Trò chuyện với cô giáo dạy sử gây sốt trên Facebook
Thứ năm, 20/09/2012, 09:20
Việc các học trò lập hội hâm mộ mình trên Facebook khiến cô Lê Thị Mỹ Dung, Trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) vừa bất ngờ vừa xúc động. Cô tâm sự: “Học sinh bây giờ khác xưa nhiều lắm. Giáo viên sai hay đánh bóng một chút về bản thân là bị “tẩy chay” ngay. Quan điểm của mình là không dồn ép mà luôn tạo không gian cởi mở cho cả cô và trò”.
Cho đến tối 19/9, fanpage “Hội phát cuồng vì cá tính của cô Dung sử THPT Phan Đình Phùng” đã có hơn 4.000 lượt likes (thích) và 415 câu chuyện được chia sẻ bởi chính các thế hệ học trò từng học môn cô dạy.
Dạy không hay, trò sẽ “tẩy chay”
Phóng viên: Mấy ngày nay cô đã biết mình có một lượng fan hâm mộ khá lớn trên facebook chưa?
Cô Mỹ Dung: Mình cũng đã biết. Các trò gọi điện thông báo chứ mình hết việc ở trường rồi về nhà lo cho chồng con, soạn giáo án,...thành thử không có nhiều thời gian vào mạng.
Mình bất ngờ và cảm động lắm (cười). Đấy! Học trò yêu ai ghét ai là các con thể hiện ngay dù bằng cách này hay cách khác. Được các em yêu mến là niềm hạnh phúc của tất cả những người làm thầy như chúng tôi.
Là giáo viên dạy Lịch sử, một bộ môn vẫn được coi là khô khan và nhàm chán, cô làm như thế nào để các trò lắng nghe và cảm thấy thú vị?
Bức ảnh do chính các học sinh chụp và dành những lời yêu thương dành cho
cô Lê Thị Mỹ Dung (Ảnh lấy từ fanpage trên facebook của HS Trường THPT Phan Đình Phùng)
Không riêng gì Lịch sử, các môn xã hội mấy năm nay vẫn bị “ghẻ lạnh”. Học trò chỉ học lúc gần thi tốt nghiệp. Mấy em chọn môn này thi đại học đâu. Thế nên tiêu chí của mình là dạy nhẹ nhàng, giúp trò nắm được kiến thức cơ bản, trọng tâm ngay trên lớp chứ không nhồi nhét tất cả những gì trong SGK. Phải thế thôi chứ nói thật về nhà các em cũng không dành thời gian học sử đâu.
Mình thường bắt đầu bài học với việc để học sinh đứng lên tự nói những điều các em biết (chủ yếu về địa lý) về vấn đề chuẩn bị được dạy. Trước những con số khô khan mình không chỉ phải chuẩn bị tư liệu sinh động mà luôn tạo điều kiện để các học sinh tự đánh giá, nêu quan điểm. Cô sẽ là người tổng kết lại và có định hướng cho trò.
Và còn cả tính hài hước của cô nữa chứ?
(Cười). Có lẽ vậy. Ví dụ như những tiết cuối, trò rất mệt mỏi, cô phải gây đôi chút chú ý và khuấy động để không khí vui vẻ hơn. Mình nghĩ có lẽ đó là cái khiếu của từng giáo viên. Hơn nữa, còn có nhiều tình huống trên lớp đòi hỏi phải xử lí khéo léo.
Nếu dạy không hay, trò không thích thì mình bị “tẩy chay” ngay. Là giáo viên không khó để nhận ra học trò có thấy thú vị và hấp dẫn với bài giảng của cô.
Áp đặt là hỏng, cô cũng có thể sai
Cô vừa nói đến sự khéo léo. Cô có thể chia sẻ một vài câu chuyện, tình huống như vậy không?
Ví dụ như chuyện trò không học bài chẳng hạn. Mắng mỏ chưa chắc đã hay. Mình hỏi trò tối qua đi đâu. Con trả lời không đi đâu. “Vậy tại sao không học bài? Cô tưởng có người yêu đi chơi thì mới không học bài chứ nhỉ?”.
Như thế cũng tạo không khí nhẹ nhàng, cô trò vui vẻ. Cô lại hỏi ý kiến của em như thế nào? Học sinh nếu nhớ lâu, tự giác các em sẽ thay đổi thôi. Mình nghĩ vậy.
Nhiều học sinh tâm sự: “Lúc đầu nhìn cô rất sợ, sau lại thấy quý mến và trân trọng
cô nhiều hơn”. (Ảnh lấy từ fanpage trên facebook của HS Trường THPT Phan Đình Phùng)
Còn với học sinh cá biệt càng không thể quá nghiêm khắc. Muốn các em tập trung mình thường dành lời khen, động viên hoặc đơn giản như nhờ các em này trả bài kiểm tra để trò thấy rằng mình cũng rất có giá trị.
Thậm chí có lần trò “bật" lại cô. Mình phải kiềm chế. Cuối tiết mình gặp riêng em học sinh và nói “tối nay về cả cô và em cùng nghĩ xem hôm nay mình đã cư xử như thế nào nhé!”
Mình là giáo viên nhưng không phải khi nào cũng đúng. Sai mình sẵn sàng nhận và xin lỗi trước mặt học trò. Trò cũng tinh lắm. Cô mà PR quá về bản thân là chúng cười ngay với mình.
Trò không ngại nói với tôi điều gì!
Có bao giờ cô phải quát mắng học trò?
Thật sự là có và là mắng yêu vì mình thích sự hài hước hơn. Song có lần mình giận quá mắng con thật. Nhưng rồi mình suy nghĩ nhiều và phải nhắn tin với con “cô cũng rất buồn. Hứa với cô lần sau em sẽ cư xử đúng nhé”.
Trò dễ tổn thương thậm chí có hành động dại dột nếu không gần gũi, chia sẻ với các em. Mình vui khi trò không ngại nói với cô chuyện gì kể cả yêu đương, ghen ghét hay có lần bạn bè mâu thuẫn với nhau.
Và cô nói gì, khuyên gì với các trò?
Mình chỉ nói thế này: Cuộc đời ai cũng phải yêu. Cô không cấm được các em. Nhưng ở mỗi thời điểm các em chỉ được phép lựa chọn một thứ thôi. Em có hứa với cô nếu yêu nhưng vẫn học giỏi, học tốt không?
Mình vẫn hay bông đùa với các trò rằng cuộc đời mỗi người chỉ xoay quanh chữ “nghiệp” mà thôi. Em chọn “sản nghiệp” hay “sự nghiệp”? Nếu có thuốc “giá như, giá mà” chắc cô mua đầu tiên vì ngày xưa cô cũng từng “chảnh quá” mà không có những người bạn tốt bên cạnh để tâm sự, sẻ chia.
Đến giờ nhiều học trò ra trường rồi nhưng thi thoảng vẫn gọi điện hỏi thăm cô. Có phụ huynh nửa đêm gọi điện tâm sự chuyện của con. Những tình cảm đó chính là động lực giúp mình thấy yêu nghề, gắn bó với trường lớp và học trò hơn.