Cây cảnh... gắn keo lại hoành hành trước Tết ở Sài thành

Thứ tư, 23/01/2013, 12:05
Nắm bắt nhu cầu của người dân mua cây cảnh chơi Tết, "đội quân” bán rong cây trà trộn cây cảnh “dỏm”, cây gắn keo bán với giá rẻ. Tuy là "chiêu" lừa cũ nhưng rất nhiều "thượng đế" vẫn bị mắc bẫy.

Nhớ lại việc mình bị lừa khi mua cây cảnh chơi Tết, anh Nguyễn Văn Hùng (38 tuổi, ngụ phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức, TP.HCM) kể vợ chồng anh mua hai cây hải đường rất đẹp, có hoa, lại trồng trong chậu của người bán rong gần ngã tư Hàng Xanh với giá 600.000 đồng. Cả hai vợ chồng anh Hùng cẩn thận kiểm tra kỹ từng cành lá trước khi mua.

Nghĩ mình mua được cây rẻ nên anh Hùng rất mừng, về trưng ngay cửa ra vào. Thế nhưng sau 4 ngày thì lá cây vẫn xanh nguyên còn hoa cứ thâm sì, rũ xuống rồi héo quắt. Thấy lạ, anh Hùng kiểm tra kỹ mới biết mình bị lừa, người bán đã dùng keo gắn hoa và nụ cho cây. Chưa kịp sang năm mới gia đình anh đã phải khiêng cây bỏ ra ngoài vườn.

cay canh

Những xe cây cảnh Tết bán dạo như thế này người mua cần thận trọng.

Còn chị Lê Hoa (40 tuổi, ngụ trên đường Lê Văn Sỹ, quận 3) là một trong nhiều nạn nhân bị lừa khi mua cây cảnh chơi Tết của những người bán rong. Chị Hoa cho biết, năm ngoái đến ngày gần Tết, chị thấy mấy người bán cây cảnh dạo qua nhà mời mọc rất nhiệt tình nên “xiêu lòng” hỏi mua.

Theo quan niệm, có cây sung trong nhà là có thêm phần sung túc, chị Hoa nhìn thấy chậu sung cảnh nhỏ nhưng lại có thế uốn lượn và quả chi chít từ gốc lên tới tận ngọn rất thích mắt nên đã chọn mua 1 cây với giá 400 ngàn đồng. Thấy giá rẻ, chị lại tiếp tục mua thêm 2 giỏ hoa lan có hoa và nụ đang mơn mởn mà người bán nói rằng sẽ nở đúng vào dịp Tết với giá 150.000 đồng/giỏ.

Lúc chị Hoa đang hí hửng ngắm nghía xuýt xoa vì mua được mấy chậu cây cảnhđẹp trưng Tết giá lại mềm hơn nhiều so với mua tại chợ cây cảnh thì một cụ già gần nhà qua chơi. Cụ cũng là người biết về cây cảnh nên khi nhìn thấy cây sung chủ nhà mua rất đẹp nhưng hỏi giá “bèo” nên nghi ngờ phán: “Cây đẹp thế này đúng giá thì cả tiền triệu chứ không vài trăm. Cháu dễ bị lừa rồi…”.

Dứt lời, ông cụ hàng xóm tiến lại gần kiểm tra cùng chủ nhà vạch lần các chùm quả từ ngọn tới tận cuống phát hiện các chùm quả sai chi chít kia đều được gắn vào thân bằng keo siêu dính. Không chỉ có vậy, khi chị Hoa gạt lớp đất mỏng phía dưới gốc cây ra thì ngã ngửa khi biết rằng không phải là cây chiết có rễ, mà chỉ là loại cành được cắm xuống đất mà thôi.

Bị lừa, chỉ Hoa chỉ biết ngậm ngùi trách bản thân ham rẻ mua phải “cành cây” giá vài trăm ngàn đồng. Còn hai giỏ lan không dởm, nhưng khi kiểm tra kỹ hơn thì thấy các nụ, hoa cũng đều được dùng keo gắn vào.

cay canh

Cây sung sai trái được gắn bằng keo 502 hết sức tinh vi người mua khó phát hiện được.

Ngày cận Tết nhưng mua phải sung rởm, chị Hoa ngậm ngùi mang ra vứt ra xe rác trước khi bước sang năm mới.

“Năm nay tôi đi đường lại thấy những người bán cây cảnh đi rong trên phố chở đầy những sung sai trái, hoa đẹp rao bán nhưng không dám dừng xe lại mua. Bị một bài học nhớ đời rồi…”- chị Hoa tâm sự.

Đối với những kỹ xảo như trên, ngay cả giới chơi cây cảnh lâu năm cũng rất khó phát hiện ra cây cảnh giả. Bởi “tay nghề” của những người làm cây cảnh giả rất tinh vi.

Ông Bẩy (65 tuổi, ngụ quận 12), chủ một vườn cây cảnh lâu năm cho biết: "Lâu nay người ta cứ nghĩ việc làm cây cảnh giả không khó, chỉ cần gốc cây, ít quả và keo dán sắt 502 là làm được. Nhưng thực ra, làm cây cảnh giả rất khó. Từ cách chọn gốc đến khi ghép cành tạo dáng…

Người làm giả phải chọn gốc cây hay cành cây được chọn phải đẹp, nhìn vào là mê ngay. Khi có gốc rồi thì những người làm cây cảnh giả phải khoét một lỗ hình chóp nón vào sâu trong thân cây để làm “điểm tựa” ghép cành.

Thường những lỗ khoan hay nằm ở vị trí khuất của thân cây, người mua càng khó phát hiện hơn, khi “ráp” phải khít, không tạo ra khe hở. Sau đó dùng keo 502 gắn bởi keo này dính chặt lại không có màu nên rất khó nhận ra".

Những người có nhiều năm chơi cây cảnh cũng có những “mách nước” để người mua có thể phân biệt cây thật – giả. Ví như những gốc mai, sung to như của những người bán dạo, thì một nghệ nhân trồng cây chuyên nghiệp phải mất cả 5 - 6 năm chăm sóc. Với mỗi gốc mai thế này, người trồng mai chân chính phải bán ra từ 4 - 6 triệu đồng.

Hơn nữa, những gốc cây lớn, nhiều tuổi thì cành mai bao giờ cũng lớn tương đương. Cho dù có được cắt tỉa cẩn thận thì vẫn còn những nút nhô ra khỏi thân cây. Hoặc cây thật thì bao giờ cũng có một phần rễ mọc lộ thiên trên mặt đất xung quanh gốc.

Nếu không thấy rễ, người mua có thể dùng tay hoặc vật gì có thể xới một phần đất gần gốc cây lên xem. Nếu đúng là cây thật thì sẽ có rễ mọc lan ra xung quanh. Nếu không thấy có rễ thì người mua nên "nghĩ lại".

Những người chơi cây cảnh lâu năm đều nhận định rằng, hiện nay có rất nhiều đối tượng bán cây cảnh dạo, đa phần là hàng “đểu”. Mua nhầm cây giả, cây héo của hàng rong cũng không biết bắt đền ai, vì chẳng biết tìm người bán ở đâu. Vì thế, tốt nhất nếu mua những cây có giá trị lớn nên vào những nhà vườn có uy tín hoặc cần phải tham khảo, tư vấn trước thậm chí nhờ những người am hiểu giúp đỡ.

Theo Infonet

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích