Cho nhận phong bì: Bộ trưởng rất hướng thiện
Mới đây, Bộ Y tế khẳng định sẽ thay đổi phong cách ứng xử của nhân viên y tế đối với bệnh nhân theo hướng lịch sự, thân thiện, tận tình, mở lớp tập huấn để đạt được những mục tiêu này. Điều này làm người ta nhớ đến những nỗ lực để cải thiện hình ảnh người cảnh sát giao thông thời gian gần đây. Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực này của những người nô bộc cho dân?
- Cấu trúc đạo đức gồm ý thức đạo đức, quan hệ đạo đức, tình cảm đạo đức nhưng đặc biệt quan trọng là hành vi đạo đức. Không thể nói đội ngũ y bác sĩ hiện nay có y đức thấp. Họ là những người được đào tạo, rèn luyện, được lựa chọn từ những người có y đức rất cao. Tuy nhiên trong thời gian vừa qua, những hành vi không đúng mực khiến dư luận nhìn nhận không đúng, dẫn đến những đánh giá rất lệch lạc.
Cho nhận phong bì, Bộ trưởng rất hướng thiện. (Ảnh minh họa) |
Nói vậy để thấy, điều chỉnh hành vi đạo đức là vấn đề của toàn xã hội chúng ta. Trong phạm vi một y nghiệp, một nghề, việc điều chỉnh các hành vi này cần được tổ chức, quản lý và có một chuẩn mực tiết chế chung. Việc Bộ Y tế đang làm hoàn toàn hợp quy luật đạo đức.
Về mặt ý thức trách nhiệm, tôi nghĩ phải biểu dương ghi nhận công của những người làm lãnh đạo, làm quản lý ngày hôm nay. Họ đã biết đặt vấn đề này ra và mày mò, tìm kiếm cách xử lý. Nhưng về mặt khoa học, cần phải có phương pháp và kiến thức. Nếu đưa ra mà không có phương pháp, kiến thức có thể sẽ phải nhận thất bại đau đớn.
Vậy, ông có tin tưởng rằng, những nỗ lực đó sẽ đem lại kết quả thật sự chứ không phải "nói vậy mà không phải vậy"?
- Việc nói vậy mà không làm vậy là cách đánh giá có phần tiêu cực của người ngoài cuộc, chứ xưa nay không có ai nói mà không làm, ngoại trừ trong một số trường hợp do năng lực, trình độ, tình thế không thực hiện được.
Tất nhiên, về cơ bản, việc này không dễ thực hiện được vì quy luật khoa học đạo đức rất khó.
Vừa rồi, Bộ trưởng Bộ Y tế đã đồng ý cho bác sĩ được nhận phong bì của người dân sau khi điều trị. Phải chăng bất lực trước chuyện nhận phong bì của y, bác sĩ nên Bộ trưởng đành phải mở đường cho chuyện nhận bồi dưỡng một cách công khai, minh bạch, tránh việc người dân bệnh nhân dúi phong bì vào túi bác sĩ, bác sĩ quá tải mà khó chịu với bệnh nhân?
- Câu chuyện phong bì chỉ là một biểu hiện của hiện tượng đạo đức. Hiện tượng này chỉ xuất hiện trong một giai đoạn hành nghề đặc biệt, do bị tác động của xu hướng thương mại hóa chứ không phải lúc nào cũng có.
Nghề y chưa bao giờ, chưa khi nào lại đặt ra vấn đề trao đổi, thương mại tiền bạc, phong bì, dù trước, dù sau. Vì thế nên khi đặt vấn đề nhận phong bì ra là một sự vi phạm đạo đức trong ngành y.
Tuy nhiên, hiện nay, đây là một hiện tượng có thật và rất dễ gặp trong nghề. Trước thực tế đó, chúng ta không được chối bỏ mà phải coi đó là một cuộc đấu tranh hết sức gay gắt.
Về nguyên tắc chúng ta phải cảm hóa lại cộng đồng, phải nội tâm hóa, phải xây dựng lại những quy tắc đạo đức lý tưởng như thế nào cho đúng, phải tìm cách nâng cao những "cái đẹp để dẹp cái xấu".
Chẳng hạn, có thể khơi dậy niềm tự hào nghề, khơi dậy những hình ảnh được xã hội tôn vinh để người ta thấy giá trị đích thực của nghề, để thấy nghề đó mà bị mua bán, đổi chác là không thể chấp nhận được.
Như thế liệu lời thề Hypocrates mà mỗi bác sĩ tuyên thệ "sẽ tránh mọi điều xấu và bất công, suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết" còn có ý nghĩa?
- Bộ trưởng đã thừa nhận là có chuyện như vậy. Trong tình huống nhất định chúng ta phải lựa chọn tình thế ít xấu nhất. Nên hiểu rằng, Bộ trưởng muốn chúng ta tốt dần dần, nghĩa là đang ở bước thang cao thì cũng cần phải đi xuống từng bước một. Nếu hiểu như vậy thì sẽ thấy Bộ trưởng đang rất hướng thiện, đang rất cố gắng.
Nhưng đứng trên hệ quy chiếu giá trị chuẩn mực đạo đức chung, như vậy cũng là không được.
Bác sĩ gạ gẫm thì bệnh nhân phải định hướng đạo đức
Nhiều ý kiến cho rằng việc bác sĩ nhận phong bì đó là do lương của y bác sĩ quá thấp so với mặt bằng giá cũng như công sức lao động bỏ ra. Việc nhận phong bì cũng chính là một nguồn thu nhập mà người dân cố gắng bù đắp lại cho bác sĩ. Ông nghĩ sao về điều này?
- Bộ trưởng có cách lý giải là, vì lẽ sinh tồn, vì nghề y quá căng thẳng mà để tái sản xuất sức lao động, phong bì coi như một chút gọi là bù đắp tại thời điểm ấy. Nhưng với cương vị Bộ trưởng, nên tính đến việc bù đắp và quản lý giá trị nghề nghiệp thông qua những giá trị đảm bảo của hệ thống bằng lương, bằng quy định, bằng luật, chứ cho phép nhận phong bì sau điều trị là không nên và không thể kiểm soát được.
Khi chưa kịp điều chỉnh các hệ thống quy định pháp luật khác thì tạm coi phong bì cảm ơn là một kênh có thể chấp nhận được. Song, tôi nhắc lại, đây không phải là chủ trương mà chỉ là giải pháp tình thế. Còn giải pháp căn bản vẫn phải tuân thủ các quy luật của đạo đức, nghề y không thể hành nghề vì những mục tiêu như vậy được.
Nếu như vậy, sẽ xảy ra một vấn đề là: người dân đóng thuế cho nhà nước để trả lương hệ thống y tế nhưng vẫn phải trả thêm tiền (bằng hình thức phong bì sau khi khám chữa bệnh) để bù đắp cho phần thu nhập thiếu hụt (vì chưa được nhà nước trả công xứng đáng) của bác sĩ. Điều này có đúng không thưa ông? Quan điểm của ông như thế nào?
- Trong đời, tôi cũng từng nhận quà. Tùy từng món quà mang lại những giá trị khác nhau.
Tuy nhiên, cũng tùy thuộc vào từng bối cảnh. Nếu chúng ta đang đói thì món quà là chiếc bánh mì nó sẽ là một món quà cực kỳ thiêng liêng nhưng nếu đang no mà tặng bánh mì là xúc phạm mà phải tặng hoa hồng.
Hành vi nhận phong bì đôi khi là tôn trọng người bệnh vì đó là tấm lòng thì hành vi đó thể hiện sự tôn trọng. Nhưng sau khi nhận thì phải thấy đó là điều bị xúc phạm.
Vì tôi nhận của bạn, sẽ còn bao nhiêu người bệnh đau khổ kia họ sẽ nghĩ rằng vì món quà mà tôi chữa cho bạn. Làm như thế là bạn xúc phạm tôi bởi vì tôi đến với bạn không phải vì sau này để bạn phải đưa tôi phong bì. Vậy thì, chính người bác sĩ phải cảm hóa lại người bệnh.
Tại sao, bạn không làm giúp tôi một việc, nếu như chiếc phong bì này của bạn tặng tôi được đem chia cho những người cùng cảnh ngộ hoặc bạn mua một một bông hoa tặng cho mọi người. Như vậy nghề nghiệp của tôi sẽ được tôn vinh hơn, y đức của tôi được tôn vinh hơn. Làm như vậy nghĩa là tôi tôn trọng người bệnh, thông qua đó cũng phải tôn trọng chính mình.
Ngược lại, người bệnh cũng phải biết bác sĩ cần gì, ra sao để tìm món quà phù hợp. Nếu người bệnh thật sự có tấm lòng tại sao không tìm những món quà có giá trị tinh thần thiêng liêng chứ không chỉ riêng phong bì.
