Giấy phép lái xe mới nhiều “sạn”

Thứ tư, 19/12/2012, 14:57
Mẫu giấy phép lái xe mới dự kiến được Bộ GTVT triển khai cấp trên phạm vi cả nước từ đầu năm 2013 có nhiều sai sót trong việc in song ngữ Việt - Anh.

Ông Lê Văn Thịnh, Trưởng Phòng Giám định 1 - Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), vừa có văn bản gửi Bộ Tư pháp đề nghị xem xét lại các quy định liên quan đến đề án cấp giấy phép lái xe (GPLX) mới do Bộ GTVT thực hiện.

Theo ông Thịnh, GPLX mới có quá nhiều “sạn” trong việc chuyển ngữ từ tiếng Việt sang tiếng Anh, không giống với nhiều nước đang làm.

Ủy quyền sai

Theo ông Nguyễn Thắng Quân, Vụ trưởng Vụ Quản lý phương tiện người lái - Tổng cục Đường bộ (Bộ GTVT), đề án cấp GPLX mới đã được xây dựng từ rất nhiều năm trước.

Ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ 1 triệu USD để trang bị hệ thống máy chủ và máy in đặt tại tổng cục; Bộ GTVT trang bị thêm phần mềm quản lý thông tin khoảng 7 tỉ đồng. Ngoài ra, tùy vào điều kiện tình hình địa phương, các sở GTVT sẽ trang bị hệ thống máy móc in ấn GPLX mới.

CSGT khi tuần tra trên đường nếu phát hiện nghi ngờ về GPLX giả có thể nhắn tin, gọi điện về tổng đài trung tâm dữ liệu GPLX đặt tại Tổng cục Đường bộ là có thể kiểm tra được.  

Giấy phép lái xe mới
 Giấy phép lái xe mới ðang gây tranh cãi vì nửa Tây, nửa ta

Mặc dù là người “ngoại đạo” nhưng bằng hiểu biết và kinh nghiệm của mình, ông Thịnh đã chỉ ra hàng loạt bất hợp lý, sai sót trong GPLX mới.

“Ngay từ khi Bộ GTVT ban hành mẫu và thực hiện thí điểm việc cấp, đổi GPLX mới tại Đà Nẵng và Bắc Ninh, tôi đã có ý kiến nhưng không được tiếp thu” - ông Thịnh nói.

Chẳng hạn, trên góc trái GPLX ghi “Bộ GTVT” nhưng người cấp lại là giám đốc hoặc phó giám đốc Sở GTVT.

Trả lời ông Thịnh, Bộ GTVT cho rằng mình là cơ quan ban hành mẫu GPLX để sử dụng thống nhất trên cả nước. Hơn nữa, cách ghi này đã có và duy trì từ thời Bộ Nội vụ.

“Theo tôi, cách giải thích này là chưa hiểu đúng về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ tại giai đoạn ban hành mẫu GPLX” - ông Thịnh nhận định.

Ông Thịnh dẫn chứng: Tháng 6/1975, Quốc hội quyết định hợp nhất Bộ Công an và Bộ Nội vụ, lấy tên là Bộ Nội vụ. Là một bộ mới nhưng Bộ Nội vụ chỉ làm nhiệm vụ cảnh sát, an ninh quốc gia và PCCC. Trong cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ lúc đó có Cục CSGT - Trật tự.

Bộ Nội vụ lúc này có thẩm quyền cấp GPLX nên trên góc trái mới in “Bộ Nội vụ” và người cấp đều là cục trưởng hoặc phó cục trưởng, cùng lắm là ủy quyền cho trưởng phòng CSGT - trật tự cấp dưới.

Nửa Tây, nửa ta

“Tôi đã nghiên cứu rất kỹ, thấy rằng trong GPLX mới có nhiều “sạn” về việc dịch tiếng Anh. Quốc hiệu nước ta ở trong GPLX mới không được dịch sang tiếng Anh. Điều này khiến GPLX nửa “Tây” nửa “ta”, chỗ dịch, chỗ không khiến người nước ngoài không hiểu được đầy đủ về tên nước Việt Nam” - ông Thịnh nói.

Ông cho rằng tên nước phải dịch ra tiếng Anh và có thể thay thế dòng chữ “Độc lập-Tự do-Hạnh phúc” bằng The Socialist Republic Of Vietnam như trong bằng tốt nghiệp đại học của Bộ GD-ĐT thực hiện.

Hơn nữa, theo ông Thịnh, GPLX mới dịch “Giấy phép lái xe” thành Driver’s License là không chuẩn xác. “Tôi đã phản hồi cho họ biết rằng GPLX ở Anh, Mỹ - những nước có tiếng mẹ đẻ là tiếng Anh - đều thường dùng chữ Driving License - như mẫu Bộ GTVT từng có và phù hợp với phụ lục 30 tại Thông tư 07/2009 quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX của Bộ GTVT” - ông Thịnh dẫn chứng.

Trong mục Nơi cư trú, lẽ ra phải được chuyển ngữ sang tiếng Anh là Place Of Residence thì Bộ GTVT lại chọn ghi là Address có nghĩa là Địa chỉ. Từ Có giá trị đến thì tiếng Anh lẽ ra phải là Valid To Date hoặc Date Of Expiry chứ không thể dùng là Expires tương đương với từ Hết hạn.

Ngoài ra, mục Chữ ký và dấu trên GPLX được dịch là Signed, Seaied cũng không phù hợp, bởi sẽ được hiểu nghĩa là Đã được ký và đóng dấu. Ông Thịnh cho rằng từ chính xác phải là  Signature, Seal...

Trao đổi với phóng viên chiều 18/12, ông Nguyễn Thắng Quân cho rằng ông Lê Văn Thịnh “bắt bẻ” câu chữ. “Chúng tôi áp dụng dịch theo tiếng Anh - Mỹ. Còn việc Quốc hiệu nước ta không được dịch ra tiếng Anh là bởi không đủ chỗ” - ông Quân giải thích. 

Sai thẩm quyền

Ông Lê Văn Thịnh cho biết: Hiện nay, các sở GTVT không thuộc sự quản lý trực tiếp về mặt hành chính của Bộ GTVT. Các sở này thuộc sự quản lý của UBND cấp tỉnh, TP nên Bộ GTVT ủy quyền cho họ cấp GPLX là sai về thẩm quyền. Góc trái GPLX phải in tên cơ quan cấp là Tổng cục Đường bộ hoặc sở GTVT và dịch ra tiếng Anh.

Nếu Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ hoặc giám đốc Sở GTVT ủy quyền cho trưởng phòng quản lý vận tải, phương tiện và người lái thì cũng phải theo đúng quy định của pháp luật.

 

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích