Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: Một số giải pháp chống tham nhũng còn hình thức

Thứ sáu, 07/12/2012, 15:49
Bên lề của đối thoại phòng chống tham nhũng lần thứ 11, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng, sở dĩ vẫn có nhiều ý kiến cho rằng phòng, chống tham nhũng (PCTN) của chúng ta vẫn "nói nhiều làm ít”, là vì trong 9 giải pháp PCTN vẫn còn có một vài giải pháp mang tính hình thức, khiến kết quả chống tham nhũng chưa sâu, chưa triệt để.
 
PV: Thưa ông, là cơ quan tham mưu cho Chính phủ về công tác PCTN, tại sao đối thoại PCTN lần thứ 11 lại nhấn vào địa phương chứ không làm từ cấp Trung ương trở xuống?
 
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh: Đã qua 11 đối thoại PCTN để nhận được những ý kiến rộng rãi của chuyên gia trong và ngoài nước tham vấn về chính sách, giải pháp cho công tác PCTN và mỗi một năm chúng tôi lại chọn một chủ đề.

Năm nay đối thoại lần thứ 11 chúng tôi lấy tiêu đề là công tác PCTN tại địa phương thực trạng và giải pháp. Sau cuộc đối thoại này, chúng tôi sẽ tổ chức các cuộc thảo luận về công tác PCTN ở rất nhiều địa phương để bàn cũng như tìm các biện pháp chống tham nhũng cho hiệu quả.
 
Tại cuộc đối thoại, nhiều đối tác nước ngoài đã "phê” rằng cách tiếp cận của chúng ta về PCTN là chưa đúng, chưa trúng chưa mang lại hiệu quả thiết thực. Thậm chí chúng ta vẫn chưa hành động thực khiến nạn tham nhũng không giảm, ông bình luận gì về ý kiến này?
 
- Không chỉ trong cuộc đối thoại này chúng tôi mới được tiếp nhận những ý kiến đóng góp cho công tác PCTN một cách sâu sắc như vậy, mà trong hầu hết các cuộc đối thoại đã được tổ chức, chúng tôi đều nhận được những ý kiến tham góp cho công tác PCTN của chúng ta. Về công tác PCTN, có thể nói, chúng ta đã có chủ trương, Nghị quyết, các Luật đã được ban hành cho công tác này.

Điều đó đã thể hiện quyết tâm chính trị rất cao của Đảng, Nhà nước cho công tác PCTN. Việc tháng 11 vừa qua Quốc hội vừa thông qua Luật PCTN sửa đổi, rồi một loạt các luật khác kèm theo như, Luật Khiếu nại, tố cáo, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư công, Luật Hình sự sửa đổi...đã đề cập rất sâu đến các giải pháp chống tham nhũng.

Trên cơ sở các luật này Chính phủ Việt Nam cũng đã có cam kết Công ước Liên Hợp Quốc về xây dựng chiến lược quốc gia đến năm 2020 về PCTN. Theo tôi, đây là những hành động cụ thể của Việt Nam trong công cuộc chống tham nhũng.
 
Trong bài phát biểu của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng đánh giá cao ý kiến của Đại sứ Đan Mạch rằng: Chúng ta cần phải có hành động cụ thể hơn là nói, vậy thời gian tới chúng ta cần có hành động thiết thực gì để PCTN hiệu quả đem lại lòng tin cho nhân dân?
 
Công cuộc PCTN diễn ra trên toàn cầu chứ không riêng ở Việt Nam. Công tác chống tham nhũng đối với cá nước cũng gặp rất nhiều khó khăn. Riêng ở Việt Nam với quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước toàn dân đã có nhiều giải pháp chống tham nhũng được đưa ra.

Đặc biệt Chính phủ vừa sơ kết 5 năm Luật PCTN. Thông qua sơ kết Chính phủ cũng đã nhận thấy còn nhiều hạn chế, khuyết điểm trong công tác này. Trên cơ sở những hạn chế, khuyết điểm đã được vạch ra cộng với việc tiếp nhận những ý kiến tham góp cho công tác PCTN tại các cuộc đối thoại tôi tin tưởng rằng các nhiệm vụ PCTN sắp tới sẽ đạt kết quả tốt hơn.
 
Nhiều ý kiến cho rằng, người tố cáo tham nhũng vẫn không được bảo vệ. Vậy bao giờ quy chế bảo vệ người tố cáo tham nhũng ra đời để bảo vệ họ một cách hữu hiệu?
 
- Trước đây, Chính phủ cũng có ban hành nghị định 76 về bảo vệ người tố cáo. Có thể nói, các cáp các ngành rất quan tâm đến công tác bảo vệ người tố cáo nhưng dù sao chúng ta cũng phải thừa nhận với nhau những quy định trong nghị định này vẫn chưa bảo vệ được người tố cáo, đặc biệt là người tố cáo tham nhũng.

Nhận thấy những bất cập này Quốc hội vừa thông qua Luật tố cáo. Trong các văn bản này đều có quy chế để bảo vệ người tố cáo nói chung, và người tố cáo tham nhũng nói riêng. Trên cơ sở luật, Chính phủ sẽ ban hành nghị định, thông tư với những hướng dẫn cụ thể để các cấp, các ngành thực hiện luật Tố cáo có hiệu quả.
 
Trân trọng cảm ơn ông!

Theo Daidoanket

Các tin cũ hơn