Truyền thông Trung Quốc nói các cuộc thao dượt quân sự khai diễn hôm 2.1 nhằm tăng cường tinh thần và khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Theo báo Quân đội Giải phóng Nhân dân, binh sĩ thuộc hạm đội Hải Nam Trung Quốc đóng ở đảo Quang Hòa Đông thuộc nhóm đảo Quang Hòa, quần đảo Hoàng Sa (Việt Nam), được còi báo động đánh thức từ sáng sớm để nhanh chóng bước lên tàu chiến.
Báo này nói đảo Quang Hòa Đông là một trong những đảo chiến lược quan trọng nhất gần Hoàng Sa nên lực lượng đồn trú tại đây được huấn luyện luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ, nhất là trong các dịp lễ.
Hiện có khoảng 1.000 cư dân Trung Quốc sinh sống tại Hoàng Sa, nhưng có ít nhất 6.000 binh sĩ đồn trú sau khi nơi này được nâng cấp lên thành phố hành chính cấp huyện.
Vẫn theo bài báo, Trung Quốc đã bố trí thêm binh sĩ tuần tra khu vực này. Trong cùng ngày, các cuộc thao dượt khác bao gồm phòng không, chống khủng bố, ứng cứu khẩn cấp cũng diễn ra ở Thẩm Dương, thủ phủ tỉnh Liêu Ninh, và Tế Nam, thủ phủ tỉnh Sơn Đông (TQ).
Quân đội Trung Quốc tập trận trong khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh trên Hoàn Cầu thời báo |
Các cuộc diễn tập quân sự cũng được tiến hành tại thủ phủ Hàng Châu của tỉnh Chiết Giang trong ngày đầu năm mới.
Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách quốc phòng và Sức mạnh trên biển thuộc đại học Luật và Khoa học Chính trị Thượng Hải, Ni Lexiong cho biết tất cả các cuộc thao dượt diễn ra tại các thành phố nằm dọc biển Đông và biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền chưa được giải quyết với các nước láng giềng.
Nhật báo Le Figaro hôm 3.1 đã dành nguyên một trang để nói về việc Trung Quốc phô trương sức mạnh quân sự. Khi đã trở thành một cường quốc kinh tế của thế giới Trung Quốc không che giấu tham vọng quốc phòng.
Tàu chiến và máy bay tàng hình, máy bay không người lái có khả năng tấn công, trực thăng chiến đấu… Ngày càng nhiều loại vũ khí mới mang nhãn hiệu "Made in China" được tung ra và đằng sau đó là một thông điệp chính trị về việc họ đang trở thành một cường quốc quân sự.
Tờ báo trên ghi nhận một sự việc diễn ra hồi tháng 12 năm ngoái ở Trung Quốc, đó là một kỹ sư trước đó không mấy tiếng tăm nhưng khi qua đời ở Thẩm Dương lại được vinh danh ầm ĩ.
Ông tên là La Dương, một trong những người từng tham gia chương trình chế tạo máy bay ném bom J-15 trang bị riêng cho tàu sân bay Liêu Ninh đang trong quá trình đưa vào hoạt động.
Vẫn theo Le Figaro, tuần qua Bộ Quốc phòng Trung Quốc đã có nhiều thông cáo chính thức với nội dung mập mờ nói đến một loạt hệ thống vũ khí “thế hệ mới” của nước này sắp ra mắt. Đó là các loại máy bay chiến đấu, trực thăng tấn công và cả máy bay không người lái.
Trong cuộc triển lãm hàng không tại Châu Hải hồi cuối 2012, Trung Quốc đã trình diễn loại máy bay không người lái có tính năng chiến đấu có tên gọi là Wing Loong.
Đánh giá về chương trình vũ khí của Trung Quốc, các nhà quan sát phương Tây ghi nhận thấy có một “sự thay đổi kinh ngạc. Trong những năm 1990, người Trung Quốc không hề khoe khoang gì về kho vũ khí của họ, cũng có thể khi đó họ muốn che giấu cái nghèo khó của mình, còn bây giờ họ giới thiệu tứ tung. Điều này cho thấy họ đã tiến bộ thực sự và đang ngày càng tự tin và khả năng của mình”.
Có một lĩnh vực quốc phòng khác còn được giữ khá kín đáo, đó là những cố gắng của Trung Quốc trong chiến tranh mạng và vũ trụ.
Nhưng theo Le Figaro, cách đây hai năm, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt đã tuyên bố rằng quân sự hóa không gian là một hiện tượng về mặt lịch sử là “không thể tránh khỏi”.
Trong khi đó nhân vật tán dương “chiến tranh giữa các vì sao” này vừa được bầu làm phó chủ tịch Quân ủy Trung ương, cấp lãnh đạo tối cao trong lĩnh vực quốc phòng ở Trung Quốc.
Theo SGTT