“Biệt dược phòng the” khuynh đảo dân chơi Hà thành

Thứ bảy, 19/01/2013, 11:02
Những phương thuốc "dân dã", "đồng quê" được các quý ông truyền tai nhau nhằm nâng cao bản lĩnh đàn ông. 

Từ lâu ở các tỉnh trung du miền núi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Lai Châu… đã lưu truyền về món "tiên tửu" chồng uống vợ khen là rượu ngâm với các bộ phận của cây thuốc phiện (còn gọi là cây anh túc, nha phiến).

Từ 138

Có dịp đi công tác tại Yên Bái, Sơn La… chúng tôi nhận thấy một điều là mặc dù không được bán một cách công khai, song khách hàng có thể tìm được một cách dễ dàng tại các nhà hàng của thị xã, thị trấn. Thậm chí nếu như quen với cánh lái xe đường dài thì chỉ việc liên hệ với họ, đặt cọc ít tiền là sau một thời gian sẽ có hàng về xuôi.

Mặc dù công dụng của loại tiên tửu này mới chỉ là những lời đồn đoán truyền miệng, song nhiều năm trở lại đây, rượu anh túc (hay còn gọi là "rượu 138") cũng đã lan truyền về xuôi. Và cũng rất nhanh nó được một bộ phận người dân thuộc tầng lớp được coi là sành điệu ở các thành phố lớn đón nhận một cách háo hức.

Nhân dịp tổng kết cuối năm, Hoàng Long - Giám đốc phụ trách truyền thông của một công ty ở Hà Nội đứng ra tổ chức một buổi tổng kết tại một nhà hàng trên đường Láng. Mặc dù năm nay công ty làm ăn không được bằng năm ngoái, song với những đối tác thân thiết thì Long vẫn không quên chăm sóc.

Buổi gặp gỡ được tổ chức khá gọn tại một phòng VIP dành cho 6 người trên gác hai. Thực đơn cũng không có gì quá đặc sắc ngoài những món truyền thống như bò, gà, cá… Tuy nhiên, sau khi tất cả ổn định chỗ ngồi Long mới lấy từ trong túi ra một chai rượu có màu nâu sẫm rồi giới thiệu:

"Đây là rượu 138 mà tôi cất công "thửa" từ trên Tây Bắc về. Loại này hiện đang đứng đầu bảng trong danh mục rượu "ông uống bà khen". Nguyên trong bình là rượu được ngâm với thân, lá, rễ và quả của cây anh túc đã được phơi khô, sao vàng trong 3 năm nên mới "lên nước" sóng sánh như thế. Chỗ này chỉ là một phần được chắt ra thôi".

Rót ra cho mỗi người một ly, các khách mời háo hức thưởng thức. Riêng tôi cáo lỗi vì đang uống thuốc đau dạ dày. Mọi lần cũng đi uống như thế này, dù tôi cáo bệnh họ cũng bắt uống bằng được, song lần này cấm thấy ai ỏ ê gì. Vừa cạn chén, các thực khách đã lại giục nhân viên bàn rót tiếp.

 Một "tửu đồ" tên Hòa tuy đã dốc cạn chén rượu, song vẫn còn chưa đặt xuống ngay mà cố "vắt kiệt" những giọt cuối cùng trong chén thứ rượu có màu nâu sậm ấy, tiếp lời: "Báo cáo các bác là vốn em có người bà con trên Sơn La nên cũng mấy lần được thưởng thức món rượu trứ danh này rồi. Chỉ cần uống xong là có hiệu quả ngay tức thì. Các bác tha hồ "chiến đấu" cả đêm mà sáng ra vẫn tỉnh như sáo!".
Chép miệng, Long kể tiếp: "Sở dĩ nó có tên như vậy (rượu 138-nv) là vì nhiều năm nay UBND tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các cơ quan ban, ngành thực hiện Kế hoạch 138 về kiểm tra, rà soát, xử phạt người trồng cây thuốc phiện.

Còn theo một đầu nậu chuyên phân phối rượu anh túc từ miền núi về Hà Nội thì hiện trên thị trường có rất nhiều loại khác nhau, với chất lượng và giá cả khác nhau. Đơn cử đầu bảng hiện là loại rượu có xuất xứ từ các bản làng vùng cao mà người dân tự ngâm uống.
Từ lâu họ đã dùng rượu ngâm với quả anh túc để trị một số bệnh như ho, đau bụng… Nếu thương lái nào "dẻo miệng" thì có thể thương thảo để họ bán lại với giá khoảng 2-3 triệu đồng/lít. Thứ rượu này khi mang về đến Hà Nội thì sẽ có giá 9-10 triệu đồng/lít.

Loại thứ hai là thứ rượu ngâm với cả thân, lá, rễ và quả anh túc. Hạng ba là loại chỉ ngâm với thân, lá. Rượu ngâm với các bộ phận tươi của cây anh túc giá chỉ bằng một nửa so với khô. Rượu càng đậm màu càng bán được giá vì chứng tỏ được ngâm lâu, chất lượng tốt.
Rượu 138 - thứ được thổi phồng là “thần dược” cho cánh đàn ông "yếu sinh lý".

Ban đầu rượu 138 được ngâm bằng rượu trắng nấu từ gạo của người dân bản. Tuy nhiên, khi được lan truyền về miền xuôi thì có những sâu rượu đã cất công mang hẳn rượu Tây lên đặt hàng trực tiếp với đầu nậu để có được thứ rượu đẳng cấp nhất.

Còn nhớ năm 2008, chúng tôi đã có dịp cùng với Đoàn công tác liên ngành của tỉnh Sơn La đi phá cây thuốc phiện trên địa bàn tỉnh Bắc Yên. Một cán bộ trong đoàn cho chúng tôi biết, mặc dù đã có lệnh cấm sản xuất, buôn bán, sử dụng trái phép chất ma túy từ vài chục năm, song tại những bản xa xôi, heo hút của huyện Bắc Yên, người dân vẫn lén lút trồng để tự phục vụ.

Đoàn đi ròng rã một tuần trên những sườn đồi, hẻm núi tại các bản Làng Sáng, Háng Đồng (xã Tà Xùa, Bắc Yên) giáp ranh với xã Bản Mù, Tà Si Láng của huyện Trạm Tấu (Yên Bái). Chúng tôi đã phá được hàng chục hécta. Tuy nhiên, do diện tích quá lớn mà việc thu gom thân, rễ không thể thực hiện rốt ráo. Chính vì vậy mà người dân đã thu nhặt để phơi khô tự ngâm rượu uống, hoặc bán cho thương lái.

Ở thời điểm hiện tại, do sự quyết liệt của chính quyền địa phương và lực lượng chức năng, việc tái trồng cây anh túc ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã được hạn chế tối đa. Cũng chính vì thế mà nguyên liệu để sản xuất rượu 138 ngày càng ít đi. Các thương lái đành phải giở chiêu đi thu mua "xác" của các bình rượu, rồi đổ rượu mới vào giả làm rượu anh túc để bán cho những khách lần đầu biết đến nó.

Vẻ như Hòa khá sành sỏi về các món sản vật vùng cao, tôi kéo hắn ra bàn trà nói chuyện. Dường như chủ đề biệt dược phòng the là chủ đề bất tận của hắn, nên tôi chỉ gợi ý một chút là Hòa gật đầu ngay.

Đến "tứn khửn"

Hòa kể cách đây ít năm, khi hắn còn là lái xe vùng cao (chứ không phải là "sếp" như bây giờ) Hòa thường xuyên chở hàng khắp nơi. Từ đồng bằng cho đến trung du miền núi phía Bắc, từ Tây Bắc hiểm trở cho đến Tây Thanh Hóa, Tây Nghệ An đâu đâu hắn cũng làu làu thông thổ. Vì hay phải đi tiếp khách lớn bé, nên Hòa hay "sưu tầm" những thứ thuốc ngon, vị lạ để ngâm rượu đãi khách.

Theo đó, ngoài thứ "rượu 138" mà rất nhiều bợm nhậu đều biết mặt đặt tên, thì trên thị trường có một số vị thuốc vào hàng quý hiếm, có thể biến một người đàn ông yếu sinh lý trở thành "dũng tướng" trong chuyện gối chăn. Một trong số đó là loại rượu "tứn khửn" (theo tiếng dân tộc có nghĩa là "dựng lên").

Rượu tứn khửn có thành phần chủ yếu là ngâm từ cây "chí chiền chùa", và cũng chỉ có ở hai nơi là Sơn La và Điện Biên. Vì cây chí chiền chùa chỉ mọc ở một khu vực duy nhất giáp ranh giữa huyện Sốp Cộp (tỉnh Sơn La) và huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên). Mang được thứ rượu này về xuôi thì kỳ công chả kém Thái Thượng Lão Quân luyện tiên đan. Cũng vì thế mà giá của nó lên đến 50-60 triệu/bình mà cũng chẳng có mà mua".

Thấy chúng tôi nói chuyện xôm tụ, ông chủ quán cũng từ đâu chạy vào góp chuyện. "Phải là dân sành điệu lắm thì mới biết đến rượu tứn khửn. Em đây vốn dân Sông Mã (huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La - giáp ranh với huyện Sốp Cộp) nên cũng có dịp thưởng thức loại rượu này rồi. Quả là "thần tửu"!

Không để chúng tôi kịp đáp lời, chủ quán tiếp lời: "Nói thực với các bác, em trông to cao vậy thôi nhưng cái "khoản kia" là yếu lắm. Hồi đầu lấy vợ mãi 3-4 năm mà chả "đúc" được đứa nào. Thế mà uống thần tửu được một thời gian thì vợ em sòn sòn ba năm hai đứa".

Tỏ ra hiểu biết, gã chủ quán thao thao: "Cây chí chiền chùa là loại cây mọc trong rừng, rất sâu, nơi có nhiều cây to, tán rộng, ít ánh nắng mặt trời. Cây này củ mọc dưới đất, lá nhỏ, màu xanh nhạt, dây và lá bò lan khắp mặt đất, quả chín có màu đỏ trắng, trông rất đẹp mắt và quả bao giờ cũng chĩa thẳng đứng lên trời, khi chín có mùi thơm cay rất đặc trưng, hương bay xa. Đến đầu mùa đông, khoảng tháng 11 dương lịch là quả bắt đầu chín. Đây cũng là lúc cánh đàn ông ở bản vào rừng thu hái trước khi quả bị đám sóc và cầy hương "đánh chén".

Cơ quan chức năng kiểm tra rượu ngâm thuốc phiện tại cửa hàng Thúy Gấu và quả "chí chiền chùa"

Cơ quan chức năng kiểm tra rượu ngâm thuốc phiện tại cửa hàng Thúy Gấu và quả "chí chiền chùa"

Khi tửu đồ kiếm đủ số quả chí chiền chùa lập tức mang về cho vào ống tre bịt kín, đun cách thủy một đêm rồi cho ngay một số vị thuốc khác vào bình, đổ rượu ngập thuốc, hạ thổ suốt một năm. Tới khi đào lên phải làm mâm cơm thắp hương bái tổ tiên, rót đầy 1 bát tứn khửn để trên ban thờ, làm lễ xong lại rót vào bình, kể từ lúc đó mới được phép uống loại rượu này. Nếu trong bản, trong dòng tộc có người đàn ông nào yếu "cái món đó", lấy vợ đã lâu không có con thì mỗi tối trước khi đi ngủ uống một chén nhỏ, uống liền trong một tháng thì "đâu sẽ có đó" ngay (!?)

Tuy nhiên, lương y Nguyễn Khắc Bảo cho biết Đông y xưa không dùng lá, thân cây thuốc phiện mà chỉ dùng quả khô để trị một số bệnh về đường ruột.

Nhựa cây thuốc phiện được phối hợp với các vị thuốc bắc hầm cùng gà hoặc chim cho những người ốm. Hồi đó thuốc men thiếu, thực phẩm cũng thiếu nên người ta mới dùng theo cách đó. "Nhưng đó là trước đây, còn bây giờ dinh dưỡng đầy đủ, nhiều loại thuốc thay thế thì Đông y cũng không dùng những vị thuốc liên quan đến cây thuốc phiện nữa".

Một bác sĩ thuộc Bệnh viện đa khoa Hòe Nhai cho chúng tôi biết, khi sử dụng rượu ngâm hoa, quả, cây thuốc phiện, người dùng có khả năng bị nghiện. Việc sử dụng loại rượu này liên tục, trong một thời gian dài sẽ tác động xấu đến sức khỏe, khiến người sử dụng có khả năng bị tê liệt thần kinh, giảm trí nhớ. Bên cạnh đó, việc lạm dụng rượu có thể gây ảnh hưởng đến gan, thận, kèm theo đó các bệnh về tim mạch và tiêu hóa cùng một số cơ quan nội tạng khác, thậm chí có thể suy giảm về nhân cách.

Còn theo một cán bộ xã Púng Bánh (Sốp Cộp), trên thực tế, rượu "tứn khửn" không có công dụng đến mức như người ta tưởng. Bởi thực chất nó chỉ có tác dụng bồi bổ sức khỏe, tinh thần phấn chấn. Từ đó, rất nhiều người nhầm tưởng đó là "thần dược". Phần lớn các loại thuốc này chỉ có tác dụng hỗ trợ, chữa trị đau lưng và tăng cường sức đề kháng chứ không thể "sung" như lời đồn thổi.

Nếu là thuốc cường dương thì phải hình thành cơ chế co mạch, dồn máu tức thời, tạo hưng phấn, mà điều này đối với Đông y là không thể.
Ngày 25/12/2012 Đoàn kiểm tra liên ngành gồm Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC 49) Công an TP Hà Nội phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 7 Công an huyện Từ Liêm đã tiến hành kiểm tra Cơ sở buôn bán đá quý Thúy Gấu (ở số 119 A đường Mễ Trì, thôn Hạ, xã Mễ Trì, huyện Từ Liêm, Hà Nội).
Tại đây, Cơ quan chức năng đã phát hiện trong cửa hàng có rất nhiều bình rượu ngâm động vật và nhiều loại thảo dược khác nhau, trong đó có cả cành và quả cây anh túc. Toàn bộ số rượu trên được xếp kín trên tầng hai của cửa hàng này.

Tiến hành kiểm tra, lực lượng Công an tiếp tục phát hiện trên tầng ba của cửa hàng này chứa nhiều thùng nhựa đựng đầy rượu cùng nhiều chai nhỏ loại 330ml. Tại khu vực này, chủ hàng đang tiến hành sang chiết rượu từ thùng lớn sang các chai nhỏ không có nhãn mác từ đó bán ra thị trường.

Tổng số rượu ước tính lên tới 5.000 lít các loại. Chủ hàng là Hà Phương Thúy (47 tuổi, quê ở tỉnh Yên Bái). Tại thời điểm kiểm tra, chủ hàng không xuất trình được các giấy phép kinh doanh rượu cùng các giấy tờ chứng minh chất liệu sản phẩm.

Ban đầu bà Thúy khai, rượu và nguyên liệu ngâm rượu bà ta mua từ Yên Bái, sau đó được vận chuyển về Hà Nội. Các loại rượu sau khi được ngâm ở thùng inox và thùng nhựa to ở tầng 3 cho hết andehit, sẽ ngâm các loại cây, củ và rễ trong đó có các sản phẩm từ cây thuốc phiện rồi sang chiết sang các chai nhỏ, bán tại cửa hàng ở 119 Mễ Trì và một số cửa hàng ăn uống ở Hà Nội. Khách có nhu cầu mua rượu sẽ liên lạc với bà Thúy qua điện thoại di động, thương thảo giá cả…
Theo VTCNews 

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích