Sự khác biệt của Trung thu ba miền Bắc - Trung - Nam

Thứ năm, 20/09/2012, 16:36
Trung thu là một trong những lễ hội được chờ đón nhất trong năm vì ý nghĩa tốt đẹp về đoàn viên gia đình, vì không khí lễ hội rộn ràng và những thức quà ngon lành.
Ở Việt Nam, với địa hình một dải dất dài gồm nhiều vùng văn hóa khác nhau, cách tổ chức Trung thu tại ba miền Bắc - Trung - Nam có những đặc điểm văn hóa khác biệt tạo nên một không khí lễ hội phong phú đặc sắc.
 
 trung thu.jpg - 55.71 KB

Hà Nội có lẽ đẹp nhất và thơ mộng nhất vào mùa thu, khi mà thời tiết trở nên ôn hòa và dịu nhẹ. Trung thu đi vào tiềm thức người dân Kẻ Chợ (tên thời cổ của vùng đất này) về niềm vui thu hoạch hoa trái, lúa mùa. Ngày nay, cảm xúc về mùa vụ vẫn còn lưu dấu trong cuộc sống, từ đầu thu người ta đã tấm tắc nghĩ về vị ngon ngọt của trái chín mùa thu như hồng vàng, bưởi ngọt, cốm xanh…
 
Lúc này, cả thành phố đã sống trong một nỗi mong chờ Trung thu rộn rã, ngập tràn các đường phố là những lồng đèn cá vàng, con bướm, ông sao, mặt nạ, đồ chơi sặc sỡ. Thi thoảng đâu đó rộn lên hồi trống chiêng của đoàn múa rồng đang tập dợt làm cho trẻ con náo nức lòng dạ…

Dường như ai cũng nhủ thầm rằng 
Trung thu sẽ chưa trọn vẹn nếu họ còn chưa lên phố cổ Hàng Mã là trung tâm bán các loại đồ chơi dân gian mùa Trung thu, để đắm chìm trong ánh sáng lung linh các loại đèn nến và đồ trang trí dân gian lấp lánh.

Bởi thế 
Trung thu có thể coi là một trong những ngày lễ ý nghĩa nhất, là mùa vui rộn ràng nhất với người Thăng Long từ xưa tới nay.
 
Về tới Sài Gòn, Trung thu là ngày lễ nổi bật của cộng đồng người Hoa sống ở một vùng rộng lớn bao trùm các quận 5, 6, và 11, thu hút sự quan tâm của người dân cả thành phố. Lễ hội của họ mang màu sắc tôn giáo rực rỡ và linh đình, màu sắc đỏ thắm và vàng rực nhuộm tưng bừng các đường phố người Hoa.

Múa lân là một lễ rước cầu kỳ về trang phục, hoành tráng về kỹ thuật múa, và có nội dung trọn vẹn tôn thờ ý nghĩa hạnh phúc trong truyền thống Trung Quốc như múa Song Hỉ, múa Tứ quý hưng long…
 
Tại miền Trung, dải đất hẹp giao thoa văn hóa Bắc Bộ, hấp thụ truyền thống Nho giáo của người Hoa từ miền Nam, và ngập tràn màu sắc lung linh của văn hóa Champa, Trung thu không mang một ý nghĩa đặc trưng.

Nó đơn thuần là một ngày lễ vui nhộn cho trẻ em. Họ đổ đầy ngày lễ ấy mọi cảm xúc vui vẻ và hồn nhiên của mảnh đất hỗn hợp về văn hóa, có múa lân Trung Hoa rực rỡ, có đèn ông sao dân gian, và mỗi gia đình với nguồn gốc tôn giáo và văn hóa riêng lại tạo nên muôn màu muôn vẻ của 
Trung thunơi này.
 
Một mảnh đất chữ S trải dài bên bờ biển ẩn chứa bên trong là các hình thái văn hóa và tôn giáo phong phú khác biệt. Những vẻ đẹp ấy hiện lên trong nếp sống, cách ăn ở và trong cách tổ chức lễ hội hàng năm, trong đó có lễ hội Trung thu rực rỡ.

Bởi vậy nếu có cơ hội, mỗi năm bạn hưởng một mùa
Trung thu ở một vùng miền quê hương Việt Nam để trải nghiệm sự khác biệt về văn hóa và tận hưởng những kỷ niệm đặc biệt và ấn tượng.
 
Theo Infonet

Các tin cũ hơn