Đi tìm Sài Gòn tương lai

Thứ tư, 05/12/2012, 13:35
Nhiều người yêu mến Sài Gòn đã phải băn khoăn khi Viện Nghiên cứu Phát triển công bố kết quả một thăm dò gần đầy về những địa điểm gây ấn tượng và được nhớ đến nhiều nhất của Sài Gòn đối với người dân địa phương.

>> Đô thị hóa ở TP.HCM - Bài 1: Gương mặt mới
>> Đô thị hóa ở TP.HCM - Bài 2: Còn đó nỗi lo
>> Đô thị hóa ở TP.HCM - Bài 3: Nên áp dụng quy hoạch “cắt lớp”
>> Những đổi thay từ đô thị hoá ở TP.HCM

Năm công trình được nhắc đến nhiều nhất (Chợ Bến Thành, Nhà Thờ Ðức Bà, Dinh Thống Nhất, Bến Nhà Rồng, và Trụ sở Ủy ban Nhân dân thành phố) đều được xây dựng từ nhiều chục năm đến hàng trăm năm trước. Cho thấy, trong khi các kiến trúc mới chưa tạo được dấu ấn, các công trình lịch sử vẫn đóng vai trò quan trọng trong ký ức bản sắc.

 
Việc các trung tâm thương mại và công viên được người dân nhắc đến nhiều hơn hết so với các loại công trình khác phản ánh sinh hoạt giải trí của người Sài Gòn ngày nay vẫn chưa phong phú như các nước tiên tiến.

Các công trình văn hóa (bảo tàng, nhà hát) thể thao, giáo dục (trường tiểu, trung học và đại học), và dịch vụ đa chức năng... ít được nhắc đến không phải vì không cần thiết, mà bởi chúng chưa được đầu tư đúng mức về lượng và chất để có thể tạo dấu ấn trong tâm tưởng người dân.

 
Qua báo chí, có thể thấy giới trẻ thường liên tưởng "phong cách sống đẳng cấp" với áo quần trang sức hàng hiệu, xe hơi, căn hộ trên cao đắt tiền...

Có chăng một "phong cách sống đẳng cấp" mà mọi người dân đều có thể tiếp cận, nhưng lại không cần những thứ hào nhoáng bề ngoài đó?

Câu trả lời có lẽ nằm ở việc tổ chức những không gian sống, trong đó mọi tầng lớp người dân đều có cơ hội để tìm thấy những không gian phù hợp với phong cách sống của mình.

Chúng ta hãy thử cùng nhau du hành tưởng tượng vào những không gian sống đa phong cách ở khu trung tâm Sài Gòn trong thế kỷ XXI.

 
24.jpg - 24.25 KB

Ảnh: Nguyễn Thế Dương

Không gian đa chức năng và Không gian xanh của Lõi lịch sử
 
Sài Gòn ngày nay là một trong những đô thị năng động và phát triển nhanh nhất thế giới. Do đó, chúng ta cần xác định khu vực trung tâm lịch sử để bảo tồn - nâng cấp và bảo vệ di sản trước áp lực của làn sóng nhà cao tầng.

Song song với việc lập danh sách các công trình cần bảo tồn, cần xác định ranh giới không gian lõi trung tâm lịch sử theo giới hạn bởi các con đường "Lê Duẩn - Hai Bà Trưng - Nguyễn Du - Tôn Ðức Thắng - Lê Duẩn - Nguyễn Bỉnh Khiêm - bờ sông Sài Gòn - TônÐức Thắng - Lý Tự Trọng - Ðồng Khởi - Lê Thánh Tôn - Nguyễn Trung Trực - Nguyễn Du - Huyền Trân Công Chúa - Nguyễn Thị Minh Khai - Lê Quý Ðôn - Võ Văn Tần - Phạm Ngọc Thạch - Lê Duẩn".

Việc này rất quan trọng để bảo tồn bản sắc Sài Gòn xưa, trong khi bản sắc hiện đại và độc đáo của một TP.HCM mới trong thế kỷ XXI chưa được định hình.

 
Khu lõi trung tâm lịch sử là nơi mà giới trẻ và du khách có thể tìm về những không gian đặc thù, đã từng đem lại cho Sài Gòn danh tiếng "Hòn ngọc Viễn Ðông", cũng như các công trình mang đậm dấu ấn kiến trúc Việt truyền thống, kiến trúc Pháp, kiến trúc Ðông Dương, và kiến trúc hiện đại Việt Nam trong thế kỷ XX.
 
Các nhà đầu tư thiên về "tư duy mét vuông" đừng băn khoăn về câu hỏi lợinhuận có kém đi so với việc phá bỏ công trình cổ để xây nhà cao tầng, nếu như họ học hỏi từ thành công của các khu trung tâm lịch sử nổi tiếng (Paris, khu phố cổ Montréal, và khu Xintiandi - Thượng Hải), thường được tổ chức như những khu vực văn hóa, dịch vụ và giao tiếp xã hội đa chức năng hấp dẫn nhất thành phố.

Các công trình và cảnh quan lịch sử được bảo tồn, sinh hoạt của khu vực được tổ chức lại phong phú, từ quán café, nhà hàng, cửa hàng các loại, cho đến bảo tàng, nhà triển lãm, sân khấu nhỏ, khu sinh hoạt văn nghệ ngoài trời, chợ đêm, festival ...

 


Ảnh: Nguyễn Thế Dương

Phát triển thành siêu đô thị gần 10 triệu dân từ một thành phố 500 ngàn dân nhưng diện tích công viên khu trung tâm hầu như không gia tăng. Việc tổ chức lại không gian lõi trung tâm lịch sử như không gian xanh đa chức năng ưu tiên cho người đi bộ và xe đạp là địnhhướng vừa khả thi, vừa cần thiết cho sự phát triển của thành phố.
 
Không gian cao tầng
 
Cho đến gần cuối thế kỷ XX, Sài Gòn vẫn chưa có nhiều nhà cao tầng. Do đó khu vực lõi cao tầng trung tâm, giới hạn bởi "Lê Lợi - Tôn Ðức Thắng kéo dài qua cầu sang Thủ Thiêm - Trục đường vòng cung Thủ Thiêm - Trục đường Hàm Nghi kéo dài qua cầu sang Thủ Thiêm - Lê Thánh Tôn" sẽ có thể là không gian hiện đại rất đặc trưng, đánh dấu cho giai đoạn phát triển thế kỷ XXI của thành phố này.
 
Không gian trên cao chỉ có thể tạo được giá trị đẳng cấp khi gắn với hạ tầng kỹ thuật tốt, giao thông không ách tắc, kết nối giao thông công cộng và đi bộ thuận tiện, tầm nhìn xa không bị che khuất, tầm nhìn gần không gây ảnh hưởng đến sự riêng tư, và tỷ lệ khônggian xanh tương ứng với tỷ lệ tổng diện tích sàn.

Một số khu cao tầng được quảng cáo là "cao cấp" hiện nay được xây dựng quá dày đặc, nên sẽ lộ ra chân giá trị của mình trong thời gian không xa.

 
Ở  khu lõi đô thị mới Thủ Thiêm, không nhất thiết phải kết nối với không gian ngầm như khu lõi bờ Tây, nhưng có thể kết nối không gian đi bộ trên cao giữa các tòa nhà, phối hợp với vườn treo và hồ bơi ngoài trời trên cao, vừa mang lại những không gian sống thú vị, vừa rất bền vững.
 
Không gian sự kiện
 
22.jpg - 43.19 KB

Ảnh: Nguyễn Thế Dương 

Trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, nhu cầu tổ chức các sự kiện xã hội ngày càng trở nên đa dạng và phức tạp hơn.

Khu vực lõi trung tâm hai bờ Ðông Tây, kết nối bằng tuyến đường vòng qua cầu Tôn Ðức Thắng và cầu Hàm Nghi, tạo tiền đề quan trọng cho không gian tổ chức sự kiện mang tầm vóc quốc tế.

Tuyến đường vòng này vừa giúp người dân đi đến mọi nơi trong khu trung tâm, vừa có thể là nơi tổ chức các cuộc diễu hành theo chủ đề vào dịp lễ hội, hoặc tổ chức chạy marathon gây quỹ từ thiện.

 
Trục Nguyễn Huệ nên tiếp tục được ưu tiên cho đường hoa Tết Âm lịch hằng năm.

Trục tam giác Lê Lợi - Nguyễn Huệ - Hàm Nghi cùng với khu vực quảng trường công viên hai bên bờ sông, và với khoảng không gian nước giữa hai bờ, là nơi tổ chức các sự kiện đón mừng năm mới, mừng Quốc khánh, hội chợ và các lễ hội ngoài trời khác. 

Khu vực quảng trường xanh Thủ Thiêm sẽ là nơi tổ chức các sự kiện chính trị xã hội quan trọng và các lễ hội xanh.

Ðể tránh tình trạng ách tắc giao thông trong thời gian tổ chức sự kiện, người dân được khuyến khích gửi xe tập trung ở khu vực ranh quận 1 hoặc ở phía Thủ Thiêm và đi bộ sang khu lõi trung tâm.

 
Không gian động và không gian tĩnh
 
Không gian đô thị Việt vốn là động, với người đông đúc xung quanh, kẹt xe, tiếng ồn, ... Nhưng đỉnh điểm của nó có lẽ là những không gian động 24 giờ tại các khu vực giao lưu quốc tế (Khu tây ba lô ở Phạm Ngũ Lão, khu phố Nhật ở Lê Thánh Tôn... ), nơi các hoạt động không giảm sau giờ làm việc, mà lại gia tăng và kéo dài đến quá nửa đêm, và thậm chí có thể suốt đêm nếu được chính quyền cho phép.
 


Ảnh: NVDCO

Những không gian động 24 giờ như thế khá phổ biến tại các thành phố năng động trên thế giới, trong đó có những người ngủ ngày để đêm làm việc với đối tác nước ngoài vì lệch giờ. Thành phần thụ hưởng không gian này còn là khách phương xa dừng chân thư giãn khi đến thành phố hoặc thanh niên đến vui chơi.
 
Dường như ít ai để ý rằng không gian tĩnh trong thành phố hiện gần như không còn. Tuy đối lập với không gian động nhưng cả hai lại bổ sung cho nhau, giúp mang lại cân bằng cho cuộc sống.

Phát triển những không gian tĩnh trong tương lai nên theo hướng kết hợp giữa những công trình có chức năng tĩnh, gắn liền với thiên nhiên, có thể gồm khu vực có nhiều công trình tôn giáo trên đường Tôn Ðức Thắng, khu vực Thảo Cầm viên mở rộng về phía bờ sông, dải công viên dọc hai bờ sông, quảng trường xanh và khu vực bảo tồn sinh thái phía Nam của Thủ Thiêm.

Ðó là nơi lý tưởng để những cặp tình nhân đi dạo, người lớn tuổi thiền hành, còn các gia đình cùng nhau vui đùa hoặc ăn uống trên bãi cỏ.

 
Không gian nước
 
Vào cuối thế kỷ XX, phát triển khu trung tâm thành phố gần như quay lưng lại với bờ sông. Nhưng các đề xuất dự án cao ốc mới gần đây, trải dài suốt bờ Tây từ khu cảng Sài Gòn (sẽ giải tỏa di dời) cho đến cao ốc Saigon Pearl (đường Nguyễn Hữu Cảnh) không chỉ tạo ra bức tường thành chắn tầm nhìn ra sông của các kiến trúc khác ở bờ Tây, mà còn ngăn cản gió mát thổi vào, làm mát cho đô thị.

Cao ốc bờ Tây chỉ nên xây dựng trong khoảng giới hạn từ đường Hàm Nghi đến Tôn Ðức Thắng, không nên quá cao, và ít nhất 5 tầng dưới cùng của các kiến trúc này cần phải mở thoáng ra bờ sông.

 
Các công trình có độ cao vừa phải lẫn trong hàng cây xanh và nhìn ra sông, tạo nên mặt tiền mang đậm bản sắc của một đô thị ven sông.

Nhờ vậy, người dân có thể tham gia vào các hoạt động như đua thuyền, biểu diễn ca nhạc, bắn pháo hoa trên sông...  trong khoảng giữa hai cầu Hàm Nghi và Tôn Ðức Thắng, hoặc dùng buýt đường sông để đến các không gian nghỉ dưỡng yên tĩnh ven bờ Quận 7, Quận 2, Thanh Ða, và Bình Dương.


 
Theo Lifestyle - Phong Cách Sống

Các tin cũ hơn