Theo thống kê của Mạng lưới an toàn hàng không (ASN), trong năm 2012, xác suất trung bình cứ 2,5 triệu chuyến bay mới có gần một vụ tai nạn chết người. Đây chính là tỷ lệ thấp nhất kể từ khi giao thông hàng không “cất cánh” năm 1945.
Vẫn trong xu hướng giảm kể từ năm 1997, số vụ tai nạn trong năm qua chỉ dừng ở con số 23, với 475 hành khách và phi hành đoàn cùng 36 nạn nhân dưới mặt đất thiệt mạng. So với mức trung bình 10 năm qua, tình hình tai nạn hàng không năm 2012 giảm 11 vụ và giảm gần 300 người chết.
China Airlines - Hãng hàng không của Đài Loan bị xếp bét về độ an toàn |
2012 cũng là năm đánh dấu chuỗi ngày dài nhất trong lịch sử ngành hàng không hiện đại khi không có vụ tai nạn chết người nào trong suốt 68 ngày. Trong số 23 tai nạn, chỉ có 11 vụ liên quan đến máy bay chở khách, hầu hết xảy ra ở hai khu vực: Nga và châu Phi.
Tai nạn tồi tệ nhất xảy ra trong năm ngoái là vụ một chiếc máy bay của Dana Air MD-83 rơi trong lúc hạ cánh xuống sân bay tại Lagos, Nigeria hôm 3/6 khiến 153 người trên khoang và 10 người trên mặt đất thiệt mạng.
“Nếu bạn ngày nào cũng đi lại bằng máy bay thì xác suất là bạn sẽ bay 14.000 năm mà không gặp tai nạn”, phó chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế Günther Matschnigg từng tuyên bố hồi tháng trước. Tuy vậy không phải hãng hàng không nào cũng có độ an toàn ngang nhau.
Mới đây Trung tâm đánh giá dữ liệu tai nạn hàng không ((JACDEC), một tổ chức chuyên thu thập các thông tin về tai nạn và an toàn hàng không có trụ sở tại Đức đã công bố bảng xếp hạng thường niên an toàn hàng không thế giới.
Tổng cộng 60 hãng vận tải hàng không đã được xếp hạng dựa trên số vụ tai nạn và số thương vong mà các hãng này đã gặp phải trong vòng 30 năm qua. Dưới đây là Top 10 hãng hàng không có số tai nạn và thương vong nhiều nhất kể từ năm 1983 đến nay.
10. SkyWest Airlines: 3 máy bay bị phá hủy; 22 người chết
9. South African Airways: 1 máy bay bị phá hủy; 159 người chết
8. Thai Airways International: 5 máy bay bị phá hủy; 309 người chết
7. Turkish Airlines: 6 máy bay bị phá hủy, 188 người chết
6. Saudia: 4 máy bay bị phá hủy; 310 người chết
5. Korean Air: 9 máy bay bị phá hủy; 687 người chết
4. GOL Transportes Aéreos: 1 máy bay bị phá hủy; 154 người chết
3. Air India: 3 máy bay bị phá hủy; 329 người chết
2. TAM Airlines: 6 máy bay bị phá hủy; 336 người chết
1. China Airlines: 8 máy bay bị phá hủy; 755 người chết
Theo Dantri