Nhiều chàng trai ở tận châu Âu, như do một cơ duyên sắp đặt, đã tìm về làng Kon Tum Kơnâm ở phường Thống Nhất, TP.Kon Tum (tỉnh Kon Tum) để được các sơn nữ… bắt chồng.
Trong các tỉnh Tây nguyên, Kon Tum có lẽ còn giữ được nhiều nét văn hóa làng - rừng vốn là phong vị văn hóa đặc trưng của vùng đất cao nguyên này. Và du khách tận trời Tây theo đó cũng bị hấp lực, tìm đến để được thưởng ngoạn, khám phá và mê luôn các bóng hồng người bản địa.
Từ đây, những câu chuyện tình không biên giới được dệt lên và làng Kon Tum Kơnâm được nhiều người vẫn gọi là làng rể Tây.
Ẵm trên tay con gái mới bảy tháng tuổi, ánh mắt anh John Nathan lấp lánh niềm vui. Chuyện tình của họ dẫu không ai kể nhưng mỗi người bản địa ở làng đều thuộc nằm lòng. Năm 2008, trong một chuyến du lịch đến các bản làng xa vắng của Kon Tum, chàng trai người Bỉ này đã phải lòng Y Hem, cô hướng dẫn viên người Bahnar mới 24 tuổi đẹp như bông hoa rừng.
Chỉ vài ngày trên hành trình khám phá cao nguyên đã gắn kết chàng trai người Tây đẹp trai với cô gái bản địa chân chất. Họ thường xuyên trao đổi email khi chàng về nước. John tích cực luyện tiếng Bahnar, còn Y Hem cũng trang bị thêm vốn Anh ngữ của mình.
Một chàng rể Tây hạnh phúc bên vợ con
Hai năm sau, John trở lại Việt Nam và nhận được cái gật đầu của Y Hem. Một năm sau đó, cô gái bản địa lần đầu tiên đến Bỉ ra mắt gia đình người yêu.
“Lúc đến sân bay, nhìn cảnh cả gia đình anh ấy đón em như thân thiết lâu rồi, em rất cảm động. Họ còn đưa em đi chơi nhiều nơi ở Bỉ nữa. Tụi em mới đăng ký kết hôn từ tháng 6, sắp tới bố mẹ anh ấy cũng qua đây cùng vui với đám cưới của vợ chồng em”, Y Hem hạnh phúc kể.
Nhìn chàng rể Tây hòa đồng với mọi người, thỉnh thoảng nói bằng tiếng Bahnar chưa chuẩn giọng với vợ, tay nựng con, người làng ai cũng thích. John nói: “Tôi đã đến nhiều nơi ở Việt Nam như Hải Phòng, Hà Nội, TP.HCM… nhưng tôi thích nhất khi đến Kon Tum, đến với người bản địa ở đây. Họ tốt bụng, giản dị và xa lạ với những lời nói dối. Và tôi yêu vợ tôi sự thật thà, giản dị đó.”
Hay chàng trai Pháp Edourd, là nhân viên của một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ y tế, giáo dục cho người thiểu số ở Kon Tum, bị người mẹ một con mặn mà Y Ruth đã hút hồn.
Kết quả là một đám cưới ấm cúng được tổ chức tại Kon Tum, sau đó hai vợ chồng đưa nhau sang Pháp sinh sống. Họ cùng nhau xây một căn nhà theo mô hình nhà sàn truyền thống của người Bahnar tại làng Kon Tum Kơnâm để có chỗ nghỉ ngơi khi quay lại.
Cùng với những cuộc hôn nhân đẹp trên, làng Kon Tum Kơnâm còn có 5 cô gái khác cũng “bắt chồng” Tây và một số chuyện tình đang đơm hoa kết trái ở ngôi làng bình dị ven sông Đak Bla này. Các cặp tình nhân này sau khi đăng ký kết hôn đã ra nước ngoài sinh sống, chủ yếu là các nước châu Âu. Có lẽ, những cuộc du ngoạn thưởng thức văn hóa làng - rừng đã níu chân nhiều chàng trai nước bạn.