Giới trẻ xôn xao với sách dạy tiếng Nghệ cấp tốc

Thứ ba, 18/09/2012, 14:31
Nhằm đáp ứng nhu cầu nghe - hiểu tiếng Nghệ của một số người, giáo trình “Tự học tiếng Nghệ An cấp tốc 24h” ra đời. Với nội dung hay ho, mới lạ, cuốn giáo trình đã tạo được cơn sốt khi có rất nhiều bạn trẻ hồ hởi học Nghệ ngữ.
 
Học Nghệ ngữ là yêu nước
 
Ghé thăm các diễn đàn của giới trẻ, có lẽ không khó khăn gì khi bắt gặp những dòng chia sẻ nửa vui nửa buồn như: “Tau nghe tiếng Nghệ bây mà chả hiểu răng rứa? Nghe mấy thằng bạn gọi điện thoại về quê mà như gọi sang Anh, Pháp ý”, “Đúng là nhiều đứa bạn mình nói chuyện với mình vẫn còn chất Nghệ nhưng vẫn hiểu được.

Mấy đứa cùng phòng, cùng quê mà nói chuyện với nhau thì thôi rồi”, “Hồi học Đại học, nghe hai ông Nghệ An cãi nhau, họ nói nhanh nên nghe chẳng hiểu gì, ngang ngửa kiểu nghe người nước ngoài nói chuyện”…

 
Có lẽ người lập giáo trình đã sớm phát hiện những “bất cập” trong việc giao tiếp giữa người miền Bắc với miền Trung nên giáo trình dạy Nghệ ngữ đã ra đời với lời mào đầu trịnh trọng: “Việt Nam có một nền văn hóa rất đa dạng, phong phú. Mỗi vùng, miền trên lại có những bản sắc văn hóa riêng, trong đó tiếng địa phương (phương ngữ) là một trong những nét tinh hoa quý báu cần đc bảo tồn trên cơ sở "giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt", trong đó có tiếng Nghệ An và Hà Tĩnh.
 
Nhằm khắc phục tình trạng mình nói mà các bạn ngoài Bắc nghe không hiểu gì, đồng thời đáp ứng nhu cầu học tiếng Nghệ An - Hà Tĩnh ngày càng cao của một số anh chị em ngoài Bắc (muốn làm dâu rể miền trung mà), nên giáo trình này ra đời”.
 
Trong cuốn giáo trình, ngoài mục khái quát, tác giả đi vào những phân tích sự khác biệt căn bản giữa tiếng Nghệ với tiếng của các vùng miền khác.
 
Về âm điệu: “Dấu ngã (~) thành dấu nặng (.) nên mới nghe giọng Nghệ An và Hà Tịnh nặng trình trịch ( ở 1 số vùng dấu hỏi (?) cũng nói thành dấu nặng (.) nốt).

Các phụ âm “s” và “x”, “tr” và “ch”, “r” và “d” người Nghệ Tĩnh phát âm rất rõ ràng (nên viết ít sai)”, về ngữ pháp, về từ loại (đại từ - mạo từ, thán từ - chỉ từ, động từ….): “Mi = Mày, Tau = Tao (tau với mi đập chắc đi = tao với mày chơi tay bo đi ), Choa = Chúng tao, (Bọn) bây = các bạn, Hấn = hắn, nó Ci (ki, kí), cấy = cái. Ví dụ: đóng ci cựa lại = đóng cái cửa lại”…

 

 
Có lẽ bởi tin rằng: Người Việt học… tiếng Việt là ái quốc, người Việt phải biết tiếng Việt” nên giáo trình này đã gây sốt và thu hút nhiều thành viên tham gia học hành. Ngày càng có nhiều diễn đàn mở thêm box để các thành viên trao đổi việc học Nghệ ngữ. Điều đặt biệt là những topic này luôn thu hút được lượng bình luận lớn.
 
Ngoài học theo giáo trình trên, học viên còn sưu tầm thêm rất nhiều bài học qua cao dao, tục ngữ, thơ (Nghệ thi):
 
Cái gầu thì bảo cái đài
 
Ra sân thì bảo ra ngoài cái cươi
 
Chộ tức là thấy mình ơi ...
 
Trụng là nhúng đấy đừng cười nghe em
 
Thích chi thì bảo là sèm
 
Nghe ai bảo đọi thì mang bát vào
 
Cá quả lại gọi cá tràu
 
Vo troốc là bảo gội đầu đấy em…
 
Nghe em giọng Bắc êm êm
 
Bà con hàng xóm đến xem chật nhà
 
Răng chưa sang nhởi nhà choa
 
Bà o đạ nhốt con ga trong truồng
 
Em cười bối rối mà thương
 
Thương em một lại trăm đường thương quê
 
Gió Lào thổi rạc bờ tre
 
Chỉ nghe giọng nói đã nghe nhọc nhằn
 
Chắt từ đá sỏi đất cằn
 
Nên yêu thương mới sâu đằm đó em.
 
Đa dạng cách dạy vỡ lòng
 
Nhằm đáp ứng mong muốn học Nghệ ngữ của các thành viên trên diễn đàn, những member chính hiệu miền Trung cũng sôi nổi bàn luận và truyền đạt kinh nghiệm học tiếng Nghệ nhanh, hiệu quả cao cho các thành viên khác.
 
Trên diễn đàn http://cauduongbkdn.com thành viên Lý Quang Huy, nickname Huyhihi vui vẻ: “Mình cũng là dân miền Trung (Lệ Thủy - Quảng Bình) nên sẽ sưu tầm thêm nhiều từ địa phương nữa để bổ sung vô giáo trình ni hè”.
 
Trên forum gamevn, thành viên có nickname Nomorepain thì chia sẻ kinh nghiệm của bản thân về những lỗi thường gặp khi học Nghệ ngữ, sự khác biệt giữa các vùng trong cùng một tỉnh cùng nói Nghệ ngữ: “Trong Nghệ An cũng có mấy giọng rồi (6,7 loại gì đó), Hà Tĩnh thì không rõ lắm, Quảng Bình thì có 3 giọng (giọng dân Ròn nghe khác hẳn, Quảng Trị thì nhỏ nên có mỗi 1 giọng, Huế thì vài giọng (biển, núi, đồng bằng)”
 
Các bạn trẻ miền Trung cũng rất tích cực truyền nhau những bài thơ hay về xứ Nghệ để tạo động lực học cho các học viên Nghệ ngữ lớp vỡ lòng:
 
.... Người trong Nam, ngoài Bắc    
 
Khẽ thốt ra điều gì,  
 
Dân xứ Nghệ vừa nghe  

Một lần là hiểu hết.
 
Đồng hương chưa quen biết  
 
Gặp nhau chuyện râm ran,  
 
Dân vùng khác đứng gần  
 
Cứ như người ngoại quốc!
 
Cùng sống trong một nước,  
 
Tiếng Việt là của chung,  
 
Dân xứ Nghệ khi dùng  
 
Theo cách riêng mới lạ!
 
Đừng ngạc nhiên gì cả:  
 
Ngoài ngôn ngữ phổ thông  
 
Còn tiếng nói cha ông  
 
Lưu truyền bao thế hệ.
 
Trên miền quê xứ Nghệ  
 
Giàu mưa nắng, đói nghèo  
 
Được người dân nâng niu  
 
Giữ gìn như báu vật.
 
Vẫn đậm đà chân chất  
 
Như vị nhút, màu tương,  
 
Thành bản sắc quê hương  
 
Phai mờ đâu phải dễ!
 
Nếu cô dâu, chú rể  
 
Coi xứ Nghệ là quê,  
 
Sau vài chuyến đi về  
 
Không cần người phiên dịch.
 
Cũng chính bởi sự hài hước trong giáo trình, học để nghe và hiểu được tiếng Nghệ lại chẳng dễ chút nào, mỗi nơi mỗi vùng, âm điệu, từ ngữ luôn có sự khác biệt nên Nghệ ngữ đang trở nên “hút hồn” giới trẻ.
 
Làn sóng học Nghệ ngữ thực sự thổi một làn gió mới trên các diễn đàn về một loại ngôn ngữ dân tộc đầy bản sắc vùng miền.
 
Theo Tiin

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích