Thương tiếng mẹ đẻ

Thứ hai, 04/03/2013, 09:44
 Nhan nhản khắp nơi tiếng ta tiếng tây "đá" nhau. Chữ "rồi" thì thành "roàj"; "giống nòi" thành "jốg nòj"... và đủ thứ tự biến đổi không theo một quy tắc nào. 

Phải khẳng định sự phát triển của xã hội đã kéo theo rất nhiều thay đổi. Nhưng nếu tinh ý, sẽ rất dễ nhận ra sự tụt hậu xuống dốc đến mức thảm thương về ngôn ngữ. Tiếng Việt không chỉ bị méo mó do những "phát minh" không đúng chuẩn mực của một bộ phận giới trẻ mà còn bị "pha tạp chất" do kết hợp tiếng Việt và tiếng nước ngoài một cách không phù hợp.

ngon ngu

 Biển cửa hàng thời trang. 

Cái gì không đúng chỗ là cái vô duyên! Ai cũng biết vậy nhưng không ít người chấp nhận cách dễ dãi cái vô duyên khiến cho tiếng Việt đã xuống cấp lại càng thảm thương hơn. Chủ đề "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" với nhiều hội thảo được tổ chức dường như không có hiệu quả khi ngày nay, trên các trang mạng xã hội ào ạt những ngôn từ méo mó, sẵn sàng biến đổi chữ này thành chữ khác.

Nhiều người Việt đi nước ngoài học tập, làm ăn khi trở về nước đã "quên" tiếng Việt. Trong khi đó, nhiều khách nước ngoài thắc mắc, sao người Việt Nam lại giỏi tiếng Anh hơn tiếng Việt? Phải chăng tiếng Việt không hay? Không văn minh? Lạc hậu?

Xin thưa, chẳng phải. Nhà thơ Lưu Quang Vũ từng viết : "Ôi tiếng Việt suốt đời tôi mắc nợ/Quên nỗi mình, quên áo mặc cơm ăn" đã phần nào chứng tỏ "ân tình" tiếng Việt với con người và đất nước tươi đẹp này. Lịch sử cũng chứng minh, tiếng Việt đã trở thành vũ khí đấu tranh góp phần cho độc lập dân tộc.

Vậy mà ngày nay, nhan nhản khắp nơi tiếng ta tiếng tây "đá" nhau. Chữ "rồi" thì thành "roàj"; "ăn cơm" thành "ăh kơm"; "giống nòi" thành "jốg nòj"... và đủ thứ tự biến đổi không theo một quy tắc, niêm luật nào. Tiếng Việt ân tình bỗng chốc biến thành một ngôn ngữ lạ, lạ ngay cả với chính người Việt.

Tâm lý "sính ngoại" cũng "đè" tiếng Việt xuống dưới khi các cửa hàng viết chữ nước ngoài thật to thật đẹp treo phía trên, phần tiếng Việt thì rất nhỏ, thậm chí còn sai chính tả và bị "đè" xuống phía dưới. Người Việt có tự trọng sẽ không làm như thế, ngược lại tiếng Việt sẽ luôn được tôn trọng bởi đó là niềm kiêu hãnh dân tộc.

Hầu hết các nhà khoa học khi tham gia hội thảo về "Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" đều rất vui cho quá khứ, buồn cho hiện tại, lo lắng cho tương lai khi tiếng Việt bị bóp méo một cách chóng mặt. Có nhà khoa học đã phải thốt lên để cảnh báo rằng: Nếu không xây thì xin đừng phá.

Theo Kienthuc

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích