Đua nhau cho con chen chân vào lớp học "quý tộc"

Thứ bảy, 02/03/2013, 15:45
Mỗi buổi học "quý tộc" có giá từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng/2 tiếng, kèm theo đó còn là công sức của cả cha mẹ các bé.

Phụ huynh đầu tư số tiền khá lớn cho các con ở buổi học này, những mong con "nên cơm, nên cháo", còn mong mình thành "quý tộc". Với sự "nuôi dưỡng tâm hồn" từ trong "trứng nước" đó, phụ huynh còn phải mua những chiếc đàn có giá không dưới 10 triệu đồng cho con tập ở nhà. Khôi hài nhất ở các lớp học "quý tộc" này là có nơi nhận học viên mới chỉ 9 tháng tuổi.

9 tháng tuổi cũng đăng ký học "quý tộc"

Chỉ vào đứa con gái mới 3 tuổi, chị Vân Anh (Từ Liêm, Hà Nội) không giấu được sự tự hào vì mức độ "chịu chi" cho tương lai con của vợ chồng mình. "Nhìn cháu thế này thôi, nhưng mỗi tháng, vợ chồng tôi phải chi cả chục triệu đồng cho việc học và chuẩn bị thành một người "quý tộc" trong tương lai của cháu đấy", chị Vân Anh nói.

Một trong những sự "đầu tư" đáng kể và theo vợ chồng chị là sẽ nuôi dưỡng một tâm hồn trong sáng, thanh tao, phong cách kiểu "quý tộc" sau này là cho cô bé đi học nhạc và học chơi đàn piano.

Bất cứ ai nghe điều này sẽ nghĩ vợ chồng anh chị phải rất đam mê âm nhạc và kinh tế dư thừa. Tuy nhiên, nhiều người sẽ phải "ngưỡng mộ" họ hơn nữa vì độ "chịu chi" và yêu thương con cái, nếu biết rằng, hàng ngày, hai vợ chồng chị lăn lộn với việc kinh doanh phở và cho thuê nhà.

Thế mà, họ sẵn lòng chi ra 1.500 USD (tương đương với 30 triệu đồng) mua một chiếc đàn piano để mỗi ngày cô con gái 3 tuổi chỉ động vào vài phím và chúng phát ra những âm thanh lạc điệu giữa khung cảnh ồn ã xung quanh căn nhà.

Không chỉ "tự hào" là người có "tầm nhìn" và sẵn sàng "chịu chi" cho tương lai của con, việc vợ chồng chị Vân Anh cho con đi học nhạc, học piano còn là để "trả thù" cho tuổi thơ vất vả của chính mình và "bù đắp" cho cuộc sống hiện tại đầy bon chen của họ.

Những cặp vợ chồng thích đầu tư cho tương lai của con cái như chị Vân Anh không phải là hiếm ở các thành phố lớn. Họ sẵn sàng chi ra số tiền không hề nhỏ để sắm đàn, tìm thầy, tìm lớp cho con, thậm chí cả khi con họ còn đang trong độ tuổi sơ sinh.

Các trung tâm dạy nhạc cũng không bỏ lỡ nhu cầu khá lớn của không ít phụ huynh. Có nhiều loại lớp học ở các độ tuổi khác nhau. Nhưng điều đặc biệt là có trung tâm dạy các môn học được liệt vào danh sách "quý tộc", nhận cả học viên mới hơn 9 tháng tuổi.

 thanh nhac

 Những lớp học nhạc được nhiều bậc phụ huynh đầu tư cho con theo đuổi.

Theo giới thiệu của một trung tâm dạy nhạc nằm trên đường Hoàng Hoa Thám (Hà Nội), trung tâm này còn nhận cả các học viên trong độ tuổi sơ sinh, với các khóa học, lớp học sol nest, mỗi buổi kéo dài 75 phút. Khóa học này được thông tin là dành cho các mẹ đồng hành với những đứa con của học đang trong độ tuổi sơ sinh. Những lớp học dạy nhạc từ cho trẻ từ trong "trứng nước" được tổ chức trong một không gian đầy ắp những âm thanh.

Theo phương pháp mà trung tâm này áp dụng thì các âm thanh diệu kỳ nhằm giúp các mẹ phát hiện khả năng âm nhạc của con, cùng con lắng nghe, cùng con hòa mình trong âm thanh tự nhiên, âm thanh cuộc sống. Các trung tâm này có tập hợp mẹ học viên, biến nó trở thành một câu lạc bộ lý thú để họ được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm nuôi dạy, chăm sóc con, nhất là ở thời kỳ phát triển đầu đời quan trọng của trẻ.

Trong lớp học này, các bé làm quen với những giai điệu vui nhộn, những tiết tấu rộn ràng và câu ca trong sáng, thông qua các bài hát đơn giản bằng tiếng Anh trong giờ "Giai điệu". Kèm theo đó, những giờ hội họa được xen kẽ để trẻ phân biệt màu sắc, hình khối và khám phá những nét vẽ đầu tiên tại giờ "sắc màu".

Bỏ tiền triệu thu về nốt... "đồ"

Mỗi buổi học như vậy, có thời gian dao động từ 60 phút đến 75 phút. Thông qua các bài học có tên là "giai điệu" và "sắc màu", các trung tâm tin tưởng các bé sẽ có được những phút giây hoàn toàn thư giãn để phát triển cảm xúc và có được những định hướng thẩm mỹ nghệ thuật đầu tiên.

Qua đó, sớm hình thành cho trẻ năng khiếu nghệ thuật, phát triển cảm xúc và có được một tâm hồn trong sáng. Những buổi học đầu tiên với các bé dưới 4 tuổi, hầu hết đều phải có cha mẹ đi nghe cùng. Khi bé đã có thể tự mình hòa nhập với lớp, tự là một "nghệ sỹ" của lớp, lúc đó bố mẹ mới yên tâm giao con ở lại.

Tuy nhiên, thời gian bao lâu để một đứa trẻ dưới 4 tuổi trở thành "nghệ sỹ" của lớp lại là điều các trung tâm không biết và cha mẹ các em cũng không thể biết!.

Với những lớp học này, thay vì yêu cầu giáo viên có khả năng truyền thụ âm nhạc và khơi dậy "tình yêu", "tiềm năng" của học viên nhí, các bậc phụ huynh lại thường yêu cầu giá cả phải chăng và đặc biệt là cô giáo phải dịu dàng!. Theo khảo sát của PV, trong các lớp học dành cho các bé độ tuổi mẫu giáo, chủ yếu giáo viên đóng vai trò như một cô giáo mầm non!. Các cô giáo trong lớp học này cùng vui chơi với trẻ trong những giờ cảm thụ âm nhạc.

Chị Nguyễn Hoàng Lan (Thanh Trì, Hà Nội) cho biết: "Tôi cũng đăng ký học piano từ bé trong trường nhạc Hà Nội, nhưng đến lớp 11 thì thôi vì học 2 trường hơi vất vả, cần tập trung vào học văn hóa hơn để thi đại học. Giờ tôi cũng muốn cho con cảm thụ âm nhạc mà không biết phải dạy con thế nào.

Hàng ngày, tôi chỉ cho con nghe nhạc, hát và đánh đàn cho con nghe, cho con nghịch đàn. Tôi nhận thấy con có vẻ rất thích âm nhạc nên muốn giúp con có cơ hội phát triển mà sợ mình không đi đúng cách. Tuy nhiên, những lớp học với giá như hiện nay mà hiệu quả thì mù mờ, tôi sẽ tìm hiểu và tự dạy những nốt nhạc đầu tiên cho con".

Trái với sự kỳ vọng của chị Vân Anh và chồng, sau một thời gian dài đi học, khi bố mẹ hỏi, cô con gái của anh chị vẫn  thản nhiên nói..."đồ". Ngoài nói nốt "đồ" ra, cô bé không biết thêm nốt nhạc nào. Cô bé không tiếp thu được nhiều và đặc biệt không hào hứng với việc chơi và học đàn ở các lớp học "quý tộc" đó. Mỗi buổi, đến giờ đi học môn học "quý tộc" là cô bé lại khóc.

Theo một chuyên gia tâm lý, dù học ở đâu đi chăng nữa, thì với lứa tuổi dưới 6, bố mẹ đóng một vai trò cực kỳ quan trọng. Đặc biệt các chuyên gia tâm lý e ngại tình trạng nhiều bậc phụ huynh muốn cho con theo học các lớp này chỉ vì bản thân họ chứ không phải vì chính trẻ nhỏ.

Nếu các bậc cha mẹ có con trong độ tuổi này, không có những kiến thức sơ đẳng thì rất khó phát huy được kiến thức của bé được tiếp thu tại lớp. Phụ huynh chỉ đưa con đi học, ghi chép rồi về bỏ đấy thì cũng không thật hiệu quả.

Học nhạc để nuôi dưỡng một tâm hồn trong sáng?

Các buổi học đắt đỏ, được nhiều bậc phụ huynh coi là lớp học "quý tộc", họ đặt khá nhiều niềm tin vào đây. Tuy nhiên, trái ngược với sự kỳ vọng của các bậc phụ huynh, hầu hết các trung tâm dạy nhạc đều xem học nhạc là để "nuôi dưỡng tâm hồn trong sáng" cho trẻ nhỏ là chủ yếu.

Theo Nguoiduatin

Các tin cũ hơn