Sau khi sự việc thương lái tận thu nhiều loại dược liệu quý ở một số địa phương để xuất sang Trung Quốc chia kịp lắng xuống, thời gian gần đây, nhiều người dân ở huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên ồ ạt vào rừng đào rễ cây mua. Uớc tính mỗi ngày có hàng chục tấn được đào bán cho thương lái. Đây là nguy cơ lớn đe dọa sự bảo tồn đa dạng sinh học, nhưng cơ quan chức năng không thể xử phạt vì cây mua không nằm trong danh mục cây cần bảo vệ.
Cách đây 2 năm, người dân mới chỉ đào bới rễ cây mua có sẵn trong vườn và xung quanh nhà mình để bán cho các thương lái. Thế nhưng khi giá cao và cây mua đã hết, người dân đổ xô vào khu rừng khai ác ồ ạt. Mỗi ngày hàng chục tấn rễ mua được nhập các điểm thu mua.
Điều đáng nói là thương lái chỉ thu mua phần rễ nhập sang Trung Quốc, còn nguồn dược liệu từ lá, cành, thân thì bỏ phí… gây nguy cơ thất thoát nguồn dược liệu.
Rễ mua phơi hai bên quốc lộ 6, đoạn đi qua huyện Tuần Giáo (Ảnh: KT)
Theo ông Bạc Cầm Phong, Hạt trưởng Hạt kiểm lâm huyện Tuần Giáo, cây mua mọc ở đất trống đồi núi trọc, thuộc cây bụi và không nằm trong danh mục cấm khai thác. Hiện nay, lực lượng kiểm lâm địa phương mới chỉ tuyên truyền vận động người dân không khai thác rễ cây mua.
Hiện, nhiều dược liệu quý hiếm ở các tỉnh miền núi phía Bắc đang bị khai thác kiểu tận diệt và được bán ra nước ngoài với số lượng lớn dẫn đến nguồn dược liệu Đông y quý hiếm bị tận diệt.
Bác sĩ Vũ Đình Việt, Phó Chủ tịch Hội Đông y tỉnh Điện Biên cho rằng, cần khẩn trương có kế hoạch bảo tồn nguồn dược liệu quý gắn với việc giúp người dân có thêm thu nhập, xóa đói giảm nghèo không chỉ riêng tỉnh Điện Biên và ở các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung.
Hiện nay, nhu cầu sản xuất dược liệu chế xuất thuốc trong nước không nhiều, trong khi hàng ngàn tấn dược liệu thô vẫn xuất qua biên giới ở vùng núi phía Bắc. Người dân chỉ thấy cái lợi trước mắt mà bỏ cả sản xuất kéo nhau vào rừng săn tìm các loại cây dược liệu quý, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái bị đe dọa.
Bên cạnh việc tuyên truyền cho người dân và tăng cường quản lý địa bàn của chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn cũng cần vào cuộc nghiên cứu công dụng của những loại cây trên để có hướng quản lý thu mua gắn với bảo vệ, phát triển thành hàng hóa cung cấp ra thị trường trong và ngoài nước…
Trong khi ngành chế xuất dược phẩm trong nước chưa khai thác hết tiềm năng vùng nguyên liệu thì tài nguyên này cần được bảo vệ, trước khi các cánh rừng bị đào xới xơ xác.