Trở lại với hình thức huyền quan táng, các hang động đặt quan tài đều rất cheo leo, hiểm trở. Vậy người xưa với những phương tiện thô sơ, dùng sức người là chính, đã đưa các quan tài lên hang núi thế nào?
Có giả thuyết cho rằng, từ thuở hồng hoang ấy, mực nước trên các dòng sông cao hơn bây giờ khá nhiều, mấp mé với cửa hang động hiện tại nên người xưa dễ dàng đưa vào.
Nhưng PGS.TS Trình Năng Chung có kiến giải khác: “Tôi cho rằng người xưa đưa các cỗ quan tài nặng từ chân núi lên các hang động cao chót vót bằng ròng rọc, như cách các thợ nề hiện nay chuyển gạch ngói, vôi vữa lên cao khi xây dựng các nhà tầng.
Có nghĩa là họ làm các trụ gỗ lớn để chịu lực, phía đầu trụ gỗ có gắn một hoặc vài bánh xe gỗ, rồi dùng một sợi dây được bện chắc làm “cáp” để kéo cỗ quan tài lên.
PGS.TS Trình Năng Chung giải mã huyền quan táng |
Nhờ hệ thống đó, nhất là vai trò của bánh xe gỗ, các cỗ quan tài nặng tưởng như sức người không thể khiêng nổi vì dốc đá cheo leo có thể lên cao khá dễ dàng.
Tùy theo địa hình cụ thể của từng ngọn núi có bao nhiêu đoạn dốc đứng, họ sẽ đặt tương ứng số ròng rọc để kéo quan tài lên từng chặng ngắn. Đến mỗi gờ đá (tạm gọi là điểm nghỉ), cỗ quan tài sẽ được người ta đưa tạm vào, rồi mắc vào ròng rọc khác để chuyển lên tiếp.
Cứ như vậy, có thể chỉ dùng một ròng rọc nhưng di chuyển vị trí nhiều lần, hoặc hai ròng rọc thay nhau luân chuyển dần lên cao hơn, hoặc rất nhiều ròng rọc dọc trên triền núi, cỗ quan tài sẽ được đưa đến vị trí cần thiết.
Điều này không thể nói là không kỳ công, nhưng sức vóc của con người hoàn toàn có thể làm được, không phải là chuyện thần tiên hay người khổng lồ gì giúp sức”.
Tìm hiểu thực tế ở khu vực hang Ma (huyện Quan Hóa, Thanh Hóa) nằm ngay chân núi sát dòng sông Luồng, chúng tôi không thấy dấu tích một trụ gỗ nào.
Nhưng cách hang Ma chừng vài trăm mét, vẫn còn dấu tích một cây cột gỗ lớn, đã mục, nằm về phía bờ sông Mã, gần ngã ba hợp lưu của 3 con sông Mã, Luồng, Lò.
Người dân địa phương vẫn cho rằng, có lẽ từ ngày xa xưa, các cụ dùng cột gỗ này để buộc thuyền bè.
Nhưng với cách lý giải của PGS.TS Trình Năng Chung, phải chăng đây là dấu tích của một chặng trong quá trình vận chuyển và đưa các quan tài nặng từ dòng sông lên hang Ma? Đây vẫn là câu hỏi dành cho các nhà nghiên cứu.
Người xưa đã đưa các cỗ quan tài vượt vách núi dốc bằng ròng rọc? |
Mặc dù hình thức huyền quan táng của cư dân cổ xưa đã không còn tồn tại, nhưng những dấu tích của nó dường như vẫn còn trong nghi lễ mai táng của người Thái hiện đang cư trú tại miền tây Thanh Hóa.
Cỗ quan tài của của vị tộc trưởng người Thái là Phạm Hồng Nêu (Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cũ), người đã từng giúp người viết xác định cây gỗ mục bên dòng sông Mã, cũng được khoét từ một thân cây gỗ lớn.
Rất nhiều cư dân địa phương hiện nay vẫn còn dùng các quan tài độc mộc, rất gần với các cỗ quan tài cổ xưa tìm thấy tại các hang động bí ẩn. Tất nhiên, họ được chôn cất trong lòng đất (địa táng) chứ không đưa vào hang động như người xưa.
Tiến sĩ Hoàng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Văn hóa thông tin, người đang có một ngân hàng dữ liệu đồ sộ về văn hóa phi vật thể của các tộc người Việt Nam, cho rằng:
“Các hang động huyền quan táng tại Thanh Hóa là những lưu giữ tự nhiên thú vị, độc đáo về đời sống của những cư dân cổ từng tồn tại trên mảnh đất đó.
Hình thức mai táng này đã mai một, nên rất cần bảo tồn để người sau được biết về đời sống vật chất và tinh thần của người xưa”.
Ông Cao Bằng Nghĩa, nguyên Trưởng phòng Tuyên huấn (Huyện ủy Quan Hóa) từng bỏ rất nhiều công sức vào việc tìm hiểu, nghiên cứu động Pó Cúng. Ông Nghĩa cũng đang giữ khá nhiều di vật của huyền quan táng tại Quan Hóa.
Chỉ vào một chiếc xương tay thu thập được từ động núi, ông nói: “Nếu giả thiết về chủ nhân của huyền quan táng đứng vững, thì chiếc xương này đã có trên ngàn năm tuổi rồi.
Ông Cao Bằng Nghĩa và những khúc xương minh chứng tầm vóc cao lớn của người xưa |
Xương tay, đoạn từ cùi chỏ đến cổ tay mà dài tới 28cm, chứng tỏ người này cũng phải ngót nghét mét tám. Nhưng chính xác người này sống trong thế kỷ I hay X, là đàn ông hay đàn bà, già hay trẻ thì tôi sẽ phải đi tìm các nhà nhân chủng học để hỏi thêm”.
Người xưa từng cao lớn thế sao? Nếu so với người Việt hiện nay, thì tầm vóc người này cao hơn hẳn chiều cao trung bình của chúng ta. Đây là trường hợp cá biệt hay chiều cao trung bình của chúng ta ngày xưa như vậy?
Theo các tài liệu nghiên cứu mới đây của GS. TS Lê Nam Trà và các cộng sự, chiều cao trung bình của người Việt Nam trong thập kỷ 70 – 80 của thế kỷ XX là 1,6m, đầu thế kỷ XXI tăng lên là 1,63m (nam) và 1,53m (nữ).
Người Nhật Bản hiện nay được đánh giá là có thể lực tốt nhất khu vực cũng mới có chiều cao trung bình là 1,7m.
Nếu theo công thức tính sự tăng trưởng chiều cao của người Việt mà các nhà khoa học này đưa ra, cứ mười năm chúng ta tăng thêm khoảng 1cm, thì mấy trăm năm nữa chúng ta mới cao bằng tổ tiên chúng ta của ngàn năm trước?
Theo VTC