Bi hài trông người ốm thuê ở bệnh viện

Thứ hai, 03/09/2012, 07:44
Cuộc sống bận rộn ở các đô thị hiện đại bỗng khiến những người chẳng may bị ốm đau, nằm đâu nằm đấy thực sự trở thành gánh nặng vì gia đình không có người chăm sóc. Dịch vụ trông người ốm thuê ở các bệnh viện đã ra đời, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của những người có điều kiện kinh tế.

>>Dân mạng "like" cảnh chăm sóc cụ lượm ve chai
>>Sự vô cảm đến tàn nhẫn tại trung tâm chăm sóc người già trẻ em Cà Mau
>>Chăm sóc chân ở bệnh nhân tiểu đường
>>Chăm sóc dinh dưỡng cho tuổi già

Nhưng do gắn chặt với sinh hoạt đời thường, thậm chí cả những thời khắc “nhạy cảm” (như khi người ốm phải thay đồ, nâng đỡ,…) nên nhiều câu chuyện bi hài đã phát sinh từ dịch vụ đặc biệt này.

Bị đuổi việc vì nói giọng địa phương!

Chị Nguyễn Thị Thu quê ở Nam Định đã “hành nghề” trông người ốm thuê được gần 5 năm nay. Địa điểm quen thuộc của chị là ở các bệnh viện lớn, nơi có nhiều bệnh nhân mắc bệnh mãn tính, bệnh hiểm nghèo hoặc các viện có nhiều người cao tuổi đến điều trị (như BV Hữu nghị, Việt Đức, Viện Lão khoa, Bạch Mai, Nhiệt đới TW, …).

Công việc mang lại cho chị nguồn thu nhập ổn định nhưng trong suốt 5 năm qua, chị đã gặp không ít chuyện “dở khóc dở cười” liên quan đến công việc của mình.

 

Chị Thu (người ngồi giữa) đang chăm bệnh nhân điều trị dài ngày tại BV Nhiệt đới TW.

“Có lần có người đến tìm người trông bố chồng. Tôi được chọn và thống nhất giá cả xong xuôi rồi người phụ nữ đó dẫn tôi đến gặp ông cụ. Nhưng vừa nghe thấy tiếng tôi chào, ông cụ đó (ngoài 80 tuổi) đã nhăn mặt tỏ rõ vẻ khó chịu.
 
Nói thêm được dăm ba câu, ông đuổi tôi ra khỏi phòng và mắng cả cô con dâu trưởng. Hóa ra, ông cụ không thích người nào nói tiếng địa phương!”, chị Thu kể về một trong những tình huống mình gặp phải.

Sau đó, con dâu của cụ ông này lại tiếp tục quay lại chỗ làm của chị Thu để tìm người thay thế thích hợp, trong đó ưu tiên hàng đầu là nói giọng nhỏ nhẹ, dễ nghe, không nói tiếng địa phương.

“Ông cụ là người Hà Nội gốc, rất thích nghe Tam Quốc diễn nghĩa và lúc nào cũng muốn có người đọc cho. Vì thế, ông rất khắt khe trong việc này. Tôi phải tuyển kỹ vì xác định sẽ phải trông ông lâu dài”, chị Thu thuật lại lời người phụ nữ nọ.

“Đồng nghiệp” của chị Thu là chị Lệ, cùng quê Ý Yên, Nam Định thì gặp phải tình huống khác.

Người tuyển chị là một phụ nữ trung niên, và cần chị chăm sóc cho chính người chồng bị liệt nửa người sau một tai nạn giao thông nghiêm trọng. Theo lời chị Lệ thì người đàn ông này thay đổi tính nết nhiều từ khi gặp nạn, khiến ai cũng không chịu nổi.

 
Anh ta bắt gia đình luôn phải có người túc trực hầu hạ trong viện lẫn ở nhà. Nếu không đáp ứng được, cả nhà phải “chiều” theo ý muốn của anh. Và ý muốn của anh khiến cả gia đình “tròn mắt” vì kinh ngạc. Anh muốn nếu thuê người trông nom thì người trông phải là nữ, cao ráo, ngoại hình đẹp mắt, biết cách nói chuyện, an ủi, động viên, …

“Nghe xong tôi tưởng bệnh nhân này đang tuyển người đẹp đi thi hoa hậu”, chị Lệ bật cười kể lại.

Tá hỏa vì bệnh nhân bắt … tắm!

Không rơi vào cảnh dở khóc dở cười nhưng chị Trần Thị Hằng, quê ở Ninh Bình cũng gặp không ít chuyện “oái oăm”, nhiều khi đến mức ngượng chín mặt.

Trước khi chuyển sang làm nghề trông người ốm thuê, chị Hằng từng đi buôn đồng nát, sắt vụn. Công việc thu nhập khá nhưng vất vả nên khi thấy các chị em khác lần lượt bỏ nghề để đi chăm người ốm, với mức thu nhập cao gấp rưỡi, chị cũng bỏ nghề theo chân họ.

 

Nhu cầu thuê người chăm sóc người bệnh ngày càng cao, đặc biệt đối với các bệnh nhân cao tuổi
 
Ở cái tuổi 28, chị là người trẻ nhất trong số những người chăm bệnh nhân thuê ở các bệnh viện lớn. Và đã có lần, chị được thuê để trông một người đàn ông mới ngoài 30 tuổi, nằm viện sau một cơn đột quỵ.

Cơn đột quỵ khiến anh này nằm bất động nhưng đầu óc còn tỉnh táo. Khi được thuê, chị Hằng được vợ anh này dặn dò làm những việc như cho uống thuốc đúng giờ, nâng đỡ khi mỏi người, … và chị Hằng vui vẻ nhận lời. Tuy nhiên, được 2 ngày, bệnh nhân này nằng nặc đòi chị Hằng thay quần áo và tắm cho mình khiến chị được phen hốt hoảng!

“Tôi còn trẻ và người đàn ông đó cũng trạc tuổi chồng tôi ở nhà nên nghe chuyện đó, tôi không dám làm. Phần vì sợ, xấu hổ, phần vì ngượng với chính vợ anh ta”, chị Hằng nói.

Sau khi không đáp ứng được “đòi hỏi” này, chị Hằng bị người bệnh hắt hủi, đuổi đi vì cho rằng chị không có trách nhiệm, làm không “hết sức”.
 
Nghe chuyện của chị Hằng, chị Thu cũng kể thêm về tình huống oái oăm tương tự. Chị cũng từng được thuê để trông một cụ ông bị liệt nửa người. Khi chăm sóc cụ, chị làm rất tận tình, chu đáo.

Song mỗi lần cụ tắm rửa, thay quần áo là chị rất ái ngại (không phải vì lười). Biết ý, con dâu cụ đã nói: “Cụ già rồi, bằng tuổi bố cô ở nhà, cô cứ coi như bố, không phải ngại. Cụ không “làm ăn” gì được nữa đâu!”

 
Lời nói có vẻ cảm thông, hiểu biết của người con dâu đã khiến chị Thu xóa được mặc cảm và thực hiện công việc của mình tốt hơn. Theo chị Thu, việc trông người ốm không đơn giản chút nào, nhất là khi đó là người mắc bệnh nặng, mãn tính kéo dài, tính tình cau có khó chịu và luôn đòi hỏi, mắng nhiếc, thậm chí mạt sát cả người làm thuê chỉ vì đau đớn.

Ngoài việc phải chăm lo cho họ về thuốc thang, ăn uống, mọi sinh hoạt cá nhân khác của người bệnh đều phụ thuộc vào người trông. Do đó, công việc tưởng nhàn hạ nhưng thực chất vô cùng phức tạp và đòi hỏi tính kiên nhẫn cao.

Trong số những đối tượng bệnh nhân, khổ nhất có lẽ là chăm người bị tâm thần hoặc trẻ em bị trọng bệnh. Đây là những đối tượng “khó bảo”, không kiểm soát được hành vi, không hợp tác với người trông, khiến nhiều người bỏ cuộc.

Theo GDVN

Các tin cũ hơn