng lót túi - tiền tiêu vặt bố mẹ cho chưa xài hết. Hương nhờ bạn tìm việc làm thêm kiếm tiền nhưng chưa đầy ba ngày sau, cô lại xách giỏ về nhà vì hết tiền và không chịu được... khổ.

Thế Cường hay Lê Hương chỉ là hai trong số rất nhiều người trẻ vì không muốn bị cha mẹ kèm cặp nên “ra riêng” dù chưa sẵn sàng tự lập, kinh tế vẫn phụ thuộc vào mẹ cha.

 
Theo ông Lê Văn Thành (trưởng ban văn hóa - xã hội Viện Nghiên cứu và phát triển TP.HCM), xu hướng ra ở riêng của người trẻ là hiện tượng tất yếu trong xã hội hiện đại. Ông bày tỏ sự ủng hộ với những người trẻ “ra riêng” khi họ thật sự muốn rèn luyện bản thân cứng cáp, chín chắn, có thể chịu trách nhiệm với cuộc sống của mình, chứ không phải để được tự do lêu lổng hay vì mâu thuẫn với gia đình.
 
Cũng ủng hộ xu hướng ra riêng của giới trẻ, thạc sĩ xã hội học Phạm Thị Thúy nhìn nhận: “Các bậc phụ huynh nên ủng hộ nếu con có ý định tự lập và giúp con bằng cách tư vấn, góp ý trước các dự định, kế hoạch sống của con khi ra ở riêng”.

Tuy nhiên, thạc sĩ Phạm Thị Thúy cũng cho rằng khi người trẻ muốn “ra riêng” phải cân nhắc kỹ càng, chuẩn bị sẵn sàng về mọi mặt và được sự đồng tình của bố mẹ, tốt nhất là khi đã tốt nghiệp đại học hay các trường nghề, có công ăn việc làm và thu nhập ổn định.
 
Chuẩn bị sẵn sàng cho người trẻ “ra riêng”
 
Tại các nước phương Tây hay các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc... việc thanh niên trên 18 tuổi sống tự lập rất phổ biến. Ở VN, tuy xu hướng này còn khá mới mẻ nhưng là điều tất yếu sẽ diễn ra.

Vậy nên sự chuẩn bị về mọi mặt để việc “ra riêng”của người trẻ phát triển đúng hướng là điều cần thiết. Các bậc phụ huynh không chỉ cần rèn giũa ý thức tự lập, các kỹ năng mềm cho con trẻ từ sớm mà còn phải sát cánh, tư vấn giúp con ổn định tâm lý để tự tin đương đầu với những phát sinh ập tới khi sống riêng.
 
Theo Zing

Các tin cũ hơn