Các nhà báo rất cần có sự hỗ trợ khi gặp rủi ro. |
Sáng 27/2/2013, tại trụ sở của Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) - 53 Nguyễn Du, Hà Nội đã diễn ra một cuộc hội thảo lý thú về “Vai trò của báo chí, truyền thông trong việc lấy ý kiến nhân dân cho các dự thảo luật, chính sách lớn của Nhà nước” do RED- một tổ chức thuộc VUSTA- tổ chức.
Các tham luận và thảo luận của hội thảo đã cho thấy bất chấp những cố gắng, báo chí chưa làm tốt vai trò của mình trong việc lấy ý kiến nhân dân cho các dự thảo luật, chính sách lớn của Nhà nước.
Đại diện của Bộ Thông tin - Truyền thông đưa ra con số trong 58 dự thảo văn bản pháp luật do bộ soạn thảo, đã chỉ có 19 dự thảo nhận được ý kiến góp ý của nhân dân trên trang thông tin của bộ. Cách làm này chưa hiệu quả và cần được cải thiện. Góp ý kiến qua báo chí là một kênh và kênh này cũng ít hiệu quả.
Vấn đề là thông tin được cung cấp chưa đủ, báo chí chưa tạo ra được một diễn đàn tranh luận thu hút sự quan tâm của bạn đọc, quy trình và thủ tục lấy ý kiến nhân dân tuy đã có trong luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Điều 4, Điều 35 và Điều 62 của luật đó), nhưng chưa thật sự chi tiết dù đã có Nghị định 24/2009/NĐ-CP.
Không có thông tin đầy đủ thì làm sao nhân dân có thể góp ý kiến?
Chưa có diễn đàn tranh luận hấp dẫn thì khó thu hút người tham gia. Và đã nói đến tranh luận là phải chấp nhận có những ý kiến khác nhau, cọ xát với nhau, thậm chí đụng độ với nhau.
Chỉ có qua tranh luận mang tính xây dựng được tiến hành theo các thủ tục minh bạch mới hình thành được những ý kiến về một chính sách hay chủ trương nào đó. Thủ tục tranh luận ấy cần được hình thành.
Sau khi tranh luận, việc tiếp thu hay từ chối các ý kiến góp ý cũng nên được phản hồi một cách công khai theo một thủ tục nhất định mà cơ quan soạn thảo, cơ quan nhà nước phải thực hiện.
Thiếu thông tin trung thực, thiếu thủ tục về cung cấp thông tin, về tranh luận, về tiếp thu hay từ chối ý kiến góp ý và thiếu sự tranh luận trên tinh thần khoan dung và tôn trọng những ý kiến khác nhau, thì mọi việc lấy ý kiến của nhân dân đều không có kết quả và chỉ là hình thức, tốn tiền bạc, thời gian và công sức của xã hội.
Muốn cho góp ý của dân có kết quả cần khắc phục những thiếu sót về cung cấp thông tin, về tranh luận, về các thủ tục liên quan.
Trong tham luận của mình, nhà báo Đào Tuấn (Báo Lao Động) bàn về “hệ số “rủi ro” trong việc thông tin, phân tích chính sách trên báo chí”.
Nhiều nhà báo đã gặp “rủi ro”, từ việc dính đến vòng lao lý như các phóng viên của Tuổi Trẻ và Thanh Niên trong vụ PMU 18 hay phóng sự tố cáo công an nhận hối lộ, đến bị hành hung như 2 phóng viên của Đài Tiếng nói Việt Nam và phóng viên của Nông thôn Ngày nay.
Việc bảo vệ, hỗ trợ và giúp đỡ các nhà báo gặp rủi ro lẽ ra phải là nhiệm vụ của Hội Nhà báo Việt Nam và đôi khi hội cũng đã lên tiếng, nhưng đáng tiếc việc đó vẫn chưa được tiến hành tốt. Chính vì thế, sáng kiến lập Quỹ bảo vệ và hỗ trợ nhà báo gặp rủi ro - được một đồng nghiệp đưa ra bên lề hội thảo ngày 27/2/2013 - là đáng trân trọng và nên được ủng hộ.
Người dân, các tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức quốc tế có thể đóng góp cho quỹ này dưới nhiều hình thức: Bằng thời gian, công sức và thậm chí bằng tiền. Một tổ chức nào đó, hay bản thân quỹ sau khi có tư cách pháp nhân, sẽ quản lý các nguồn lực đó và kết hợp với các báo, các tổ chức và cá nhân khác để đưa ra đề xuất việc bảo vệ, hỗ trợ các nhà báo bị “rủi ro” nếu họ chấp nhận.
Sự bảo vệ về mặt pháp lý là rất quan trọng và các luật gia có thể tham gia bằng tư vấn chuyên gia của mình, bằng công sức giúp thảo đơn kiện khi bị mất việc vô căn cứ, tiến hành các thủ tục tố tụng, bằng tư vấn pháp lý, trợ giúp pháp lý hay bào chữa miễn phí, hoặc với giá phải chăng trước tòa nếu nhà báo đối mặt với tòa án.
Sự trợ giúp có thể bằng tiền để thuê luật sư, để tìm kiếm việc làm, để hỗ trợ trong thời gian bị mất việc v.v...
Sự trợ giúp có thể thuần túy là sự bày tỏ đồng cảm, chia sẻ và sự đoàn kết của đồng nghiệp, của người dân. Sự bảo vệ và trợ giúp có thể là việc gây áp lực lên các cơ quan công quyền, lên người sử dụng lao động để họ có cách hành xử hợp pháp, hợp lý, hợp tình đối với các nhà báo gặp rủi ro và có thể có hàng trăm, hàng nghìn hình thức khác.
Bảo vệ các nhà báo, các blogger và hỗ trợ họ khi họ gặp rủi ro hay tai nạn là công việc của toàn xã hội. Đấy cũng là một cách để tự bảo vệ mình, để góp phần xây dựng đất nước.
Mong những sáng kiến như vậy sớm trở thành hiện thực và được đông đảo bà con tham gia dưới nhiều hình thức.
Theo Laodong