Sáng 25/12, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận cùng một số lãnh đạo bộ, ngành có phiên giải trình trước Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng, nội dung tập trung vào việc thực hiện chính sách pháp luật về giáo dục mầm non và phổ thông.
Đề cập tới chương trình sách giáo khoa phổ thông, đại biểu Lê Thị Tám cho biết, cử tri phản ánh chương trình nặng tính hàn lâm, thiếu thực tiễn và chủ yếu phục vụ thi cử.
"Cử tri cho rằng nguyên nhân là đội ngũ viết sách quá già. Thực tế có đúng như vậy không và biện pháp khắc phục như thế nào?", nữ đại biểu chất vấn.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi đặt câu hỏi: "Luật Giáo dục quy định cả nước dùng chung một bộ sách giáo khoa. Nhưng gần đây rộ lên ý kiến về một chương trình, nhiều bộ sách. Quan điểm của Bộ Giáo dục như thế nào?".
Trả lời hai đại biểu, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận khẳng định không có chuyện sách giáo khoa do đội ngũ viết sách lớn tuổi đảm trách mà có đầy đủ cả thầy giáo già, thầy giáo trẻ cũng như những người làm ở cơ quan nghiên cứu...
Tuy nhiên, từ góc độ cá nhân, Bộ trưởng Luận nhận thấy, do phương pháp pháp học và thi chưa thay đổi nên sách giáo khoa chủ yếu truyền thụ kiến thức để học sinh nhắc lại. Vì thế, sách mang tính hàn lâm, thiếu thực tiễn.
Bộ trưởng Giáo dục chưa đưa ra quan điểm về "một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa". Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Đánh giá câu hỏi của Chủ nhiệm Đào Trọng Thi là "khó quá", Bộ trưởng Giáo dục cho biết, trong các hội thảo hẹp của Bộ đã đặt ra vấn đề này.Hai năm qua, Bộ cũng đã nghiên cứu về khả năng có nhiều bộ sách giáo khoa.
Cá nhân ông Luận cũng nhận được nhiều góp ý của các vị giáo già song do đây là "việc nghiêm túc, hệ trọng và khó khăn" cho nên Bộ vẫn đang theo dõi và chủ động nghiên cứu.
Còn phương án cụ thể, theo ông Luận, nói ra lúc này là hơi sớm và xin phép khi nào có đề án thì sẽ với báo cáo với lãnh đạo Ủy ban Văn hóa.
"Bây giờ nói thì tranh luận, tranh luận nhiều quá trên báo chí thì không cần thiết. Chúng tôi rất chăm chú nghe các thông tin nhưng làm giáo dục phải có môi trường tĩnh lặng. Làm ầm ĩ sẽ ảnh hưởng các cháu. Chúng tôi rất quan tâm, trao đổi và lắng nghe nhưng xin khất lại để trả lời sau", Bộ trưởng Phạm Vũ Luận nói.
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, việc đổi mới sách giáo khoa phải đảm bảo yêu cầu đồng bộ, thống nhất từ trung ương đến địa phương cũng như các cấp, bậc học.
Ngoài ra, việc đổi mới phải không được nóng vội để đạt được mục tiêu về thời gian, tiến độ; phải đảm bảo tính kế thừa và tiếp thu những kinh nghiệm đi trước đồng thời cập nhật những kết quả của các nền giáo dục phát triển.
Trước đó, đầu tháng 12, tại Hội thảo Đề án đổi mới sách giáo khoa sau năm 2015 với sự tham gia của chuyên gia, nhà quản lý cao cấp Việt Nam và Đan Mạch, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, việc làm sách giáo khoa phổ thông sắp tới sẽ theo hướng có chương trình chung với nhiều bộ sách.Hiện, mới có sách tiếng Anh là theo kiểu mẫu này.
Còn theo GS Đinh Quang Báo (Thường trực Ban chỉ đạo đổi mới sách giáo khoa), sách giáo khoa hiện nay không quá tải nhưng cần thay đổi theo hướng có nhiều bộ sách, giáo viên dạy theo bộ nào là quyền của họ.
Cũng trong phiên giải trình, nhiều đại biểu đặt câu hỏi về việc đảm bảo chế độ chính sách đối với đội ngũ giáo viên mầm non bởi cuộc sống của họ không đảm bảo, công việc vất vả...
Theo Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, do điều kiện đất nước trước đây khó khăn nên giáo dục mầm non chưa được coi trọng.
Gần đây, bậc học này mới được quan tâm nhưng cũng chỉ dừng lại ở mầm non 5 tuổi. Việc chuyển các trường ngoài công lập thành công lập là bước đi quan trọng và Bộ sẽ kiên trì thực hiện.
Đối với đội ngũ giáo viên đang làm việc trong trường ngoài công lập, Bộ Giáo dục đã trao đổi với UBND các tỉnh, thành vận dụng trong điều kiện ngân sách có thể để hỗ trợ như với giáo viên trường công; tạo điều kiện để giáo viên đóng bảo hiểm để hưởng chế độ...
Bộ chỉ đạo các địa phương ưu tiên kinh phí xây trường, lớp, nhà công vụ trước hết ở vùng sâu; đảm bảo dinh dưỡng, bữa ăn trưa cho học sinh đồng thời tăng tuyển dụng, đào tạo giáo viên người dân tộc thiểu số, người bản địa. Tuy nhiên, Bộ trưởng Giáo dục thừa nhận, để giải quyết hết chế độ thì nguồn lực không đủ.
Về chi cho các hoạt động khác của giáo dục phổ thông hiện chưa đảm bảo, ông Luận giải thích do kinh phí của các trường dành để trả lương (chiếm từ 80% trở lên, có nơi trên 90%, thậm chí 98%). Chính Bộ trưởng Giáo dục từng được một hiệu trưởng tiếp chuyện "trong lờ mờ bóng đêm" vì trường hết tiền, phải cắt điện.
Trước chất vấn của đại biểu Nguyễn Đắc Vinh về việc phân loại học sinh như thế nào khi các em cấp một thường được chấm điểm rất cao, toàn "điểm 9, điểm 10", Bộ trưởng Giáo dục thừa nhận có tình trạng này. Theo ông, cần cân đối giữa việc không bắt các em nhỏ học quá sức nhưng nếu không có thử thách để vượt qua thì không có động lực, không thể có ý chí được. "Tâm lý cha mẹ bây giờ lạ lắm, con mình 6-7 điểm là làm như trời sắp sập đến nơi. Lúc nào cũng yêu cầu con phải điểm 9-10, phải đứng đầu lớp", ông Luận nói và "thiết tha đề nghị" các bậc phụ huynh không đặt các cháu vào hoàn cảnh phải đạt thành tích điểm số, yêu cầu các em đạt vị trí đứng đầu. Điều quan trọng nhất là khuyến khích để các em vượt lên được bản thân khi còn ở lứa tuổi non nớt. |
Theo VNE