Công nhân kêu cứu
Mặc dù chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, thế nhưng gần 100 công nhân của Nhà máy gạch ngói Tín Nghĩa (thuộc Công ty vật liệu xây dựng Tín Nghĩa, tại KCN Nhơn Trạch 3), là công ty con trực thuộc Tổng công ty Tín Nghĩa (doanh nghiệp nhà nước của tỉnh Đồng Nai), đang đứng trước nguy cơ mất việc.
Trong đơn gửi Báo Thanh Niên, các công nhân cho biết vào ngày 17.12, nhà máy này thông báo ngừng hoạt động từ ngày 1.1.2013, trong khi quy định là thông báo cho công nhân trước 1 tháng. Đây là thời điểm hết sức ngặt nghèo, khó xin được việc làm.
“Nhiều công nhân nơi đây đang phải sống hết sức chật vật bởi đồng lương eo hẹp và giá cả leo thang như hiện nay. Năm hết tết đến, lại bị mất việc, chúng tôi biết làm gì, lấy gì lo cho gia đình?”, anh Huỳnh Kim Khoa, công nhân nhà máy này, bức xúc.
|
Còn công nhân Cao Xuân Lừng thì lo lắng tết đến nơi mà bị sa thải, trợ cấp thất nghiệp cũng không có. Những người bắt đầu làm việc từ 1.1.2009, ngoài tiền bảo hiểm thất nghiệp, họ không được bất cứ khoản tiền nào.
Tương tự, một số công nhân nữ than thở: “Nhà máy tuyển chúng tôi vào làm việc, đùng một cái sa thải, trong bối cảnh vật giá đắt đỏ, chúng tôi không có đủ tiền để về quê, nói gì tiền tiêu tết”.
Theo anh Lừng, công ty thông báo chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không có sự chứng kiến của Sở Lao động - Thương binh - Xã hội, Liên đoàn Lao động… Do đó công nhân kiến nghị xem xét hỗ trợ thêm để người lao động có điều kiện tìm việc mới, nhưng không được ai quan tâm.
44.000 người xin trợ cấp thất nghiệp Theo Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai, tính đến ngày 20.12, tại Đồng Nai đã có trên 44.000 người đăng ký bảo hiểm thất nghiệp, trong đó có gần 34.000 người nộp hồ sơ hưởng trợ cấp. Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Đồng Nai cũng đã ra quyết định cho gần 31.000 người được hưởng trợ cấp thất nghiệp với số tiền hơn 229 tỉ đồng. |
Sa thải công nhân để giải thể doanh nghiệp
Trao đổi với PV Thanh Niên, bà Nguyễn Thị Bạch Hường, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Tín Nghĩa, cho biết thời gian qua tình hình làm ăn của nhà máy gạch ngói rất khó khăn, sản phẩm làm ra không bán được, do đó nhà máy đã hoạt động cầm cự một thời gian dài, trong tình trạng thua lỗ.
Công ty quyết định chấm dứt hoạt động, giải thể nhà máy. Về mặt thủ tục trước khi giải thể, công ty đã gửi văn bản cho Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh Đồng Nai. Số người được giải quyết chế độ trợ cấp thất nghiệp và không được hưởng chế độ cũng đã thông báo cho Sở. Ngoài ra, công ty cũng đã xem xét giải quyết các chế độ cho công nhân theo quy định.
Tuy nhiên, bà Hường cũng thừa nhận việc sa thải công nhân cận tết đã khiến nhiều người bức xúc. “Cũng mong anh em thông cảm vì nhà máy cũng quá khó khăn, không thể tiếp tục kéo dài được, còn công nhân bị sa thải tìm được việc trước tết cũng không phải dễ, nhưng chúng tôi sẽ cố gắng hết sức để giải quyết phúc lợi cho người lao động để họ có thêm điều kiện tìm việc mới”, bà Hường nói.
Không phải là cá biệt
Theo một cán bộ Sở Lao động - Thương binh - Xã hội tỉnh Đồng Nai, gần đây có hàng chục doanh nghiệp phải đóng cửa, phá sản. Các doanh nghiệp còn hoạt động thì cũng có rất nhiều đơn vị đang trong tình trạng cầm chừng, vì hàng hóa tồn kho nhiều, hợp đồng mới không có, nên phải cắt giảm lao động...
Theo phản ánh của công nhân đang làm việc trong các công ty tại KCN Hố Nai 3 (H.Trảng Bom), khoảng 4 tháng trở lại đây, doanh nghiệp không những bỏ tăng ca, giảm giờ làm mà còn tìm cách cắt giảm lao động bằng cách cho công nhân nghỉ việc.
Chị Lê Thị Miền, công nhân Công ty TNHH Lâm Viễn (khu công nghiệp Hố Nai 3), chia sẻ: “Công ty mình hiện nay ngày làm 8 tiếng, nhưng vẫn không có việc để làm. Rảnh rỗi nên nhiều người xin nghỉ phép cả tuần để về quê, ở nhà trông con. Làm hành chính thì lương chỉ khoảng 2 triệu đồng/tháng, mức thu nhập này chỉ đủ để sống qua ngày”.
Theo Thanhnien