Người đàn ông liệt trong hình hài đứa trẻ

Thứ ba, 16/10/2012, 10:23
45 tuổi nhưng anh Sơn (Thanh Hóa) chỉ cao 60 cm và nặng 30 kg. Dù tay chân bị liệt và đôi mắt bị lòa nhưng người đàn ông ấy vẫn viết nên câu chuyện cổ tích đời mình khiến nhiều người khâm phục.
Hơn hai thập kỷ qua, anh Trịnh Thanh Sơn (xã Nga Lĩnh, Nga Sơn, Thanh Hóa) không đi đâu xa khỏi chiếc giường. Đôi tay, chân gầy guộc khẳng khiu như cành củi khô, mọi sinh hoạt cá nhân từ tắm rửa, ăn uống đến vệ sinh cá nhân anh đều phải nhờ cậy người giúp việc hoặc hàng xóm.
 
Mỗi sáng, người đàn ông này "đánh vật" với việc rửa mặt. Anh lấy chiếc que kẹp vào khuỷu tay, trên đầu que là chiếc khăn quấn chặt sau đó đưa qua đưa lại qua loa nhưng cũng mất cả nửa tiếng mới lau được mặt. Anh nghĩ cách mua điện thoại bàn để cầu cứu mỗi khi ốm đau hay có việc khẩn.
 
Căn bệnh viêm đa khớp khiến chân tay anh Sơn bị teo lại, mọi sinh hoạt đều nhờ người thân, làng xóm. 

Năm một tuổi, mẹ ruột Sơn mất, bố bỏ đi biệt xứ. Cậu bé được vợ chồng ông Trịnh Văn Toại và bà Đồng Thị Xuyên cùng thôn nhận về nuôi. Một ngày cuối tháng 4/1980, năm Sơn lên 10 tuổi, bố nuôi bị bạo bệnh qua đời và cơ thể Sơn bắt đầu có những biểu hiện bất thường của căn bệnh lạ.
 
Đang đi hái lá dâu giúp mẹ nuôi tằm, Sơn bỗng thấy toàn thân đau nhức như kim châm bên trong. Các khớp ở đầu gối, ngón chân, ngón tay sưng tấy rồi cậu khuỵu ngã.

Bệnh viện kết luận, Sơn bị viêm đa khớp nặng, sau này không đi lại được. Người thân đưa cậu đi chữa trị khắp nơi nhưng đều vô vọng. Chân tay Sơn cứ ngày một co quắp, teo tóp lại. Trong thời gian ngắn, cậu bé khoẻ mạnh đang tuổi ăn tuổi lớn ngày nào bỗng trở nên mỏng manh, nhỏ thó như đứa trẻ.

 
Hàng ngày, mẹ nuôi lo cơm nước, tắm rửa, thậm chí cõng Sơn đi vệ sinh... như hồi còn bé. Cứ thế, Sơn lớn lên trong tình yêu thương của người mẹ nuôi cùng quyết tâm "tàn nhưng không phế". Năm 1996, anh Sơn bị viêm giác mạc rồi mù hẳn. Bù lại cho một cơ thể tàn tật, anh lại có trí nhớ hơn người.
 
Vượt lên số phận anh Sơn bắt tay vào làm ăn kinh tế để "không phải mang tiếng là phế nhân và gánh nặng của xã hội". Năm 2002, anh vay mượn bạn bè, họ hàng được 300.000 đồng mở quán nước nhỏ, bán chè khô, kẹo lạc, bánh đa để đỡ đần mẹ.

Những ngày nằm trên giường, chiếc đài cũ trở thành người bạn thân thiết của anh. Nghe đài kể về những tấm gương làm ăn kinh tế giỏi, năm 2006, anh quyết định chuyển hết vốn liếng sang chăn nuôi gia súc, gia cầm.

 
Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp khó khăn, anh Sơn chia sẻ: "Vừa nghe tôi tính chuyện làm ăn, mẹ can ngăn kịch liệt vì sợ con vất vả không kham nổi lại rơi vào cảnh nợ nần. Thuyết phục mãi, bà cũng xuôi ý mình".
 
Nhiều ngày sau, anh nhờ mẹ bế sang nhà bác họ để học cách ấp trứng gia cầm bằng công nghệ lò ấp. Suốt 3 tháng, chàng trai tật nguyền nằm trên giường nghe bác giảng giải kỹ thuật ấp trứng. Nhờ có trí nhớ đặc biệt, những gì bác chỉ bảo anh đều nhớ rất chi tiết và chính xác từng công đoạn nhỏ.
 
