"Trả lại của rơi giờ là chuyện lạ"

Thứ tư, 05/12/2012, 14:47
" Tôi rất thích tiền, rất cần tiền, nhưng không ai dở hơi tự nhiên vứt ví ra đường rồi bảo mất để tự nhiên tôi nhặt được...." - bác Bùi Huy Hoàng (56 tuổi, phố Ấu Triệu, Hoàn Kiếm), người trả lại chiếc ví có hàng chục triệu nhặt được, nói.

>>Hà Nội: Đi tập thể dục, nhặt được cả trăm triệu đồng
>>Ba học sinh nghèo trả lại 30 triệu đồng nhặt được 
>>Vợ chồng nghèo trả lại 300 triệu đồng nhặt được
>>Cụ bà nghèo nhặt được dây chuyền vàng trả lại người mất

Ví tôi chưa bao giờ có nổi 200.000 đồng

Người đàn ông không chần chừ trả ngay chiếc ví có hàng chục triệu đồng ấy sống ngôi nhà khoảng 30m2. Gia đình bác Hoàng có 2 cô con gái, con lớn đã có gia đình, con thứ hai đang học lớp 11. Hơn 1 năm nay, do tai biến, bác Hoàng nghỉ làm ở phường ở nhà dưỡng bệnh.

Sống ở trung tâm Hà Nội nhưng cuộc sống của gia đình bác Hoàng cũng rất chật vật. Từ khi bị bệnh, bác tốn không ít tiền thuốc men, hàng tháng bác vẫn phải lấy thuốc, điều trị cũng mất 2-3 triệu, tiền trang trải, lo học hành cho cô con gái hàng tháng cũng khoảng hơn 4 triệu.

Không lương hưu, toàn bộ chi phí phụ thuộc vào số tiền 2,5 triệu lương của bác gái, tiền bán gạo thêm. Gần đây, bác có cơi nới thêm một phòng khoảng vài mét vuông cho công ty thuê cũng được 2-3 triệu/tháng. Như vậy, mỗi ngày, gia đình bác chỉ có 70-80.000 đồng cho 4 người ăn, hai bữa. Bác gái cho biết, phải rất tiết kiệm mới đảm bảo được mức thu chi như vậy.
 
hoang.jpg - 18.72 KB
Bác Hoàng rất thích tiền nhưng không tham của nhặt được

"Tôi không bao giờ có tiền, chưa bao giờ thấy trong ví có nổi 200.000 đồng" - Bác cũng nói rõ, không phải bác không cần tiền: "Tôi rất cần tiền, thậm chí rất thích tiền. Nhưng không có số tiền đó thì hàng ngày chúng tôi vẫn phải ăn, vẫn phải sống. Không ai dở hơi tự nhiên vứt ví ra đường để bảo bị mất rồi để cho tôi nhặt được. Đó là không may, họ khó như mình khó, tôi nghĩ vậy mà không cho phép mình có suy nghĩ lấy nó làm của riêng".

Xã hội giờ không còn nhiều người tin vào lòng tốt

Có thâm niên cả 10 năm trong đội trật tự phường Hàng Trống, bác Hoàng tham gia trấn áp không ít những tên nghiện hút, trộm cặp, cướp giật. Hầu hết người dân trong phường ai cũng nhớ mặt bác, ông già gàn dở hay thích xen chuyện người khác.

Bác kể, những năm trước khi còn đứng đội, nhìn những cảnh bị tai nạn, ngã xe là bác lại chạy tới đỡ, người ta biết cảm ơn. Mấy năm nay, hiện tượng đó nhiều, người đi đường ít dừng lại, ít giúp đỡ, mình cũng bị mắng oan vì "việc của ông à mà ông làm, ai khiến ông làm hay ông già dở hơi làm tắc đường chậm cả mấy phút đưa con đi học...".  Giọng bác buồn thiu nhưng rồi bác lại nói "buồn nhưng phải chấp nhận vì đó là thực tế".

Đây không phải lần đầu bác nhặt được của rơi và mang trả. Cách đây 2-3 năm, bác cũng đã từng trả lại một chiếc điện thoại cho người đi đường làm rơi.

"Tôi chỉ nghĩ đơn giản, lấy của họ làm gì, tiền đó được bao lâu, tất cả chỉ là phù phiếm" - bác Hoàng nói.

Ấy thế nhưng bác mất đồ lại chẳng được người ta mang trả. Khoảng mấy năm trước, bác cũng bị mất ví, mất cả mấy chiếc xe đạp, mất hết tiền, nhưng may giấy tờ thì lại bị vứt lại ở chợ, người dân nhặt được rồi mang trả lại cho bác.

"Tôi không bao giờ hy vọng sẽ được trả lại, nhặt được ví trả lại người bị mất, ngày xưa không ít nhưng bây giờ lại trở thành chuyện lạ. Bởi xã hội giờ khác xưa nhiều rồi, họ không còn tin vào lòng tốt nữa, họ hoài nghi mọi thứ. Mình chỉ nên tin vào mình thôi".

Ở trong hoàn cảnh người bị mất đồ nên bác hiểu mình nên làm gì, dù biết rằng xã hội bây giờ có nhiều chuyện đáng buồn như trên.

"Nhưng không vì thế mà mình giống họ, họ không trả mình vẫn phải trả. Làm vì cái tâm, làm cho lòng mình thanh thản".

 
Sáng 29/11, đang đi tập thể dục trên đường Lý Thường Kiệt (Hà Nội), ông Bùi Huy Hoàng (56 tuổi, phố Ấu Triệu, Hoàn Kiếm) nhìn thấy một chiếc ví màu nâu đất, rơi cách lề đường khoảng 30m. Cúi xuống nhặt thấy chiếc ví rất dày, nặng ông mang lại một trạm gác nhờ công an kiểm tra hộ.

"Tôi nhờ anh công an kiểm tra, bên trong có 9,7 triệu tiền mặt, 12 đồng tiền USD, sổ tiết kiệm 20 triệu, bằng lái xe ô tô A1 và nhiều giấy tờ quan trọng khác mang tên P.T.Y. Sau đó, anh này khuyên tôi lên sang công an phường Trần Hưng Đạo làm thủ tục trình báo", bác Hoàng kể lại.

Đại diện công an phường Trần Hưng Đạo cho biết, cơ quan công an đã tìm cách liên lạc với chủ nhân chiếc ví trên thông qua ngân hàng, chị Y. quê Hải Dương, nhưng hiện đang sống tại Lý Thường Kiệt.

Sáng 30/11, tại công an phường, ông Hoàng đã trao lại tận tay chiếc ví cho chủ nhất đánh mất. "Tôi không biết mình bị mất và cũng không mong tìm lại được, nhưng khi nhận được điện thoại của công an tôi mừng quá", chị P.T.Y xúc động nói.

Nhận lại được chiếc ví, chị Y cũng bày tỏ lòng cảm ơn và xin lại số điện thoại của bác Hoàng hứa khi nào lên Hà Nội sẽ ghé qua nhà để cảm ơn.

Nhiều người dân quanh nhà bác Hoàng nhận xét, bác vốn xưa nay là người rất tốt tính. Đây không phải lần đầu bác nhặt được của rơi mà đem trả lại, cách đây một vài năm khi còn làm trật tự phường bác cũng nhiều lần làm việc này.

Theo bà Hà (hàng xóm), tính tình bác Hoàng thì cả khu phố biết, thật thà, hiền lành. Cách đây 1 năm, bác bị tai biến mạch máu não nên tiền của đổ vào chữa bệnh không ít. Giờ hàng ngày, bác đi bộ đề rèn luyện sức khỏe, phụ giúp gia đình.

Theo Phunutoday

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn