Đã từng có một gia đình hạnh phúc, nhưng bất hạnh cứ lần lượt trút xuống đầu người phụ nữ tên Mân. 3 lần, chính cụ tự tay đau đớn chôn cất 3 đứa con và nhận tin chồng hy sinh. Thế nhưng như một phép màu của bụt, một cô Tấm giữa đời thường đã đến bên cụ.
Con đường vào nhà cụ Phạm Thị Mân (93 tuổi, ngụ xóm Gò Giềng, thôn Bình Tân Tây, xã Mỹ Hiệp, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định) đã khó đi, vậy mà sau cơn mưa chiều lại càng lầy lội hơn. Ngôi nhà nhỏ vắng lặng trong buổi chiều tà, chúng tôi gọi lớn nhưng vẫn không có ai ra mở cửa.
Bạo dạn bước vào, một người phụ nữ già yếu đang nằm trên chiếc giường xiêu vẹo. Lay nhẹ, cụ từ từ ngồi dậy và cất giọng run run: “Ai đấy?”.
Sinh ra trong một gia đình nghèo làm nghề nông, lúc còn thiếu nữ, cô gái tên Mân cũng là người nhan sắc, lại hiền lành, chịu thương, chịu khó, nên rất nhiều thanh niên theo đuổi. Cũng như bao nhiêu thiếu nữ khác, Mân đã trải qua một số mối tình. Thế nhưng, những mối tình đó cuối cùng cũng tan vỡ.
Ở làng bên, có chàng thanh niên Nguyễn Thanh Tri cũng để ý đến Mân, nhưng do nhút nhát nên luôn đứng phía xa để nhìn. Ban đầu, cô Mân cũng không để ý, nhưng về sau, nghe bạn bè bảo: “Có người để ý mày kìa”, cô Mân mới chú ý đến nam thanh niên này nhiều hơn.
Từ trước đến nay, hầu hết những người con trai đều bạo dạn “tán”, nhưng với anh Tri lại khác hoàn toàn. Trong đầu cô ngày càng nghĩ nhiều hơn về người thanh niên này và nảy sinh tình cảm lúc nào cũng không hay.
Bé Trinh và Loan bên cụ Mân
Sau một vài lần “mở đường” nhưng Tri vẫn không dám tiến tới, cô Mân ngày đó phải bạo dạn bộc lộ tình cảm của mình. Thế rồi, tình yêu của hai người ngày càng mặn nồng. Mối tình kéo dài hơn một năm thì đám cưới được diễn ra.
Giờ kể lại, cụ Mân vẫn bồi hồi: “Đã gần 70 năm trôi qua nhưng già vẫn không thể nào quên ngày đó được. Ngày đó, áo cưới chỉ là một chiếc áo dài của mẹ để lại, nhưng trong mắt của già, đến nay, nó vẫn là chiếc áo đẹp nhất trong suốt cuộc đời mình được mặc”.
Hạnh phúc của đôi vợ chồng trẻ ngày càng mặn nồng và thắm thiết hơn khi hai đứa con kháu khỉnh lần lượt ra đời. Mặc dù rất cố gắng, nhưng do gia đình nghèo khó, hai vợ chồng cụ vẫn không kiếm đủ no bụng.
Chính vì vậy, nguồn sữa mẹ dành cho con nhanh chóng mất đi. Hàng ngày, cụ phải lấy nước cơm bỏ thêm muối cho con uống. Điều không may cho vợ chồng cụ, hai đứa con cùng bị bệnh một lần. Vì nhà nghèo, không có tiền để thuốc thang nên hai đứa trẻ qua đời gần như cùng lúc.
“Già khóc nhiều lắm, nhưng chẳng làm sao được. Chồng già cứ an ủi, rồi sẽ sinh được đứa khác. Nhưng chính già biết rằng, mình quá đau đớn nên không thể nào đủ dũng cảm để sinh thêm nữa”, cụ Mân nhớ lại. Đúng như những gì cụ đã nghĩ, sau này, do cú sốc tâm lý cụ đã không thể có con được nữa.
