Ngư dân Trung Quốc bị đẩy lên tuyến đầu trong các vụ tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông và Hoa Đông.
Mềm nắn…
Sau hai “gặt hái” liên tiếp gần đây tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN lần thứ 45 (AMM-45) và Cấp cao ASEAN 21 nhờ nhân tố Campuchia làm Chủ tịch, Trung Quốc đã liên tiếp đẩy mạnh các hành động gây hấn ở Biển Đông và Hoa Đông. Có vẻ như các nhà lãnh đạo Bắc Kinh tin rằng việc ASEAN chưa thể thống nhất lập trường về cách thức giải quyết tranh chấp biển đảo trong khu vực, do quan điểm khác biệt của một thành viên trong Hiệp hội, sẽ là cơ hội tốt để nước này đẩy thêm một bước chiến lược độc chiếm Biển Đông.
Chính vì thế, không lâu sau “sự cố” không ra được tuyên bố chung tại AMM-45, Trung Quốc đã liên tục cử tàu tới quần đảo Scarborough/Hoàng Nham ở Biển Đông để thị uy với Philippines. Còn tại Hoa Nam, Bắc Kinh cũng liên tục phái các đội tàu hải giám và ngư chính án ngữ tại vùng biển quanh chuỗi đảo Điếu Ngư/Senkaku đang tranh chấp với Nhật Bản.
Đến sau Cấp cao ASEAN 21, cũng là thời điểm Trung Quốc đã hoàn tất tiến trình chuyển giao thế hệ lãnh đạo ở cấp cao nhất 10 năm một lần, Bắc Kinh đã quyết định đẩy vấn đề lên cao hơn. Mặc dù tại Cấp cao ASEAN 21, Trung Quốc đã ký với ASEAN “Kỷ niệm 10 năm ký Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC)”, đồng thời cam kết sẽ tuân thủ các nguyên tắc đề ra trong Tuyên bố 6 điểm của ASEAN về Biển Đông và các quy định, pháp luật quốc tế liên quan, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), song trên thực tế quốc gia này lại hành xử ngược lại.
Liên tiếp trong các ngày sau đó, Trung Quốc đã cho lưu hành hộ chiếu in “đường lưỡi bò” ôm trọn Biển Đông, phát hành bản đồ cái gọi là “thành phố Tam Sa” lập trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam và mới đây nhất còn tự cho mình “quyền chặn giữ, khám xét các tàu thuyền hoạt động ở Biển Đông”.
Tất nhiên, những hành vi thâm hiểm của Trung Quốc đã lập tức bị các nước trong khu vực và cộng đồng quốc tế phản ứng gay gắt.
Các nước “có liên đới trực tiếp” như Philippines, Việt Nam và Ấn Độ một mặt đưa ra phản đối chính thức về ngoại giao, mặt khác “tương kế, tựu kế” với “hộ chiếu đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Philippines cho biết không đóng dấu lên tất cả các hộ chiếu của Trung Quốc, bất kể đó là mẫu hộ chiếu mới hay cũ. Việt Nam chọn cách đóng dấu thị thực rời, còn Ấn Độ cho in đè bản đồ chủ quyền của mình lên các trang cấp thị thực và những trang có in hình “đường lưỡi bò” trong hộ chiếu.
Các nước khác vì “thấy chuyện bất bình” nên cũng đã đồng loạt lên án tham vọng lãnh thổ của Trung Quốc, đặc biệt sau khi báo chí nước này loan tin cảnh sát Trung Quốc có quyền lên tàu, chặn bắt các tàu xâm nhập trái phép vào vùng Biển Đông từ ngày 1/1/2013.
Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan nhận định quyết định chặn xét tàu bè nước ngoài của Trung Quốc là “một diễn biến rất nghiêm trọng” và sẽ tạo ra bước ngoặt làm gia tăng căng thẳng . Theo lời Tổng thư ký sắp mãn nhiệm của ASEAN, Trung Quốc cần có thái độ kiềm chế, cố gắng xử lý vấn đề một cách tỉnh táo và sẵn sàng lắng nghe những quan ngại của các bên liên quan.
Mỹ tuyên bố sẽ chất vấn Bắc Kinh về vấn đề này, vì rằng Biển Đông là một trong những ngõ giao thương đường biển quan trọng nhất thế giới. Đảm bảo tự do lưu thông hàng hải ở Biển Đông là vấn đề “quyền lợi quốc gia” của Mỹ.
“Chúng tôi sẽ nêu câu hỏi một cách thẳng thắn với chính phủ Trung Quốc về việc này để có thể hiểu rõ hơn mục đích của họ. Do vậy, từ nay cho đến lúc đó, chúng tôi sẽ không đưa ra bất kỳ bình luận nào đối với những thông tin báo chí của Trung Quốc”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, bà Victoria Nuland, trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo ở thủ đô Washington.
Liên quan đến việc Trung Quốc phát hành hộ chiếu có in bản đồ “đường lưỡi bò” ở Biển Đông, bà Nuland cho biết Mỹ đã có vài lần nêu vấn đề này với chính phủ Trung Quốc và Washington vẫn đang đợi giải thích từ phía Bắc Kinh. Cũng theo bà Nuland, Mỹ cũng đã cùng với các quốc gia khác yêu cầu Trung Quốc cân nhắc hậu quả chính trị của việc phát hành loại hộ chiếu này.
