Ông lão trong câu chuyện là ông Nguyễn Bá Dương (SN 1928, trú tại Tân Hội, Đan Phượng, Hà Nội). Sinh ra khi đất nước còn chìm trong khói lửa chiến tranh, cũng như bao thanh niên khác, đến tuổi nhập ngũ, ông Dương tham gia quân đội để góp sức vào công cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc.
Trong một lần tình cờ, vào năm 1981, trên chuyến ô tô trở về nhà đoàn viên, ông Dương đã gặp được bà Nguyễn Thị Năm (1959, ở Thọ An, Đan Phượng, Hà Nội) là người ở xã bên.
Bà Năm cũng vừa hoàn thành nghĩa vụ của một nữ quân nhân. Trên chuyến xe dài ngày ấy, hai người lính trò chuyện rất hợp ý nhau và đã nảy sinh tình cảm. Tuy nhiên, vì ông Dương đã có gia đình nên hai người lính chỉ dừng lại ở mức bạn bè.
Ông Dương và bà Năm trên giường bệnh trong bệnh viện.
Trở về quê hương, hai người vẫn thường xuyên qua lại, thăm hỏi nhau. Bà Năm sau đó lấy chồng và sinh hạ được 3 người con.
Tuy nhiên, do những mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng, cuộc hôn nhân của bà Năm đã đổ vỡ. Khi bà rơi vào cảnh cô đơn, ông Dương vẫn là một người bạn tốt để chia sẻ và là chỗ dựa cho bà Năm.
Biến cố bất ngờ xảy ra khi năm 1999, do chứng bệnh thấp khớp quái ác, vợ ông Dương lìa đời để lại cho ông 3 người con gái.
Kể từ khi vợ mất đi, ngôi nhà trống trải càng thêm vắng vẻ khi con gái của ông Dương lần lượt cũng đi lấy chồng hết cả. Những lúc một mình chỉ có bà Năm là người quan tâm chia sẻ, giúp cuộc sống của ông Dương bớt hiu quạnh.
Biết ông Dương buồn bã khi ở nhà một mình, tuổi lại đã cao, cần có người cơm nước và giúp sinh hoạt hàng ngày nên các con gái của ông đã ngỏ ý mời bà Năm làm người giúp việc cho gia đình vì bình thường công việc đi bán rau ở chợ của bà Năm cũng chẳng lời lãi được bao nhiêu. Cũng vì quý mến ông Dương, nên bà Năm vui vẻ nhận lời.
Kể từ đó, mỗi buổi sáng bà Năm đạp xe từ nhà mình sang nhà ông Dương để lo chuyện cơm nước, giặt giũ đồng thời làm người bầu bạn.
Vốn sẵn đã có sự quý mến nhau từ lâu, lại thêm ngày ngày đều ở bên nhau, hai trái tim đã trải qua nhiều biến cố của cuộc đời bỗng hòa chung cùng một nhịp. Ông Năm và bà Dương, hai người cựu chiến binh muốn tiến thêm một bước để trở thành vợ chồng.
Năm 2003, ông Dương quyết định nói với các con của mình về chuyện muốn lấy bà Năm làm vợ. Tuy nhiên, ông không nhận được sự đồng ý của các con bởi lẽ lúc này ông đã ở quá cái tuổi “thất thập cổ lai hy”.
Mặc con cái không ưng thuận, ông Dương vẫn nhất quyết ra UBND xã Thọ An, Đan Phượng, Hà Nội để xin đăng ký kết hôn với bà Nguyễn Thị Năm.
Mọi việc tưởng chừng như diễn ra suôn sẻ thì bất ngờ 3 người con gái của ông Dương gửi đơn lên phía chính quyền xã nói rằng ông Dương bị bệnh tâm thần, không còn bình thường nên không thể cho kết hôn được.
Sau khi xảy ra sự việc con gái nói mình bị tâm thần dẫn tới không được xác nhận đăng ký kết hôn với và Năm, ông Dương vô cùng buồn tủi và tức giận. “Lúc đó tôi đã trình bày với phía chính quyền rằng tôi không hề bị tâm thần, "tâm thần mà lại đứng đây nói chuyện bình thường thế này à", nhưng họ không nghe”, ông Dương kể lại.
Không thể tiến tới hôn nhân với bà Năm, ông Dương chán nản trở về. Vận đen tiếp tục xảy ra với ông khi chỉ ngay sau bữa ăn tối ngày hôm đó, ông Dương bị ngộ độc và phải vào viện nằm điều trị mất gần 1 tháng, lúc này cũng chỉ có bà Năm là người túc trực bên cạnh để chăm sóc cho ông.
Sau khi lành bệnh, ông Dương lại lên xã để hỏi về chuyện kết hôn của mình, nhưng phía chính quyền trả lời đã trả hết giấy tờ gồm: Giấy giới thiệu, giấy chứng tử của vợ cũ, sổ hộ khẩu của ông Dương cho con gái của ông Dương là Nguyễn Thị Hiền (SN 1983) còn giấy đăng ký kết hôn thì không cấp cho ông Dương và bà Năm nữa.
