Thả loại muỗi mới vào cộng đồng để thử nghiệm "vũ khí" chống SXH

Thứ năm, 17/01/2013, 17:05
Sáng 17.1, tại TP Nha Trang, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư phối hợp với Viện Pasteur Nha Trang tổ chức hội thảo triển khai dự án “Đánh giá khả năng thay thế của quần thể muỗi Aedes Aegypti mang các tác nhân sinh học Wolbachia tại một phường của tỉnh Khánh Hòa”.

Lần đầu tiên, VN sẽ tham gia một dự án phòng chống dịch sốt xuất huyết (SXH) bằng phương pháp ... thay thế muỗi trong cộng đồng. Muỗi được đưa vào cộng đồng là loại muỗi tự nhiên truyền bệnh SXH đã được gây nhiễm Wolbachia – loại vi khuẩn có khả năng làm giảm một nửa tuổi thọ của muỗi, đồng thời ngăn ngừa sự phát triển của virus Dengue gây SXH.

thi nghiem

 Các cán bộ nghiên cứu Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư tình nguyện cho muỗi mang vi khuẩn Wolbachia (nuôi trong phòng thí nghiệm) “ăn” máu để chúng đẻ trứng nhiều, phục vụ cho nghiên cứu. (Ảnh do Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ứ)

Vậy phương pháp thay thế muỗi này có thể là “vũ khí” hiệu quả hơn những biện pháp truyền thống chưa thực sự hiệu quả hiện nay không? GS – TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư đã trả lời PV báo Lao Động.

Thưa ông, từ trước tới nay, Bộ Y tế đều tuyên truyền diệt muỗi để phòng chống SXH, sao lại có việc ngược đời là thay thế muỗi ở môi trường tự nhiên?

Các biện pháp phòng SXH hiện đang được áp dụng thường là phun hóa chất, loại bỏ các dụng cụ chứa nước, thả cá, thả mesocyclop... Tuy nhiên, hiệu quả của các biện pháp này còn khá hạn chế trong dự phòng và kiểm soát dịch SXH  thời gian qua. Vì thế, không chỉ trên thế giới mà ở VN, chúng tôi cũng tìm kiếm một “vũ khí” phòng dịch khác hiệu quả hơn.

Với phương pháp thả muỗi vào cộng đồng này, Australia là quốc gia đầu tiên triển khai, từ đầu năm 2011. Và VN là quốc gia thứ 2. Mục đích của các nhà khoa học nghiên cứu là tạo được loại muỗi Aedes Aegypti mang vi khuẩn Wolbachi của VN, sau đó đưa vào cộng đồng để thay thế muỗi tự nhiên vốn đang truyền bệnh SXH. Wobachia là vi khuẩn được phát hiện từ năm 1924, có mặt trên hơn 70% loài côn trùng trên trái đất.

Kết qủa nghiên cứu cho thấy khi bị nhiễm Wolbachia, muỗi Aedes Aegypti  bị giảm tuổi thọ một nửa và ức chế được sự nhân lên của virus Dengue gây bệnh. Do đó, ý tưởng về việc làm muỗi Ades nhiễm Wolbachia sẽ giảm tốc độ lây lan của virus Dengue gây SXH đã được đưa ra và nghiên cứu đến ngày hôm nay.

Vậy khi muỗi Aedes mang vi khuẩn đốt người có làm con người bị nhiễm và gây bệnh hay không?

Nguy cơ tác động của Wolbachia tới sức khỏe con người cũng là câu hỏi của không chỉ Hội đồng Y đức Bộ Y tế, mà còn của chính người dân phường Trí Nguyên, TP Nha Trang – nơi sẽ thử nghiệm phương pháp này.

Trên thực tế, bản thân Wolbachia là vi khuẩn ký sinh nội tế bào, đã có mặt trong rất nhiều loài côn trùng như bướm, bọ rầy, kiến, bọ cánh cứng, nhện, giun tròn... mà con người có thể đã ăn, hoặc tiếp xúc nhưng không bị nhiễm Wolbachia. Như tôi đã nói, hơn 2 năm qua khi triển khai tại Australia, biện pháp này đã được chứng minh là an toàn với cộng đồng, tỏ ra là hiệu quả khi giảm quần thể muỗi Aedes Aegypti tự nhiên gây SXH.

