Đẻ mướn trở thành một ngành công nghiệp thu nhiều lợi nhuận tại Ấn Độ trong những năm gần đây nhờ vào nhu cầu muốn có con của các cặp đồng tính và người độc thân ở nước ngoài, theo AFP ngày 19.1.
Quy định mới, thông qua từ hồi cuối năm 2012 nhưng đến nay mới được công bố trên các phương tiện truyền thông Ấn Độ, đánh dấu động thái mới của Chính phủ Ấn Độ nhằm chấn chỉnh thực trạng đẻ mướn.
Theo quy định mới này, chỉ những cặp đàn ông và đàn bà đã kết hôn ít nhất hai năm, mới được thuê phụ nữ Ấn để đẻ hộ.
Các bà mẹ "đẻ mướn" tại bang Gujarat, Ấn Độ - Ảnh: AFP |
Các phòng khám sản khoa cung cấp dịch vụ đẻ mướn và các nhà hoạt động vì quyền người đồng tính lên tiếng chỉ trích gay gắt quy định mới này.
“Mọi người đều có quyền được làm cha mẹ. Quy định này phân biệt đối xử đối với những cặp đồng tính và những người độc thân muốn có con”, bác sĩ phụ sản Ấn Độ Anoop Gupta cho biết.
Theo AFP, Ấn Độ hợp pháp hóa đẻ mướn vào năm 2002. Giá một lần đẻ mướn là khoảng 18.000-30.000 USD ở Ấn Độ, và các bà mẹ đẻ mướn chỉ nhận được 8.000 USD, theo AFP.
Các nhà phê bình cho rằng luật Ấn Độ quy định phụ nữ tuổi 21-35 mới được đẻ mướn, nhưng lại không quy định mức lương cơ bản, dẫn đến tình trạng nhiều phòng khám tư lợi dụng những phụ nữ nghèo đẻ mướn với thù lao rẻ mạt.
Theo Thanhnien