Trao đổi với PV về tình trạng ông Hoàng Kim L. (phố Huế, Hai Bà Trưng, Hà Nội) bị vợ bạo hành, bác sỹ Nguyễn Thống, trưởng khoa Bỏng bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội) chia sẻ, bệnh nhân Hoàng Kim L. nhập viện vào 5h30' sáng 1/9/2012 với thương tích bỏng rộng 50% rải rác toàn thân ở phần mặt, toàn bộ ngực, lưng, hai tay và một phần chân sâu độ 2.
Theo như lời kể của bệnh nhân, ông bị vợ đập chày vào đầu, bị dội nước sôi từ mũi trở xuống khắp phần bụng. Trường hợp bỏng của ông L. là trường hợp bỏng nặng, diện tích bỏng rộng, do ông đã lớn tuổi nên nguy cơ tử vong rất cao.
Bác sỹ Nguyễn Ngọc Quyết, giám đốc Trung tâm Tư vấn - Chăm sóc sức khỏe phụ nữ Hà Nội
"Qua quá trình điều trị, tình hình sức khỏe của ông L. tiến triển tốt, tương đối ổn định, các vết bỏng trên da đã bắt đầu khô, một số vùng bỏng đã lên da non nhưng bệnh nhân vẫn chưa đi lại được. Bệnh nhân điều trị thêm khoảng 2 tuần thì có thể xuất viện. Tuy nhiên, bệnh nhân có thể để lại di chứng về thẩm mỹ hoặc biến đổi màu da…", bác sỹ Thống nói.
Cũng theo bác sỹ Thống, những năm gần đây, khoa bỏng cũng nhận mấy chục ca bỏng nước như nước sôi, nước canh vì mâu thuẫn gia đình, nhưng đây là một trong những trường hợp đặc biệt gây ra bỏng lớn.
Bà Đỗ Thị Thanh Bình, chủ tịch hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phố Huế (Hai Bà Trưng, Hà Nội) cho biết: "Dù ở góc độ nào thì hành động dội nước sôi và đánh đập chồng là không được vì nó quá bạo lực và có phần dã man, không còn tình cảm giữa người với người chứ đừng nói chi họ lại là vợ chồng của nhau".
Chị Bình cũng tham vấn rằng, nếu trên địa bàn có những việc xảy ra về bạo lực gia đình thì các chị em nên tự cứu mình bằng cách thông báo cho các cơ quan chức năng sở tại đến giúp đỡ. Khi bị bạo lực gia đình ở cả nam lẫn nữ, người trong cuộc nên có ý kiến với ban chấp hành Hội, công an, khu vực địa bàn, tổ trưởng tổ dân phố, cảnh sát khu vực…, đây là những người giải quyết đầu tiên.
"Chị em phụ nữ đã được tập huấn xây dựng gia đình văn minh hạnh phúc. Người phụ nữ trong gia đình nên cố gắng theo phương châm "lạt mềm buộc chặt", ứng xử tế nhị, mềm mỏng để trước mọi mâu thuẫn gia đình đều có thể giải quyết được.
Nếu là người bình thường thì hành động đó là không chấp nhận được nhưng nếu là một người bệnh thì cần phải đi khám để điều trị kịp thời, tránh hậu quả khôn lường", Chủ tịch hội Liên hiệp Phụ nữ phường Phố Huế nói.
Ông Nguyễn Ngọc Quyết, giám đốc Trung tâm Tư vấn - Chăm sóc sức khỏe phụ nữ Hà Nội nêu quan điểm, có khá nhiều trường hợp đàn ông bị bạo hành nhưng không dám lên tiếng, nhất là các trường hợp bị vợ bạo hành về thể xác.
Trung bình mỗi tháng, phía Trung tâm Tư vấn - Chăm sóc sức khỏe phụ nữ Hà Nội tiếp nhận từ 4 - 5 trường hợp nam giới bị bạo hành. Khi tình trạng bạo hành quá nặng, phải đến bệnh viện thì phía trung tâm mới có thể tiếp cận và tư vấn. Xã hội cùng với Luật Phòng, chống bạo lực gia đình cũng mới chỉ đề cập đến các nạn nhân là nữ mà chưa đề cập đến các nạn nhân là nam.
Vì lẽ đó, các trung tâm làm nhiệm vụ tư vấn về bạo lực gia đình gặp nhiều trở ngại, bế tắc.