Không lâu sau, nỗi đau mất hai con vẫn chưa lành, chồng cụ tình nguyện ra chiến trường. Ngày đó, mặc dù rất đau khổ, nhưng thấy những người đàn ông, thanh niên trong làng lần lượt ra đi chiến đấu, cụ cũng không cản chồng.
Trước khi đi, chồng đã dặn rất nhiều thứ, vì cứ sợ, phụ nữ ở nhà một mình sẽ có rất nhiều khó khăn. Không chỉ thế, lo rằng, khi ra chiến trường, có thể không trở về được nữa nên ông khuyên cụ nếu chờ lâu quá, hoặc biết được tin ông qua đời thì có thể đi thêm bước nữa. Ngày chồng đi tập kết, cụ chỉ mới 29 tuổi.
Bé Trinh và Tiên cười tươi cùng cụ Mân
Ở nhà một mình hiu quạnh, cụ Mân xin một người con nuôi. Cụ chăm sóc đứa con nuôi này như chính khúc ruột của mình sinh ra. Tuy nhiên, nỗi đau một lần nữa lại đến với cụ khi đứa bé được 8 tuổi lại bị bệnh và qua đời.
Lần này, cụ tuyệt vọng, không còn dám tin vào hạnh phúc đời mình. Càng nghĩ nhiều, nỗi đau trong cụ càng lớn. Cuối cùng, cụ nghĩ đến chuyện tự vẫn để kết thúc chuỗi ngày khổ đau tiếp nối.
“Nghĩ đi, nghĩ lại, nếu già chết đi thì ai sẽ hương khói cho 3 đứa con và khi ông ấy trở về, ai sẽ đón”, cụ Mân cho biết. Chính điều này, khiến cụ Mân gạt bỏ ý định từ bỏ cuộc sống.
Mỏi mòn chờ chồng, trong một buổi chiều, khi đang đi cấy thuê, cụ Mân nhận được tin báo tử của ông Tri trong một trận đấu ở ngoài Bắc. Quặn thắt lòng, cụ ngất ngay giữa ruộng. Lúc chồng qua đời, cụ Mân vẫn còn khá trẻ, nhưng cụ không đi thêm bước nữa như lời chồng đã từng dặn dò.
Cô Tấm giữa đời thường
Cứ thế, trong ngôi nhà tình nghĩa chính quyền xây cho, cụ Mân sống một mình hương khói cho chồng con. Tuổi già yếu, cụ sống nhờ vào 180.000 đồng tiền trợ cấp mỗi tháng của nhà nước và sự giúp đỡ của bà con lối xóm.
Từ lâu lắm rồi, cụ cho rằng, mình không có con cháu, nên chắc chắn, lúc qua đời cũng chỉ hiu quạnh một mình. Nhưng phần còn lại của cuộc đời cụ đã được ngọn lửa tình thương của cô bé Đoàn Thị Trinh (16 tuổi) nhen nhóm trở lại.
Khi kể lại cuộc đời buồn của mình, giọng run run có chút nghẹn ngào, nhưng khi nói về cô bé Trinh, giọng cụ Mân bỗng nhiên hào hứng, đôi mắt như cười tươi và những vết nhăn trên mặt giãn ra.
Nhà Trinh cách nhà cụ khoảng chừng nửa cây số. Trước đây, Trinh chỉ nghe mọi người nói đến bà Mân sống một mình nhưng không để ý lắm. Tuy nhiên, vào Tết nguyên đán năm 2009, mẹ bảo Trinh mang một ít chuối và bánh sang cho cụ, thấy người đàn bà già yếu, đi không nổi lại phải sống một mình, cô bé bỗng nhiên xúc động mạnh.
Từ hôm ấy, Trinh thường sang nhà cụ Mân chơi hơn. Em thấy cụ buồn thì ngồi nói chuyện, đến bữa thì đi chợ, nấu nước, làm cơm ... Xong việc lại giặt giũ, dọn nhà. Lúc đầu, nhiều người nhìn vào cô bé này còn bảo có vấn đề vì tuổi còn nhỏ mà lại … “đi ở không công cho một cụ già”.