Không còn cách nào, ông Dương đã yêu cầu phía chính quyền đưa mình đi xét nghiệm xem có bị tâm thần hay không nhưng phía chính quyền UBND Thọ An bấy giờ cũng không ưng thuận. Đến khi sang nhà con gái đòi lại giấy tờ, ông Dương cũng không lấy được mà cô con gái của ông chỉ trả lại cho ông đúng chiếc chứng minh thư nhân dân.
10 năm mòn mỏi chờ đợi tờ giấy kết hôn
Không biết làm thế nào, ông Dương và bà Năm, hai thân già chỉ biết lủi thủi trong căn nhà nương tựa vào nhau mà sống.
Nhiều lần bà Năm còn bị con gái ông Dương chửi bới và đuổi đánh bởi vì họ cho rằng bà Năm đến với ông Dương đã ngần ấy tuổi chỉ để trục lợi cá nhân.
Mặc những lời cay nghiệt, độc ác, bà Năm vẫn không rời bỏ ông Dương và tính từ khi không được chấp nhận kết hôn cho tới giờ đã 9 năm, bà Năm chăm sóc ông Dương như một người vợ tần tảo đối với chồng khiến những người dân hai xã Thọ An và Tân Hội biết chuyện cũng thầm cảm phục.
Để làm rõ về sự tình éo le của việc không được kết hôn giữa ông Nguyễn Bá Dương và bà Nguyễn Thị Năm, PV đã có buổi làm việc với chính quyền xã Thọ An, Đan Phượng, Hà Nội.
Ông Nguyễn Văn Thắng, cán bộ tư pháp xã Thọ An hứa sẽ tạo điều kiện cho ông Dương làm lại giấy đăng ký kết hôn với bà Năm.
Trao đổi với PV, ông Hoàng Quốc Định, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ An cho biết: “Tôi đã nhiều lần làm việc và trả lời đơn của ông Dương. Qua các lần tiếp xúc với ông Dương, tôi thấy ông ấy hoàn toàn khoẻ mạnh và minh mẫn, không có biểu hiện của bệnh tâm thần.
Còn việc các con ông ấy tố ông Dương bị bệnh tâm thần là hoàn toàn không có cơ sở. Theo hồ sơ, ông Dương có đủ điều kiện để đăng ký kết hôn với bà Năm. Còn việc cán bộ tư pháp xã trả lại hồ sơ đăng ký kết hôn là sai so với quy định.
Nếu ông Dương làm đơn đề nghị lên các cơ quan chức năng làm lại những giấy tờ cán bộ tư pháp xã đã trả cho cô Hiền mà cô Hiền không trả ông Dương, thì UBND xã Thọ An sẽ hướng dẫn và tạo điều kiện cho ông Dương làm lại những giấy tờ đó”.
Mặt khác, ông Nguyễn Văn Thắng, cán bộ tư pháp xã Thọ An, người trực tiếp giải quyết vụ việc của ông Dương cho hay: “Thời điểm ông Dương đến làm thủ tục đăng ký kết hôn thì các con của ông Dương đã đơn “tố” ông Dương bị bệnh… thần kinh. Nên tôi đã yêu cầu xác minh trong vòng 1 tuần. Sau đó, ông Dương bị bệnh phải đi viện gần 1 tháng.
Cũng vào thời điểm này, chị Hiền đã đến UBND xã trình bày cần lấy lại sổ hộ khẩu để giải quyết việc riêng. Thấy sổ hộ khẩu có tên ông Dương và chị Hiền, đồng thời chị Hiền cũng hứa sẽ đưa lại hồ sơ cho ông Dương, nên tôi đã trả toàn bộ hồ sơ của ông Dương cho chị Hiền và có giấy biên nhận.
Sau khi ông Dương lên kiến nghị, tôi cũng đã nhiều lần đến đòi lại giấy tờ để trả cho ông Dương, nhưng chị Hiền kiên quyết không trả”.
Về hướng giải quyết, cán bộ tư pháp xã nói: “Chúng tôi sẽ xác nhận ông Dương chưa đăng ký kết hôn ở xã Thọ An; xác nhận lý do bị mất giấy tờ…, tạo điều kiện cấp giấy giới thiệu sang UBND xã Tân Hội để ông Dương, bà Năm làm thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật”.
Sau buổi làm việc, PV đem những lời từ phía chính quyền chuyển tới ông Dương và bà Năm đồng thời hướng dẫn hai người về thủ tục có thể làm lại đăng ký kết hôn để sớm trở thành vợ chồng chính thức, hai người cựu chiến binh xúc động đến rớt nước mắt.
“Tôi năm nay đã 85 tuổi rồi, cũng gần đất xa trời đến nơi, giờ có thể hoàn thành tâm nguyện này dù có chết cũng không còn gì hối tiếc”, ông Dương bùi ngùi chia sẻ.