Hà Nội: Thu nhập 3 triệu thừa ăn tiêu, để dành được 1 triệu
Thứ sáu, 07/12/2012, 16:39
Với nhiều cô gái trẻ, mức thu nhập 3 triệu/tháng không đủ chi tiêu trong nửa tháng. Nhưng với cô sinh viên 21 tuổi Phạm Thị Thu Hà thì thu nhập 3 triệu/tháng, cô thừa ăn tiêu ở Hà Nội và vẫn để dành được 1 triệu.
Đây là chia sẻ thật lòng của cô sinh viên Phạm Thị Thu Hà, 21 tuổi. Hiện Hà đang là sinh viên năm cuối trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.
Năm đầu đại học, khi chưa đi làm thêm, tháng nào Hà cũng được bố mẹ gửi cho khoảng 2 triệu/tháng để chi tiêu. Với số tiền này, Hà vẫn đủ để chi trả tiền nhà, tiền điện, tiền net và ăn tiêu hàng tháng tại Hà Nội.
Phải tự thân vận động 1 mình dưới Hà Nội, cô sinh viên quê Hưng Yên này cho biết: “Chi tiêu trong số tiền này hàng tháng bố mẹ cho trên, em chẳng thấy thiếu thốn gì. Thậm chí có tháng chi tiêu dè xẻn, ít tiêu vặt linh tinh, em vẫn còn thừa tiền. Là sinh viên sống xa nhà, chưa tháng nào em tiêu trên mức 2 triệu/tháng”.
Phạm Thị Thu Hà, 21 tuổi, sinh viên trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.
Cụ thể, mức chi tiêu 1 tháng của Hà như sau:
- Tiền thuê nhà: 600k (Thuê chung 1 phòng 15m với 1 người bạn khác ở cách trường học 7km)
- Tiền đổ rác: 30k
- Tiền nước: 80k
- Tiền điện: 60k
- Tiền net: 40k
- Tiền ăn: 1 triệu
- Tiền xăng + chi tiêu linh tinh: 300k
Theo cô sinh viên giản dị này chia sẻ, với những sinh viên bình thường như Hà thì chỉ cần số tiền ấy mỗi tháng là đã đủ chi tiêu.
Bởi vì: “Hàng tuần, ngoài việc học và làm thêm, em rất ít khi tụ tập bạn bè nên cũng không tốn kém. Em cũng là đứa không hay mua sắm và nếu có mua em cũng chỉ mua hàng bình dân. Chưa kể, thi thoảng về nhà, em còn được bố mẹ cho thêm 200-300k nữa. Do đó, em chi tiêu khá xông xênh ở Hà Nội sau khi đã trừ hết các khoản chi phí”.
Để tự lập hoàn toàn, ngay từ năm 2 đại học, cô gái nhỏ nhắn này đã tìm việc làm thêm bằng cách trở thành cộng tác viên partime cho một số báo điện tử. Từ đó, thu nhập từ việc làm thêm của Hà cũng đủ để cô không phải xin tiền tiêu từ bố mẹ như khi học năm đầu nữa.
Hiện, với sự cố gắng không ngừng, Hà đang vừa học vừa làm thêm tại một website báo điện tử. Mức lương khởi điểm còn khiêm tốn (khoảng hơn 3 triệu/tháng) nhưng với cô sinh viên này, mức lương này đã giúp cô tồn tại khá thoải mái tại Hà Nội. Thậm chí, Hà còn thừa ăn thừa tiêu khoảng 1 triệu/tháng.
“Tiền dư sẽ tiết kiệm để dành mua xe ga, lap hay các vật dụng khác”
Hỏi về số tiền dư từ 1 đến hơn 1 triệu/tháng, Hà sẽ sử dụng thế nào, Hà chia sẻ luôn: “Mỗi tháng sau khi chi tiêu xong, em dư được khoảng 1 triệu. Vì không muốn phụ thuộc vào bố mẹ nên số tiền này em thường để dành trong tài khoản phòng lúc ốm đau cơ nhỡ cần thăm khám hoặc gom lại để dành tiền mua cho bản thân một con xe ga, hoặc điện thoại đẹp hơn. Thi thoảng em cũng mua quà biếu bố mẹ".
Để chi tiêu hợp lý và tiết kiệm được 1 khoản, bản thân Hà và cả những cô gái trẻ chưa lập gia đình nên:
“Tiền dư sẽ tiết kiệm để dành mua xe ga, lap hay các vật dụng khác”
- Luôn ý thức chi tiêu tiết kiệm để chia sẻ gánh nặng kinh tế với ba mẹ ở nhà.
- Mỗi đầu tháng bớt thời gian ngồi liệt kê những thứ cần mua trong tháng. Ưu tiên mua những vật dụng cần thiết (Ở trọ cũng không cần sắm sửa quá nhiều đồ vì khi chuyển phòng sẽ rất mệt và vất vả).
- Tính toán cẩn thận để đủ trả tiền phòng và các khoản chi tiêu khác/tháng.
- Chịu khó đi xe đạp đi học, đi làm vừa tăng cường sức khỏe, vừa tiết kiệm được một khoản xăng xe.
- Chăm chỉ chịu khó chợ búa, bếp núc hàng ngày thay vì ăn cơm quán. Như vậy vừa rẻ vừa đảm bảo ăn uống sạch sẽ.
"Tuy không áp dụng đi chợ 1 ngày hết bao tiền cụ thể nhưng em luôn liệu cơm gắp mắm. Ví như hôm nay ăn ngon thì ngày mai chỉ ăn đơn giản như rau + đậu phụ sốt" - Hà cười nói.