Trinh bỏ ngoài mặc kệ vì cô bé cho rằng, những điều mình làm đang mang lại niềm vui cho người khác. Thấy con mình như vậy, chị Võ Thị Kim Ninh (mẹ của Trinh) cũng rất vui vì con gái mình giàu lòng trắc ẩn.
Thời gian trôi qua, những buổi đến nhà cụ Mân của Trinh ngày càng nhiều hơn. Đã từ lâu, không có người thăm hỏi, chăm sóc, cụ Mân trở nên khó tính. Nhưng từ ngày có Trinh đến chăm sóc, bầu bạn, cụ vui vẻ trở lại.
Bao nhiêu năm nay, sống cô độc một mình, cụ ao ước có người chia sẻ, thật không ngờ, cô bé Trinh đã bất ngờ xuất hiện và đến với bà vào lúc bà cảm thấy cô độc nhất. Cũng từ ngày có Trinh, cụ vơi đi nỗi buồn thường nhật, thay vào đó, trên môi thường xuất hiện những nụ cười móm mém.
Không phải lúc nào Trinh cũng ở với cụ Mân. Hàng ngày, em phải đi học, chăm lo việc nhà cho gia đình. Tuy nhiên, mỗi khi rảnh, em lại chạy sang nhà để giúp đỡ cụ. Bất kể đi đâu, Trinh cũng đảo qua nhà cụ một lát rồi mới yên tâm với công việc của mình.
Có nhiều đêm không yên tâm, em lại dạo qua nhà để xem cụ như thế nào thì mới có thể yên giấc. Mặc dù không họ hàng thân thích, nhưng hơn 2 năm qua, ngày nào, Trinh cũng đến chăm sóc cụ Mân. Mỗi khi cụ đau ốm, em là người nấu, chăm từng muỗng cháo. Thuốc thang cho cụ, em cũng là người lo lắng.
Tuổi già, sức yếu, những cơn bạo bệnh xuất hiện như cơm bữa. Nhưng Trinh không nề hà vất vả. Nhiều lúc, cụ Mân hết gạo, Trinh sẵn sàng chạy về nhà xin cha mẹ một ít đem đến nấu cơm.
Em còn giúp cụ nuôi mấy con gà, đem ra chợ bán rồi đưa tiền cho cụ. Canh mỗi lần dừa trong vườn ra trái, Trinh lấy sào hái đem bán lại dúi vào tay cụ Mân để cụ tiêu dần.
Đến bây giờ, hành động của Trinh đã được rất nhiều người biết đến và thầm cảm phục em. Tuy nhiên, khi nhắc đến điều này, Trinh rất khiêm tốn: “Em thấy cụ Mân có hoàn cảnh khó khăn, chồng con lại không còn nên mới làm như vậy thôi chứ có gì to tát đâu”.
Trinh năm nay là học sinh lớp 10. Trong suốt 9 năm học vừa qua, em luôn là học sinh khá giỏi, chăm ngoan, được bạn bè và thầy cô yêu quý. Năm lớp 9 vừa rồi, Trường THCS Mỹ Hiệp đã tặng giấy khen cho hành động và tấm lòng bao dung của Trinh.
Trong kỳ thi tuyển sinh cấp III vừa rồi, em đậu vào ban A Trường THPT số 1 Phù Mỹ. Đây được xem là một trong những ngôi trường có chất lượng nhất tại địa phương nơi em đang ở.
Trong thời gian gần đây, nhiều em nhỏ tại địa phương đã noi gương, hàng ngày cũng đến chuyện trò, giúp đỡ, chăm sóc bà Mân. Trong đó, phải kể đến các em Võ Thị Thủy Tiên, Phan Thị Loan… Cô bé Trinh giờ đây đã trở thành một tấm gương lớn cho các em nhỏ ở Thôn Bình Tân Tây.