"Kết thúc khoá học", anh động viên mẹ cùng anh em, họ hàng góp tiền mua lò ấp trứng và chăn nuôi gà, ngan. Nguồn trứng do gà đẻ ra, anh đem ấp ra gà con để bán cho bà con địa phương.
 
"Năm 2007, trang trại của tôi đã có 150 con gà mẹ, 200 gà thịt. Lò ấp trứng mỗi lần ấp được 5.000 quả trứng cho bà con trong và ngoài huyện. Làm ăn khấm khá, tôi sắm thêm cái máy phát điện, tổng cộng mỗi năm cũng cho thu lời trên 50 triệu đồng", anh Sơn kể.
 
Những năm tiếp theo, ông chủ không tay, không chân, không mắt này còn thuê thêm người giúp việc khi công việc nhiều mẹ không làm xuể. Anh Sơn tâm sự, nằm trên giường, anh chỉ đạo cho người làm thuê cách cho gà ăn, cách ấp trứng theo đúng kỹ thuật. Cuối mỗi tuần, mỗi tháng, anh nhờ người khác ghi chép chi tiết từng khoản để thống kê chi tiêu, nguồn thu.
 
Ngôi nhà kiên cố được xây bằng chính công sức của anh Sơn. 

Loại gà từ lò ấp của anh chủ yếu là giống gà lai chọi, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Bởi vậy, hàng tháng, trang trại của anh nhận được đơn đặt hàng từ Ninh Bình, Nam Định nhờ cung cấp giống gà, vịt. Làm ăn khấm khá, có chút vốn dắt lưng, anh dựng ngôi nhà ba gian vững chắc để mẹ già khỏi lo mỗi khi bão gió về.
 
Cuối năm 2011, mẹ nuôi anh qua đời vì ung thư phổi. Nói đến mẹ, người đàn ông đã ngoài tứ tuần bật khóc: "Người hàng ngày chăm sóc tôi khôn lớn, trưởng thành, là chỗ dựa tinh thần cuối cùng đã bỏ tôi mà đi. Lại một lần nữa tôi phải đối mặt với số phận nghiệt ngã. Quanh tôi, giờ chẳng còn người thân thích".
 
Dòng nước mắt lăn dài trên gò má hõm sâu khiến anh trông tội nghiệp. Nhiều lúc anh cũng định bỏ lại cuộc đời theo mẹ nhưng rồi chột dạ nghĩ lại và "muốn được sống, được làm người có ích". Tật nguyền và hoàn cảnh éo le, anh chẳng khi nào dám mơ về mái ấm gia đình. Từng để ý đến một vài người phụ nữ quá lứa lỡ thì nhưng anh Sơn chẳng dám mở lời với ai vì mặc cảm thân phận tật nguyền.
 
"Nhiều lúc nghe tiếng trẻ con hàng xóm bi bô gọi cha, mẹ thấy lòng trống trải vô cùng. Khát khao một mái ấm gia đình, một người phụ nữ và những đứa trẻ trong căn nhà nhỏ lại cháy bỏng trong tôi. Nhưng rồi sợ người ta dị nghị 'ốc chẳng đèo nổi mình ốc lại còn đèo mình rêu' nên tôi đành chôn chặt nỗi lòng", anh tâm sự.
 
Nói về dự định tương lai, anh Sơn cho biết, mọi vốn liếng dành dụm đều đã dốc hết để chạy chữa cho mẹ nên giờ gần như tay trắng. Muốn mở rộng công việc làm ăn nhưng giờ chẳng ai dám cho anh vay vốn vì sợ thua lỗ không trả được nợ.
 
Chủ tịch UBND xã Nga Lĩnh Ngô Trường Sơn cho biết, hoàn cảnh anh Trịnh Thanh Sơn vô cùng đáng thương, mồ côi cha mẹ, cơ thể tàn tật nên chính quyền thường xuyên cử người tới động viên, chăm nom, phụ giúp việc nhà.
 
"Sơn quá đặc biệt. Dù tàn phế nhưng anh có một nghị lực sống rất phi thường. Ở địa phương anh Sơn là tấm gương sáng về nghị lực cho nhiều bạn trẻ noi theo", ông Chủ tịch xã tỏ ra thán phục.
 
Rồi ông cho biết thêm, địa phương biết anh Sơn rất khó khăn về vốn để chăn nuôi nên nhiều lần xã cũng đã đề nghị ngân hàng xuống thẩm tra làm thủ tục cho vay vốn nhưng ngân hàng trả lời, người vay phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, trong khi anh Sơn không đáp ứng được.


Theo VNE

Các tin cũ hơn