"Hi vọng HĐND tỉnh khác học ông Nguyễn Bá Thanh"

Thứ năm, 20/12/2012, 00:05
"Chả ai dại gì đi "xử" cấp trên của mình. Cũng chả ai dại gì "kích động" người dân chống lại chính quyền. Chánh án mà xét xử cấp trên thì ảnh hưởng đến cá nhân lắm... Vì thế mà khiếu nại của người dân, doanh nghiệp thì rất nhiều, nhưng khiếu kiện thì vô cùng hiếm", TS Lê Hoàng Giao chia sẻ với phóng viên.
Kiên nhẫn lắm thì cũng phải bỏ cuộc

Mới đây, trong cuộc họp Hội đồng Kiến trúc quy hoạch TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã xúi một doanh nghiệp kiện UBND TP Đà Nẵng về những bất cập trong quản lý, sử dụng đất. Ông có bình luận gì không?

Tôi cho rằng đó là người lãnh đạo có kỷ cương, có hiểu biết pháp luật và là một hành vi chính trị tốt. Ông ấy hiểu nguyên nhân vụ việc, thấy rõ lãnh đạo sai nên ông ấy xúi doanh nghiệp đi kiện là bình thường. Hy vọng HĐND các tỉnh khác phải học ông Nguyễn Bá Thanh. Tôi tin là với vị trí của ông ấy như thế, thì chắc chắn tòa án sẽ phải làm đúng luật.

Ông nói thế nghĩa là sao ạ? Tôi tưởng là tòa án thì đương nhiên phải làm đúng luật chứ?

Người dân, doanh nghiệp đi kiện chính quyền, nộp đơn khiếu kiện lên tòa án. Trong khi tòa án là cơ quan trực thuộc UBND địa phương đó. Vì thế mà người ta hay gây khó dễ. Với những vụ việc khó giải quyết, cấp dưới "kính chuyển" lên cấp trên, cấp trên "đá" xuống cấp dưới và chỉ đạo "xử đúng pháp luật". Thế là người đi khiếu kiện có kiên nhẫn lắm thì cũng đến lúc thấy mệt mà phải bỏ cuộc.

Đến nay đã có văn bản nào bị cho là sai và phải thu hồi lại chưa?

Ở các tỉnh thì có rồi, còn những văn bản ở cấp cao hơn, diện điều chỉnh lớn hơn giống như những văn bản cho ra đời nhưng không phù hợp với thực tế, gặp sự phản ứng của toàn xã hội... thì người ta cũng chỉ ỉm đi thôi. Chứ họ không công bố là hủy văn bản đó.

Tại sao họ lại không công bố?

Thì họ đã trót ban hành rồi thì chẳng lẽ họ lại hủy chính văn bản của họ, khác nào tự họ vả vào mặt họ đâu. Lãnh đạo lại tự nhận mình sai à? Tòa có dám phán quyết văn bản đó là sai không? Khi tòa phán quyết là sai thì liệu lãnh đạo có sửa hay không? Thế là dù cấp tỉnh hay trung ương, dù biết văn bản đó là sai thì họ cũng sẽ lờ đi thôi.

Phải chăng vì những cái khó đó mà bức xúc của người dân vẫn còn tồn tại?

Nhiều bức xúc không được đáp ứng, ngày càng nhiều đơn khiếu nại khiếu kiện hơn. Vụ trước chưa được giải quyết, vụ sau lại phát sinh và dồn lại.

Hậu quả của nó sẽ là gì thưa ông?

Dân mất lòng tin vào công lý, vào việc thực thi pháp luật.

Lê Hoàng Giao
TS Lê Hoàng Giao, Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển.

Ai lại xét xử cấp trên!

Được biết ông đã từng có khảo sát về số vụ khiếu nại khiếu kiện của người dân, doanh nghiệp với chính quyền?

Đúng vậy.

Số vụ kiện như vậy có nhiều không?

Nhu cầu thì nhiều lắm, nhưng trong mấy chục nghìn vụ khiếu nại thì chỉ có một đến hai vụ là khiếu kiện thôi. Với số liệu này thì chỉ cần hỏi tòa hành chính mỗi năm xử lý được mấy vụ là rõ ngay thôi.

Vì sao khiếu kiện hành chính lại ít như vậy thưa ông?

Về mặt luật, có những quy định bất cập. Theo Luật Tố tụng hành chính có định ra thì chỉ có một số vụ việc phát sinh tranh chấp giữa người dân, doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước thì mới thuộc thẩm quyền của tòa án hành chính.
 
Danh sách này có khoảng hơn 20 điều, trong khi đó thực tế, mối quan hệ giữa người dân, doanh nghiệp với nhà nước nảy sinh rất nhiều vấn đề. Về mặt tâm lý, văn hóa, người dân ngại đi khiếu kiện với cơ quan nhà nước. Các vụ án hành chính khi khởi kiện thì thủ tục vô cùng phức tạp, việc tiếp nhận đơn rất khó khăn, quyết định có thụ lý hay không cũng rất khó khăn.

Vì sao vậy?

Vì người ta không muốn làm. Họ ngại va chạm, đối đầu với chính quyền. Tòa án mà ra quyết định là UBND ra quyết định sai, thế thì hóa ra tôi xét xử chính cấp trên của tôi à? Chả nhẽ tôi lại ra phán quyết chống lại quyết định của cấp trên? Trong khi tòa án trực thuộc tỉnh cả về nhân sự lẫn pháp lý. Tôi là chánh án thì tôi cũng ngại va chạm chứ!

Sao lại có chuyện nên hay không, luật là luật chứ?

Nếu luật rõ ràng rồi thì dễ quá. Nhưng khổ nỗi nó lại chưa được như thế.

Hối lộ dễ hơn đi kiện nhiều chứ!

Liệu có khả năng vì khiếu nại, khiếu kiện khó khăn quá, nên người ta phải tính cách khác?

Người ta sẽ chuyển sang hối lộ. Thế là vô hình đẩy mạnh tham nhũng. Cái đó thì tôi có thể khẳng định là có, thậm chí là nhiều người sử dụng cách này. Các quyết định cá biệt được ban hành một cách tùy tiện thì nó cũng được sửa một cách tùy tiện. Còn khiếu kiện, vừa mất thời gian, vừa khó thành công.

Hai con đường, hai cách, cách nào sẽ có lợi hơn, hẳn ai cũng đoán được?

Thì đúng thế. Thôi thì tôi cứ "chạy". Khiếu nại hay khiếu kiện thì cuối cùng cũng thế thôi. Cán bộ giải quyết cho em thì thôi em không khiếu nại nữa, không kiện nữa. Thôi thì cán bộ thay đổi cho em cái quyết định. Rõ ràng là nó nhanh và hiệu quả hơn chứ. Vì thế mà nếu không có cách nào khắc phục bất cập này thì tham nhũng cũng sẽ còn kéo dài.

Phải chăng, đó chính là lỗ hổng của luật pháp?

Đúng là pháp luật còn nhiều bất cập, chồng chéo từ cấp trung ương đến cấp địa phương. Cùng một nội dung nhưng hiểu thế nào, giải thích thế nào, áp dụng thế nào cũng được.

Hiểu thế nào cũng được, vậy tôi là người dân, tôi hiểu theo cách của tôi có được không?

Không ạ. Người có quyền để hiểu đó phải là lãnh đạo chứ. Hệ thống pháp luật đang không ổn, thiếu tính thống nhất, chồng chéo, có thể diễn giải thành nhiều nghĩa. Thiên về "làm gì" hơn là "làm như thế nào". Ví dụ như để pha được cốc nước trà thì luật quy định là phải có trà. Nhưng tôi pha nhiều hay ít trà, pha nước sôi 100 độ C hay 80 độ C thì không ai kiểm soát được tôi cả, vì sản phẩm tôi cho ra vẫn là nước trà.

Yếu tố con người thì sao thưa ông?

Cái nữa là kỷ luật công vụ của ta không cao. Ai là người kiểm tra giám sát những việc sai trái? Hệ thống kiểm tra giám sát đã hoạt động tốt chưa? Giờ một người nào đó làm tắc trách thì ai là người giám sát? Hay chỉ khi có vụ việc gì đó bất cập thì thanh tra mới làm việc.
 
Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn