Bài báo xúc phạm VN là sai lầm đáng tiếc của GS Mỹ

Thứ tư, 20/02/2013, 13:52
Trước bài viết của vị giáo sư trường Đại học Standford về Việt Nam, GS Ngô Đức Thịnh đã bày tỏ sự thất vọng về nhận định của một nhà khoa học. 

“Điều này thể hiện sự không hiểu biết, hết sức không hiểu biết khi cho rằng dân tộc ta là một dân tộc ăn thịt. Có thể thấy vị giáo sư này chưa phân biệt được vấn đề có tính chất xã hội và vấn đề mang tính bản chất con người…”, Giáo sư Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam (nay là Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam) lên tiếng.

Bài viết có nhiều nội dung mang tính quy chụp khi nhận định về con người Việt Nam được đăng tải trên tờ Chicago Tribune với tựa đề: “Dù ngày càng giàu có nhưng khẩu vị của người Việt chẳng giống ai” của giáo sư Joel Brinkley, hiện giảng dạy báo chí tại Đại học Stanford (Mỹ) và là phóng viên tờ New York Times. Nội dung kể lại những quan sát trực quan bằng mắt của giáo sư Joel Brinkley qua 10 ngày du lịch tại Việt Nam.

Mở đầu bài viết bằng câu chuyện khi không thấy bóng dáng loài động vật hoang dã nào ở Việt Nam vì người dân Việt Nam đã bắt ăn thịt hết. Sau đó ông này lại kết luận vì nhiều đời ăn thịt động vật nên “Việt Nam luôn là một đất nước hung hăng” khi chiến tranh nhiều năm với Trung Quốc. Bài viết này ngay sau đó bị dư luận trong nước và trên thế giới phản đối dữ dội bởi tính thiển cận, thiếu thông tin của tác giả.

GS My

Giáo sư Ngô Đức Thịnh nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam nay là Viện nghiên cứu văn hóa Việt Nam.

Là nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, tác giả của nhiều cuốn sách nghiên cứu văn hóa dân gian, ẩm thực Việt và hiện đang giữ trọng trách Giám đốc Trung tâm nghiên cứu bảo tồn văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, trao đổi phía sau câu chuyện bài viết của vị giáo sư Standford, GS Ngô Đức Thịnh đã bày tỏ sự đáng tiếc và thất vọng của mình trước nhận định của một nhà khoa học.

Ông nói: “Đây là chuyện hết sức sai lầm với một nhà khoa học ăn nói thế là không được. Cực kỳ đáng tiếc cho một nhà khoa học”.

Khẩu vị bữa ăn người Việt là Cơm – Cá

Trước thông tin phân tích trong bài viết của vị giáo sư trường Đại học Standford cho rằng Việt Nam là dân tộc nhiều đời ăn thịt, khẩu vị bữa ăn người Việt là các loại thịt động vật, là tác giả cuốn sách “Khám phá ẩm thực Việt”, GS Ngô Đức Thịnh thẳng thắn cho rằng đây là sự thiếu hiểu biết, thiếu thông tin trầm trọng dẫn đến kết luận mù mờ về văn hóa ẩm thực Việt Nam.

xuc pham

Với con mắt nhà khoa học GS Ngô Đức Thịnh thất vọng và đáng tiếc cho vị giáo sư trường Đại học Standford.

Theo GS Ngô Đức Thịnh ẩm thực Việt Nam hay nói cách khác là khẩu vị người Việt tồn tại hàng chục ngàn năm qua là Cơm – Cá. Tức là ngũ cốc là gạo nấu thành cơm, thức ăn chính là các loại Cá được người Việt đánh bắt nơi sông, hồ, biển.

Sở dĩ có điều này theo GS Ngô Đức Thịnh do đặc tính canh tác nông nghiệp của người Việt quanh năm với cây lúa, người Việt không phải dân tộc du mục chăn thả động vật lấy thịt động vật làm thức ăn chính mà thức ăn chính là các loại cá có sẵn ở sông hồ, ao, suối.

Nguồn nước như sông, suối phong phú giúp cho người Việt vừa thuận lợi cho canh tác nông nghiệp cây lúa nước cũng đồng thời là nơi cung cấp thức ăn chính là cá.

“Nếu so sánh với các nước trên thế giới thì chúng ta làm sao ăn thịt nhiều bằng họ. Tôi đã từng nghiên cứu về truyền thống văn hóa ẩm thực của người Việt, khẩu vị bữa ăn của người Việt là cơm cá chứ không phải là cơm thịt” – GS Ngô Đức Thịnh tiếp lời.

Về những phân tích của giáo sư Joel Brinkley, Đại học Standford khi cho rằng ở Việt Nam ngay cả con vật như chuột cũng bị bắt làm thịt. GS Ngô Đức Thịnh chỉ ra rằng: “Đó là cách nhìn từ bên ngoài, không hiểu biết cùng một sự thành kiến của ánh mắt khinh miệt người khác”.

“Nếu so sánh chúng ta bắt chuột làm thực phẩm là “dã man” thì trên thế giới không ít vùng còn sử dụng cả côn trùng làm thức ăn thì rõ ràng họ còn “dã man” hơn chúng ta chứ? Hay như vấn đề ăn thịt chó chẳng hạn, thịt chó là món khoái khẩu có giá trị dinh dưỡng đấy chứ.

Mà việc lựa chọn thực phẩm cho bữa ăn của con người cũng phần nào để có thể đáp ứng đủ năng lượng chống chọi với khí hậu khắc nghiệt. Hơn nữa, về mặt dinh dưỡng những loại thực phẩm này cũng có dinh dưỡng nhất định căn bản là cách thích ứng môi trường, khai thác môi trường mà thôi” – GS Ngô Đức Thịnh phân tích.

Không thể đồng nhất vấn đề xã hội với bản chất con người

Trở lại câu chuyện bài viết của vị giáo sư Joel Brinkley, Đại học Standford sau khi đi nhiều nơi không thấy bóng dáng loại động vật hoang dã nào, vị giáo sư này cho rằng người dân Việt Nam nhiều đời ăn thịt. Vì thế, đây chính là nguyên nhân làm nên bản tính “hung hăng” của người Việt khi tiến hành chiến tranh với Trung Quốc nhiều năm.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh cho rằng đây tiếp tục thể hiện sự thiếu hiểu biết không chỉ văn hóa mà cả lịch sử dân tộc Việt Nam. Trước những biện chứng từ câu chuyện săn bắt động vật hoang dã đến chuyện ẩm thực và quay về kết luận bản chất con người Việt Nam, GS Ngô Đức Thịnh tỏ ra ngạc nhiên và thất vọng khi một nhà khoa học lại quy chụp một vấn đề có tính chất xã hội thành bản chất con người.

Việc săn bắt động vật hoang dã, động vật quý hiếm GS Thịnh cho rằng đó là vấn đề xấu của xã hội đang bị lên án mạnh mẽ. Mà bản thân Việt Nam đã và đang thực hiện nhiều biện pháp để ngăn chặn.

Theo GS Ngô Đức Thịnh, không phải người Việt thích ăn thịt nên săn bắt động vật hoang dã để thỏa  mãn mà việc săn bắt động vật hoang dã nằm ở số ít người với mục đích kinh tế. Vì thế không thể quy vấn đề mang tính hiện tượng xấu cùa xã hội là nạn săn bắt động vật hoang dã để quy chụp bản chất của người Việt.

“Người ta không hiểu chúng ta chiến đấu với ngoại bang là vì cái gì, trước mỗi sự việc bao giờ cũng có những sự lựa chọn khác nhau. Chiến tranh bao giờ cũng có hai phe chính nghĩa và phi nghĩa.

Chúng ta đã lựa chọn cách giải quyết vấn đề bằng chiến tranh, bằng bạo lực để giữ chủ quyền dân tộc. Nó không có liên quan đến chuyện ăn uống và chuyện ăn uống không chi phối đến cách lựa chọn hay giải quyết vấn đề của chúng ta” – GS Ngô Đức Thịnh chỉ rõ.

Hơn nữa, theo GS Ngô Đức Thịnh câu chuyện “người Việt thấy gì cũng ăn” theo cách nói của vị GS Standford đã là câu chuyện “phiến diện” của ngày hôm qua bây giờ không còn chuyện tận diệt, săn bắn chim, cò các loại động vật thiên nhiên làm thức ăn nữa.

Rõ ràng hiện tượng săn bắt động vật hoang dã ở ta xảy ra nhưng đó là vấn đề xã hội mới nảy sinh không thể đồng nhất để nhận xét lịch sử văn hóa của Việt Nam được. Hơn nữa đã là vấn đề xã hội như việc săn bắn động vật hoang dã sẽ thay đổi khi nhận thức của con người được nâng lên.

Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn