Trung Quốc vu cáo Việt Nam trong vụ tàu Bình Minh 02

Thứ sáu, 07/12/2012, 14:36
Sau khi các tàu cá của Trung Quốc làm đứt cáp tàu Bình Minh 02, hôm qua Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng tàu của Việt Nam đuổi tàu cá Trung Quốc, và đưa ra đòi hỏi vô lý đòi Việt Nam ngừng hoạt động khai thác dầu khí trên Biển Đông.
Ông Hồng Lỗi, phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc, trong cuộc họp báo hôm qua, nói rằng các tàu cá của Trung Quốc đã "bị đuổi khi hoạt động bình thường ở vùng biển quanh đảo Hải Nam", đòi Việt Nam "ngừng các hoạt động khai thác dầu khí đơn phương", theo Tân Hoa xã. Hồng nói thêm rằng các thông tin mà Việt Nam đưa ra là "trái với thực tế".
 

 
Trên thực tế, ngày 30/11, tàu Bình Minh 02 của Việt Nam khi đang hoạt động trong phạm vi thềm lục địa của Việt Nam thì đã bị các tàu cá Trung Quốc quấy rối. Bình Minh đã kéo còi và phát tín hiệu cảnh báo nhưng sau đó vẫn bị tàu cá Trung Quốc chạy qua gây đứt cáp. Vị trí cáp bị đứt có tọa độ là 17º26 Bắc và 108º02 Đông, cách đảo Cồn Cỏ 43 hải lý về phía đông nam.
 
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Việt Nam Lương Thanh Nghị ngày 4/12 dẫn một loạt hành động của phía Trung Quốc như đưa ra “Điều lệ quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam”, xuất bản bản đồ cái gọi là Tam Sa, và việc gây đứt cáp Bình Minh, và khẳng định các hành động này là sai trái.
 
"Các hành động nói trên của phía Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa; xâm phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam đối với các vùng biển của Việt Nam; làm cho tình hình Biển Đông thêm phức tạp", ông Nghị cho biết.
 
Ngày 3/12, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm kiên quyết phản đối những việc làm nói trên của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, chấm dứt ngay những việc làm sai trái đó và không để tái diễn những hành động tương tự.
 
Trong một diễn biến khác, sau khi Tư lệnh hải quân Ấn Độ tuyên bố nước này nhất định bảo vệ các lợi ích của họ trên Biển Đông, chẳng hạn việc khai thác dầu khí hợp pháp, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng tuyên bố phản đối hoạt động khai thác dầu khí đơn phương" trong khu vực mà họ cho là tranh chấp ở Biển Đông. Trên thực tế các lô mà công ty Ấn Độ quan tâm đều nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và không hề có tranh chấp.
 
Theo Vnexpress

Các tin cũ hơn