Mơ ước của Cục VSATTP là... có công ty chuyên rửa bát

Thứ năm, 24/01/2013, 16:29
Một số mô hình mà Cục cũng “mơ ước” là việc quy định người bán hàng rong không được tự rửa chén bát mà phải dùng bát sạch của một công ty được giao nhiệm vụ “rửa bát” và trả phí cho họ.

Ngày 23.1, tại buổi gặp gỡ báo chí để “trần tình” về Thông tư 30, ông Trần Quang Trung - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) thừa nhận: “Cấp sổ đỏ còn vòng vo mãi chưa làm xong thì nói gì đến việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm (ATTP) cho các cửa hàng kinh doanh đồ ăn”.

Theo Cục trưởng Trần Quang Trung, Thông tư 30 hướng tới các cửa hàng kinh doanh đồ ăn có địa chỉ, còn các gánh hàng rong thì khó thực hiện nhưng số lượng không đáng kể (?!). Thông tư có quy định người bán hàng ăn đường phố phải được tập huấn về ATTP và cấp giấy chứng nhận.

hang rong

Ảnh minh họa

Tuy nhiên, ông Trung khẳng định, điều đó cũng “không quan trọng” mà chỉ cần người bán hàng khẳng định họ đã biết về thông tư và nói rõ họ từng được tập huấn tại đâu là đủ. Còn về xuất xứ nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm thì chỉ cần người bán có cuốn sổ ghi rõ đã mua hàng của ông bà nào, ở chợ nào là đủ. Ông Trung khẳng định sẽ tập huấn cho cán bộ giám sát để họ không thực thi máy móc.

Còn ông Nguyễn Thanh Phong – Cục phó Cục ATTP cho biết, Thông tư 30 ra đời nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Người bán thức ăn buộc phải khám sức khỏe.

Thực tế hiện nay, người bán hàng rong chủ yếu là dân nghèo nên chưa có điều kiện đi khám sức khỏe và họ cũng không muốn đi khám. Ông Phong lạc quan rằng, thời gian tới sẽ khuyến khích các địa phương tập huấn kiến thức ATTP và khám bệnh miễn phí cho người kinh doanh thức ăn đường phố.

Ông Phong cũng cho biết, Thông tư 30 có hiệu lực từ 20.1, nhưng đó chỉ là thời gian bắt đầu thực hiện. Còn phải có quá trình tuyên truyền, vận động thực hiện, nếu người bán hàng ý thức được vấn đề quan trọng của giữ gìn ATTP thì họ sẽ tự giác làm theo.

Một số mô hình mà Cục cũng “mơ ước” là việc quy định người bán hàng rong không được tự rửa chén bát mà phải dùng bát sạch của một công ty được giao nhiệm vụ “rửa bát” và trả phí cho họ. Tuy nhiên, Cục vẫn chưa tính đến các hộ kinh doanh nhỏ, tự làm từ A đến Z.

Theo Kienthuc

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn