Quần đảo Điếu Ngư/Senkaku tiếp tục trở thành “mục tiêu tấn công” của Trung Quốc trong cuộc chiến chủ quyền biển đảo.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cùng nằm cách Nhật Bản và Trung Quốc Đại lục 200 hải lý. Hiện quần đảo này nằm dưới sự kiểm soát của Nhật Bản nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố có chủ quyền. Căng thẳng tranh chấp chủ quyền quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bùng phát sau khi chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa 3 trong số 5 đảo thuộc chuỗi đảo đá không người ở này.
Cục Hải dương Quốc gia Trung Quốc (SOA) cho biết cuốn sách mới phát hành của Trung Quốc liệt kê tên chính thức bằng tiếng Trung của 71 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó có đảo Điếu Ngư và một số thực thể địa lý khác trên vùng biển xung quanh.
Sách cũng ghi rõ diện tích, chiều dài-rộng, vị trí, biểu đồ kèm theo các bức ảnh và đồ họa đa chiều của 71 hòn đảo này.
Cuốn sách khẳng định quần đảo Điếu Ngư là phần lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc kể từ thời cổ đại.
Đây là động thái nguy hiểm tiếp theo của Trung Quốc trong việc khẳng định chủ quyền gây tranh cãi trên các vùng biển trong khu vực. Trước đó, nước này cho lưu hành hộ chiếu mới có in chìm “đường lưỡi bò” ôm trọn Biển Đông, đồng thời phát hành trái phép bản đồ của cái gọi là “thành phố Tam Sa” được thành lập trên quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam với cơ quan hành chính đặt tại đảo Phú Lâm cũng thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Trung Quốc chiếm đảo Phú Lâm của Việt Nam trong cuộc xung đột năm 1974 và đặt tên là đảo Vĩnh Hưng. Thời gian qua, nước này cũng không ngừng đẩy mạnh các hoạt động xây dựng cơ sở hạ tầng trên hòn đảo này để phục vụ cái gọi là “đơn vị hành chính Tam Sa”.
Đức Vũ
Theo Dantri