“Ô sin” họp khẩn…bàn lương mới

Chủ nhật, 06/01/2013, 20:07
Báo chí mấy hôm nay thông tin về lương tối thiểu theo vùng được thực thi từ 1.1.2013 trong đó nghề “ô sin” cũng nằm trong diện áp dụng. Thông tin này làm “ô sin” phấn khởi ra mặt. Thế nhưng…

Vừa đi làm về, người phụ nữ giúp việc nhà hàng xóm đã gõ cửa thì thầm hỏi tôi: Chúng tôi làm osin cũng được Nhà nước quy định lương à? Chủ nhà phải đóng bảo hiểm cho chúng tôi chứ? Nói rồi, người phụ nữ chìa ngay tờ báo và khẳng định sẽ đòi bằng được lương mới và bắt chủ nhà đóng bảo hiểm để có lương… hưu.

Hỏi ra mới hay, gần 10 người đang làm nghề giúp việc gia đình ở tòa nhà chung cư tôi ở đã có một cuộc họp “khẩn”  để thống nhất việc bàn chuyện “đàm phán” với gia chủ về tiền lương theo đúng quy định của Nhà nước. Họ đều phấn khởi ra mặt vì chủ nhà sẽ không còn quyền… ép giá họ được nữa. Cứ chiểu theo quy định của nhà nước mà thi hành.

Cuối cùng tôi bất đắc dĩ phải làm trọng tài khi cả gia chủ lẫn ô sin đều đồng nhất nhờ phán xử vì một lẽ: Tôi là nhà báo.

Gia chủ của từng “ô sin” đã có một báo cáo dài về tiền công và những khoản ưu đãi với “ô sin” đã thực hiện kể từ ngày ký kết hợp đồng miệng. Bản báo cáo này được ô sin đọc và ký xác nhận.

Như vậy, tiền công mà ô sin nhận được là 3 triệu đồng/tháng, cơm hai bữa, một năm ít nhất hai bộ quần áo chưa kể ngày về quê không bị trừ lương…có "ô sin" chăm sóc cụ già bệnh còn được trả công cao hơn hẳn.

osin

 Thông tin về lương tối thiểu theo vùng làm không ít giúp việc gia đình xôn xao.

“Chẳng hiểu ai tư vấn và những người giúp việc đọc báo hiểu thế nào về nghị định 103, họ đã đòi tôi phải tăng thêm ít nhất từ 250.000 đồng so với mức tiền công mà tôi đang trả họ (3 triệu đồng/tháng), chưa kể khi ở quê có giỗ, cưới, tang, lễ tôi đều tạo điều kiện cho về, lo cho cả vé xe, quà…”- chị Hoa - cán bộ của Viễn thông Hà Nội than thở.

Trong khi đại diện “ô sin” thì quả quyết: Chúng tôi chỉ đòi hỏi những gì mà nhà nước quy định. Còn gia chủ thì không dám làm căng, họ mà dỗi, mà nghỉ thì …thôi rồi “lượm ơi!”.

Không thể không có căn cứ để nói “đúng sai với” người giúp việc, tôi đành hỏi… Google, tìm Nghị định 70/2011 của Chính phủ. Theo đó, mức lương tối thiểu ở vùng 1 là 2 triệu đồng và theo Nghị định 103 thì mức lương tối thiểu ở vùng 1 là 2.350.000 đồng.

Tìm đọc Thông tư 29 ngày 10.12.2012 do Thứ trưởng Bộ LĐTBXH - Phạm Minh Huân ký cũng không có một dòng nào “quy định” mức đóng bảo hiểm cho người giúp việc gia đình. Ngay cả mục nơi nhận của Thông tư 29 cũng không có cơ quan bảo hiểm xã hội.

Sau khi nhìn tận mắt những văn bản pháp quy của nhà nước, đến lúc này những người giúp việc mới “té ngửa” khi biết rằng tiền công mà gia chủ đang trả họ hiện nay còn cao hơn so với “mức lương” được nhà nước quy định. Thế là cả mười phụ nữ đang hành nghề “ô sin” ở khu nhà tôi bỗng yên tâm làm nghề… giúp việc gia đình và “gác” giấc mơ được gia chủ đóng bảo hiểm để có lương hưu… cũng chỉ nằm ở thì tương lai mà thôi.

Chị Hoa lắc đầu kêu trời: Hiện nay, nghề giúp việc gia đình đang có nhu cầu cao nên mới có sự thỏa thuận về tiền công. Thử hỏi là nhân công ở mấy cơ sở sản xuất quy mô nhỏ có đăng ký kinh doanh đàng hoàng…chủ trả bao nhiêu biết bấy nhiêu, chưa kể là thời gian làm việc…bất tận. Ngay cả nhiều doanh nghiệp nhà nước, công ty… cũng đang nợ đầm nợ đìa tiền bảo hiểm của người lao động… huống gì nói nghề giúp việc.

Biết rằng, giúp việc gia đình trong xã hội đang được coi là nghề, những người làm công tác hoạch định chính sách thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với tất cả những người lao động nên đã đưa nghề giúp việc gia đình cũng là đối tượng lao động.

Tuy nhiên, trong thực tế, dù nghề này đang rất “hot” nhưng nó là nghề rất “đặc biệt” vì lao động riêng lẻ, nếu như có tổ chức đại diện cho những người lao động làm nghề giúp việc gia đình thì mới có thể thực hiện được những chính sách như quy định.

Ban hành chính sách với những đối tượng mà không có tính khả thi khi thực hiện… thì cũng chỉ có hiệu lực trên giấy mà thôi.

Theo Laodong

Các tin cũ hơn