…. rắn buông
Hãng tin Xinhua của Trung Quốc ngày 27/11 loan tin Ban Thường vụ Hội đồng Nhân dân tỉnh Hải Nam (Trung Quốc) đã thông qua “Điều lệ Quản lý trị an biên phòng ven biển tỉnh Hải Nam”. Điều lệ quy định công an biên phòng Trung Quốc “có quyền xử lý đối với những tàu thuyền nước ngoài xâm nhập phi pháp vùng biển thuộc quyền quản lý của tỉnh Hải Nam”. Các biện pháp xử lý bao gồm “lên tàu, kiểm tra, bắt giữ, trục xuất, ra lệnh dừng tàu, đổi hướng và trở về” đối với các tàu thuyền nước ngoài. Quy định sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2013. |
Những hành động cứng rắn của cộng đồng khu vực và quốc tế đã buộc Trung Quốc phải lùi bước.Trong phản ứng mới nhất, ông Ngô Sĩ Tồn, lãnh đạo Sở Ngoại vụ tỉnh Hải Nam kiêm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nam Hải - một cơ quan tham vấn cho chính quyền Bắc Kinh về Biển Đông - đã công nhận rằng, các quy định mới về việc chặn xét và xua đuổi tàu nước ngoài được tỉnh này thông qua vào hạ tuần tháng 11/2012 chỉ là một sáng kiến cấp tỉnh, mang tính chất cục bộ, địa phương.
“Đó không phải là sáng kiến của Bắc Kinh. Chính các cơ quan thực thi pháp luật ở địa phương đã khởi xướng điều này”, ông Ngô Sĩ Tồn trả lời phỏng vấn của hãng tin Reuters qua điện thoại ngày 5/12.
Ông cũng cho biết các quan chức tỉnh Hải Nam “chắc chắn sẽ phải làm báo cáo giải trình gửi cấp trên và phải xin ý kiến từ ban bộ hữu trách”.
Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Hải Nam cũng nhắc lại phát biểu gần đây với đặc phái viên nhật báo New York Times của Mỹ rằng các quy tắc được cơ quan luật pháp Hải Nam thông qua vào tuần trước đã được bàn bạc, thảo luận từ một năm nay nhằm “đối phó với những hành vi xâm phạm vùng biển Hoàng Sa”.
Tuy nhiên khi phát biểu như vậy, người đứng đầu Viện Nghiên cứu Nam Hải - một cơ quan tham vấn cho chính quyền Bắc Kinh về Biển Đông – lại quên mất một thực tế rằng Hoàng Sa và Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam chứ không phải Trung Quốc.
Vì vậy, khi nhận thấy sự đuối lý trong việc ra quyết định chặn xét tàu thuyền nước ngoài, ông Ngô Sĩ Tồn đã cố gắng vớt vát thể diện cho Bắc Kinh bằng tuyên bố: “Trung Quốc cam kết các tàu thuyền nước ngoài luôn được hưởng quyền tự do lưu thông tại Biển Đông, không hề bị ảnh hưởng của các quy định mới đó, cũng như không bị tác động của các tranh chấp chủ quyền”.
Theo một số nhà phân tích, sau hàng loạt lời thúc giục Bắc Kinh làm rõ quy định khám xét tàu thuyền nước ngoài do tỉnh Hải Nam đưa ra, những tuyên bố đầy tính trấn an trên đây của Trung Quốc có thể là dấu hiệu cho thấy là chính quyền trung ương có phần lùi bước sau khi đã tung ra một quả bóng thăm dò.
Một số nhà phân tích khác lại cho rằng hành động của tỉnh Hải Nam chỉ là sáng kiến cục bộ, chứ không thể hiện sự chuyển hướng trong chính sách của Bắc Kinh theo chiều hướng hung hăng hơn. Trong số này có Giáo sư Chu Phong thuộc trường Đại học Bắc Kinh. Ông khẳng định: “Quyết định cứng rắn của tỉnh Hải Nam không thể hiện sự thay đổi chính sách nào và cho đến giờ chưa thấy một bằng chứng nào cho thấy có sự chuyển hướng (của Bắc Kinh)”.
Chủ tịch Học viện Những vấn đề Địa chính trị của Nga, ông Leonid Ivashov cũng nhận định Trung Quốc sẽ không dễ dàng quay ngoắt lập trường trong vấn đề Biển Đông khi thừa biết hành động này sẽ “hại nhiều hơn lợi”.
“Người Trung Quốc có thể thay đổi lập trường của họ. Hôm nay họ tiến hành tấn công, song ngày mai dưới áp lực họ có thể xóa khỏi hộ chiếu những hình ảnh gây bê bối. Cuộc tranh cãi này sẽ không gây ra xung đột vũ trang. Tôi không nghĩ Trung Quốc sẵn sàng thách thức cả Mỹ và những nước khác, kể cả đồng minh của họ. Hiện thời chính sách của họ được giới hạn trong việc thử nghiệm sức mạnh”, ông Ivashov nói.
“Mềm nắn, rắn buông”, chính sách này xưa nay không phải là điều mới với Trung Quốc, đặc biệt trong những vấn đề nhạy cảm liên quan đến tranh chấp chủ quyền và những thứ mà Bắc Kinh cho là “lợi ích cốt lõi” trên con đường muốn trở thành một nước lớn trong khu vực và thế giới.
Việt Giang
Theo Dantri