Mặt khác, thức ăn ưa thích của muỗi Aedes là hút trực tiếp máu người. Các nghiên cứu từ năm 2006 đến nay cho thấy những tình nguyện viên cho muỗi “ăn” đều không bị nhiễm vi khuẩn Wolbachia.

 Lý do VN kiên trì tham gia nghiên cứu phương pháp này, cũng một phần xuất phát từ việc dịch SXH thời gian gần đây trong nước diễn biến phức tạp với bệnh nhân mắc, ca tử vong nhiều hơn ở một số nơi, đặc biệt là các tỉnh miền Trung và Nam. Do đó, nhu cầu bức thiết cần có một phương pháp phòng bệnh chủ động hiệu quả hơn.

Trước khi tiến hành thử nghiệm ở đảo Trí Nguyên, chúng tôi đã tham vấn cộng đồng ở đây trong một thời gian rất dài từ năm 2009 và đã nhận được sự đồng thuận của 97% hộ gia đình ở đảo. Vì thế, tháng 4 tới đây, chúng tôi dự kiến sẽ bắt đầu đặt bọ gậy Aedes mang vi khuẩn Wolbachia vào đảo.

Được biết, dịch SXH hàng năm xảy ra ở đảo Trí Nguyên không phải là lớn. Vậy vì sao lại chọn địa điểm này cho thử nghiệm?

Hòn đảo nhỏ này nằm cách biệt với đất liền, có khoảng 700 hộ gia đình với 3.250 người.  Đây là nơi có quần thể muỗi Aedes cao quanh năm, mặc dù số bệnh nhân SXH ghi nhận hàng năm không lớn. Với quy mô nhỏ này thì dễ hơn cho việc triển khai và giám sát dự án. Thậm chí với trường hợp rủi ro hay có tác động không mong muốn sẽ dễ dàng xử lý hơn.

thi nghiem

Thử nghiệm muỗi đốt trên người trong phòng thí nghiệm

Cho dù kết quả thử nghiệm ở Australia được coi là thuận lợi, có kết quả, nhưng với điều kiện con người, khí hậu VN khác, làm sao có thể đảm bảo rằng thử nghiệm này an toàn cho người dân địa phương VN?

Các kết quả nghiên cứu và đánh giá nguy cơ của các nhà khoa học độc lập cho thấy khả năng xảy ra các tác động không mong muốn là rất thấp. Nhưng những điều này cũng đã được cân nhắc rất kỹ. Trước và sau khi dự án kết thúc, chúng tôi đều khám sức khỏe miễn phí cho toàn bộ người dân, đặc biệt là chú trọng ghi nhận mức độ mắc các bệnh truyền nhiễm ở cộng đồng.

Bên cạnh đó, 200 người trên đảo sẽ được lấy mẫu máu xét nghiệm để đánh giá nguy cơ lây vi khuẩn Wolbachia sang người. Đồng thời, chúng tôi cũng lấy mẫu một số sinh vật khác sống trong môi trường trên đảo như cá, thạch sùng... để theo dõi khả năng nhiễm Wolbachia trong các sinh vật khác. Các chỉ số an toàn ở cộng đồng sẽ được theo dõi chặt chẽ thông qua hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở.

Nếu dịch SXH bùng phát thì chúng tôi sẽ ngay lập tức dừng thử nghiệm, đồng thời nhanh chóng khoanh vùng và dập dịch theo đúng quy định, đảm bảo an toàn cho người dân.

Xin cảm ơn ông!

VN là một trong 8 quốc gia đứng đầu khu vực châu Á về tỉ lệ mắc và chết do sốt Dengue/SXH. Bệnh lưu hành ở VN và có xu hướng tăng trong những năm gần đây và gây dịch ở các tỉnh miền Trung và miền Nam. Mỗi năm trên cả nước ghi nhận từ 70 – 100 nghìn ca mắc và trên 60 – 90 ca tử vong.

Theo Laodong

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích