Nhiều độc giả cho rằng, “một bàn tay vỗ không thành tiếng”. Tâm lí “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” đã tạo nên những tiền lệ xấu và những thói quen ứng xử xấu trong ngành y tế. Chính những bệnh nhân mang tiền để mua chuộc nhân viên y tế đã đang và sẽ góp phần làm hỏng nền y tế nước nhà…
Nhiều độc giả cho rằng:Chính những bệnh nhân mang tiền để mua chuộc nhân viên y tế đã đang và sẽ góp phần làm hỏng nền y tế nước nhà…
Nói đi thì phải nói lại…
Độc giả Hung X-Ray bình luận: “Nói đi thì phải nói lại. Tất cả bệnh nhân đi khám đừng mang tiền và tìm mọi cách để được khám, điều trị trước những người khác thì tôi chắc rằng, cảnh tượng này không bao giờ xảy ra. Chính những bệnh nhân mang tiền để mua chuộc nhân viên y tế đã đang và sẽ làm hỏng nền y tế nước nhà…”
Độc giả Lê Thanh nói: “Một bàn tay không thể vỗ thành tiếng. Tôi không biết cái tiền lệ phong bì lót tay bác sỹ có từ bao giờ. Thế nhưng, người Việt Nam dường như cứ đi viện, cứ mổ xẻ, cứ cấp cứu… là phải cuống cuồng nghĩ ngay đến chuyện chuẩn bị 1 cái phong bì dày mỏng khác nhau để lót tay cho bác sỹ. Có lẽ, phải có tiền, họ mới yên tâm. Cứ như thế tạo thành cái tiền lệ xấu.
Nhiều khi y bác sỹ cũng chả đòi hỏi gì đâu nhưng đã thành tiền lệ, nghe người này kháo với người kia… Cái tâm lí “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn” cũng là một trong những lí do khiến nạn phong bì trong ngành y tế trở nên nhức nhối hơn.
Trách nội quy bệnh viện không nghiêm, trách lương tâm của người thầy thuốc không chuẩn mực… nhưng cũng cần phải trách chính những người bệnh. Họ đã và đang vô tình làm thúc đẩy những mặt trái của ngành y tế phát triển.”
Khôn lỏi và tâm lí đám đông
Đôc giả Nguyễn Thanh Hằng lại cho rằng, sở dĩ bệnh nhân mang tiền lót tay bác sỹ cũng chỉ vì “khôn lỏi” và vì tâm lí đám đông. “Người Việt Nam mình vốn khôn lỏi và có tâm lí đám đông mạnh lắm! Chả phải nói đâu xa, ngay như cái ý thức trước sau của người Việt mình đã rất kém rồi.
Tôi đã gặp không ít bệnh nhân có những hành động chen ngang rất phản cảm. Họ đến sau, đến muộn nhưng lại “hồn nhiên” chen lấn, chiếm vị trí của những người đã xếp hàng chờ đợi từ trước đó. Tất cả thành ra bát nháo.
Bệnh viện tuyến trên lúc nào cũng trong tình trạng quá tải. Chỉ vì muốn được nhanh chóng hơn, thuận tiện hơn trong việc khám bệnh và điều trị, người bệnh sẵn sàng “tặc lưỡi” chịu mất tiền cho cò mồi, cho bác sỹ. Có cầu ắt phải có cung. Nạn cò mồi phát triển cũng vì thế. Vấn nạn phong bì, phong bao trong bệnh viện cũng vì thế mà nảy nở.
Vào viện, thấy người ta kháo nhau là phải đưa phong bì cho bác sỹ, có đưa phong bì mới được bác sỹ quan tâm và đối xử chu đáo… Thế là bệnh nhân lo lắng, hoang mang và cung cúc a dua làm theo…”
Đồng tình với quan điểm này, độc giả Phạm Minh Ánh chia sẻ: “Tôi cũng là một người làm trong ngành y tế. Phải thừa nhận rằng, y bác sỹ ngoài sống bằng đồng lương còn sống nhờ vào phong bì của bệnh nhân.
Thế nhưng, cần phân biệt phong bì lót tay và phong bì cảm ơn. Đó là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Bác sỹ nhận phong bì cảm ơn của bệnh nhân không có gì là xấu cả.
Thế nhưng, y bác sỹ “làm tiền” bệnh nhân để bán cái sự đối xử quan tâm, chu đáo hơn lại là điều không thể chấp nhận được.
Phải thừa nhận rằng, có một số y bác sỹ có thói quen “làm tiền” bệnh nhân nhưng số những phần tử đó rất nhỏ. Không phải y bác sỹ nào cũng có thói quen đó và đi ngược lại những chuẩn mực về y đức như thế. Vì đó là “tiền bẩn”, là tiền mồ hôi, nước mắt của dân nghèo.
Thế nhưng, nếu bệnh nhân không có tâm lí dùng tiền để mua chuộc y bác sỹ, bệnh nhân không a dua theo tâm lí đám đông, không lợi dụng đồng tiền để đổi về sự ưu ái hơn… thì đã không có những câu chuyện đau lòng này…”