Điều cần biết về chuột cống mang virus gây suy thận
Thứ tư, 05/12/2012, 13:28
Ngày 17/10 vừa qua, một người đàn ông tên là T. (55 tuổi, cư ngụ tại đường Trần Văn Đang, P.9, Q.3, TP.HCM) được gia đình đưa vào Bệnh viện (BV) Nhiệt đới TP.HCM với các triệu chứng sốt cao kéo dài. Sau 1 ngày theo dõi điều trị, bệnh nhân có dấu hiệu suy thận.
Theo lời bệnh nhân, ông bị chuột cắn lúc đang ngủ. Xét nghiệm máu cho thấy người bệnh nhiễm một loại virus tên Hanta, có trong chuột.
Ngoài ông T., một thanh niên tên P., 16 tuổi cũng bị chuột cắn. Cả hai đều sốt cao trong suốt 3 ngày, có nhiều biểu hiện giống sốt xuất huyết.
Sau đó, ông T. được đưa vào BV Nhiệt đới, biến chứng suy thận do virus Hanta, còn P. vào BV quận Phú Nhuận. Bác sĩ Nguyễn Thanh Sơn - Giám đốc BV quận Phú Nhuận cho biết, kết quả xét nghiệm của Viện Pasteur cho thấy bệnh nhân P. âm tính với virus Hanta. P. chỉ bị sốt xuất huyết.
Tiến hành khảo sát, Viện Pasteur đã bắt ngẫu nhiên 25 con chuột ở khu vực xung quanh nhà bệnh nhân T. làm xét nghiệm.
Bác sĩ Lý Huỳnh Kim Khánh, phụ trách Khoa Động vật, côn trùng y học, Viện Pasteur TP.HCM, cho biết, việc xét nghiệm chuột được thực hiện sau khi bệnh nhân T. nhiễm virus Hanta do chuột cắn.
Kết quả là 3 mẫu chuột cống dương tính với virus Hanta. Theo Tiến sĩ, bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM thì 3 con chuột nhiễm virus Hanta đều có lông màu nâu.
Virus Hanta có nguồn gốc từ sông Hantan, ở phía nam Hàn Quốc, được bác sĩ Ho Wang-le phát hiện vào cuối thập niên 70 của thế kỷ trước và năm 1994, người ta ghi nhận những bệnh cảnh đầu tiên tại Canada. Nó có trong nước bọt, nước tiểu, phân chuột. Ngay cả khi chết, xác chuột vẫn có thể truyền virus sang người nếu sờ mó vào chuột.
Theo bác sĩ Võ Minh Quang, Phó Phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhiệt đới TP.HCM, thì: "Virus Hanta có trong chất bài tiết của chuột bị nhiễm bệnh như nước tiểu, phân, nước bọt. Nếu niêm mạc ở mắt, mũi, miệng, hoặc vùng da bị trầy xước của con người tiếp xúc trực tiếp với các chất bài tiết này, cũng như hít vào hoặc bị chuột cắn thì đều mắc bệnh".
Khi xâm nhập vào người, virus Hanta có thời gian ủ bệnh từ 2 - 6 tuần. Sau đó, bệnh nhân sẽ khởi phát các triệu chứng, gồm sốt kéo dài, ớn lạnh, tiêu chảy, mệt mỏi, nhức đầu, buồn nôn, đau bụng, đau lưng, ho, khó thở và đi tiểu ít (thiểu niệu). Nếu không được điều trị, virus Hanta có thể gây suy gan, suy thận cấp, hội chứng phổi HPS (Hanta virus Pulmonary Syndrome).
Bệnh thường tự khỏi trong khoảng từ 7 - 10 ngày nhưng nếu đã suy gan, suy thận cấp hoặc bị hội chứng phổi HPS, người bệnh có thể tử vong rất nhanh.
Điều may mắn là bệnh do virus Hanta không lây truyền từ người sang người. Hiện tại, vẫn chưa có vắc xin phòng virus Hanta.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Trường, Trưởng Khoa nhiễm D, BV Nhiệt đới TP HCM, từ đầu năm đến nay, BV đã tiếp nhận 2 trường hợp bị nhiễm virus Hanta từ chuột - trong đó có ông T, nhưng do phát hiện và điều trị kịp thời nên không xảy ra biến chứng.
Tiến sĩ - bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, cho biết kế hoạch diệt chuột đã được triển khai từ 2 tuần trước, ngay sau khi bệnh nhân T nhập viện do chuột cắn.
Hiện tại, Trung tâm Y tế Dự phòng thành phố đã cấp phát hóa chất cho bộ phận Y tế dự phòng ở các quận, huyện để tiêu diệt chuột, đồng thời yêu cầu y tế các quận, huyện tích cực chú ý loại chuột cống có khả năng mang virus gây viêm thận mà Viện Pasteur TP.HCM vừa phát hiện, cũng như tuyên truyền đến người dân những phương cách diệt chuột, phòng chuột cắn và xử lý các điểm có nhiều chuột trên địa bàn.
Thực tế, ngoài virus Hanta, loài chuột cống còn là nguyên nhân gây ra gần 40 bệnh ký sinh trùng và vi sinh vật khác nhau, trong đó có những bệnh nguy hiểm chết người như bệnh dịch hạch do bọ chét sống ký sinh trên thân chuột, bệnh uốn ván và có thể có cả bệnh dại, các bệnh nhiễm giun, sán gây viêm màng não, viêm gan.
Ngoài ra, bệnh nhân còn bị nhiễm trùng máu qua vết cắn, cào, bệnh Sodok do xoắn khuẩn có trong nước bọt chuột. Khi bị chuột cắn, xoắn khuẩn theo máu vào gan, thận, tinh hoàn, buồng trứng, gây ra từng đợt sốt kéo dài.
Tại TP.HCM, chuột có mặt hầu như mọi nơi, kể cả những chung cư cao cấp lẫn các khu nhà lụp xụp, trong đó chúng sống tập trung nhiều nhất tại các chợ, bến xe, kho bãi, các nhà trọ, dọc ven bờ các con kênh.
Một trong những nguyên nhân gây ra hiện tượng này là người dân vẫn có thói quen vứt rác bừa bãi, hoặc rác không được cho vào thùng có nắp đậy, mà chỉ đựng trong những bịch nilon, để qua đêm tới sáng mới có bộ phận vệ sinh đến thu gom, dọn dẹp nên đây là nguồn thức ăn lý tưởng cho chuột.
Tuy mới chỉ xuất hiện 2 trường hợp, và bệnh không lây từ người sang người nên khó phát triển thành dịch nhưng thông thường, khi một con chuột nhiễm virus Hanta thì tốc độ lây truyền sẽ rất nhanh theo cơ chế lây ngang.
Theo cơ chế ấy, chỉ cần một con bị nhiễm là cả đàn có thể bị nhiễm. Nếu đàn chuột ấy tấn công người thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng vì rằng đến nay vẫn chưa có vắc xin đặc trị ngừa loại virus này.
Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ - Phó giám đốc Trung tâm Y tế Dự phòng TP.HCM thì thời điểm hiện tại, việc diệt chuột là rất hợp lý bởi lẽ mùa sinh sản của chuột thường vào tháng 4, tháng 5 hàng năm. Nếu tích cực diệt từ bây giờ, sẽ làm giảm tối đa mật độ chuột dẫn đến số lượng chuột sinh ra vào những lứa sau cũng giảm theo.
Để phòng tránh chuột cắn, người dân cần giữ vệ sinh nhà cửa, đậy kín các loại thức ăn, thùng rác để chuột không thể moi móc được.
Ở những nơi có chuột, ngoài việc đặt bẫy, nếu sử dụng hóa chất thì cần phải tuân theo khuyến cáo của cơ quan chuyên môn. Không phun, rắc bừa bãi, tránh nguy cơ làm ô nhiễm môi trường, vật nuôi khác. Khi ngủ, nên đóng kín cửa hoặc mắc màn để tránh chuột có thể chui vào cắn người.
Nếu chẳng may bị chuột cắn, nên rửa vết cắn bằng nước sạch rồi đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị. Tuyệt đối không chữa theo các phương pháp dân gian như "khoán", "lấy nọc", đắp thuốc lá cây.
Bên cạnh đó, khi thấy xuất hiện các triệu chứng giống như sốt xuất huyết nhưng trước đó, đã có tiếp xúc với xác chuột chết, hoặc phân, nước tiểu chuột, hoặc các vật liệu mà chuột dùng làm tổ thì cũng cần đi khám ngay.
Nếu phát hiện nhiễm virus Hanta và điều trị sớm, người bệnh sẽ phục hồi trong khoảng từ 8 đến 10 ngày, không ảnh hưởng đến thận và không xảy ra biến chứng.