Ở đây không thể trách bác sĩ, kể cả bác sĩ gạ gẫm thì bệnh nhân cũng phải định hướng đạo đức cho bác sĩ. Không nên đổ hết sai lầm lên đầu bác sĩ, một người đang phải lo cho mình.
Bộ trưởng đặt vấn đề phong bì ra để nói rằng đó là thể hiện sự biết ơn, thể hiện tấm lòng của con người đầy tính nhân văn cần được chấp nhận. Tuy nhiên, nếu cứ nhăm nhăm nhìn vào cái phong bì, tôi thấy có gì đó thô thiển và xúc phạm quá.
Nghĩa là y đức hiện nay thực sự đang có vấn đề, thưa ông?
- Thực ra nếu nhìn tổng thể, một vài hiện tượng đang xảy ra là nhỏ so với giá trị y đức so với sự hy sinh vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe, so với những điều kiện hành nghề hiện nay đòi hỏi y đức rất cao.
Đặt vấn đề phong bì, đó là một sự thật rất buồn. Là một bác sĩ cần phải có bản lĩnh nghề nghiệp. Tôi cho rằng, Bộ trưởng cũng phải nên đào tạo cả bản lĩnh, đạo đức nghề nghiệp nữa.
Chất lượng dịch vụ, dân phải chờ
Một vấn đề khác cần phải được đặt ra là chất lượng dịch vụ y tế. Người dân luôn nghe tới điệp khúc, tăng viện phí để đảm bảo chất lượng nhưng cho tới thời điểm này, viện phí đã tăng một vài lần mà chuyện bệnh viện bẩn thỉu, giường ghép... Cứ cho rằng người dân sẵn sàng phụ nhà nước đảm bảo đời sống cho bác sĩ, vậy thì ai sẽ đảm bảo chất lượng khám chữa bệnh cho người dân?
- Hiện nay chúng ta đang có nhiều sự nhầm lẫn. Khái niệm dịch vụ, chăm sóc sức khỏe là một nghĩa rất rộng. Khám chữa bệnh, tính mạng bệnh nhân, mới là nghề y (nghĩa là khám và chữa bệnh). Còn chăm sóc sức khỏe là nghề chăm sóc sức khỏe (điều dưỡng, y tế công cộng, y tế kỹ thuật...).
Không thể nóng vội, không phải cứ ném tiền ra là giải quyết được, ném tiền ra là khắc phục được mà người dân phải chờ đợi, kiên nhẫn đó là cả một quá trình thực hiện. Nếu đòi hỏi kết quả ngay là không thể.
Trong điều kiện cơ sở vật chất nghèo nàn như hiện nay, tôi đánh giá y đức của họ trong cống hiến là rất lớn. Nếu chúng ta đầu tư ngân sách, có một chiến lược đúng đắn với nghề y, tôi đảm bảo người bệnh sẽ được chăm sóc, được phục vụ tốt hơn rất nhiều so với việc bỏ cùng khoản đầu tư đó ở nước ngoài.
Không chỉ chất lượng dịch vụ y tế khiến người dân phàn nàn, nhiều vụ việc liên quan đến thai phụ tử vong, bệnh nhi tử vong vì tiêm vắc-xin, bác sĩ tiêm nhầm thuốc rửa rốn khiến bệnh nhân tử vong. Nhưng khi sự việc xảy ra, bệnh nhân thì mất mạng, bác sĩ vòng vo, đổ vấy trách nhiệm cho nhau hoặc có chăng cũng chỉ là một lời xin lỗi.
Vậy, vấn đề y đức trong trường hợp này được đặt ra như thế nào? Lời cảm ơn, thái độ phục vụ tận tình thì cũng tốt đấy nhưng điều kiện khám chữa bệnh như vậy thì hẳn nhiên "đồng tiền đi trước vẫn là đồng tiền khôn" và sự mở đường của Bộ trưởng chỉ giúp minh bạch hóa nạn phong bì đang diễn ra, quan điểm của ông như thế nào?
- Cái này là một phạm trù khác. Tôi gọi đó là rủi ro và tai nạn trong nghề y. Nghề y rủi ro rất lớn, nguy hiểm, liên quan đến tính mạng con người. Vấn đề là thái độ, nguyên tắc ứng xử trước những rủi ro như vậy thế nào?. Tôi khằng định, nghề y không bao che thậm chí còn phê bình gay gắt hơn. Song trong thực tế vẫn còn một số những trường hợp, một vài hiện tượng dẫn đến những hiểu lầm.
Đứng trước những sai sót, rủi ro, một số trường hợp dũng cảm đối mặt, nhận lỗi nhưng cũng có một số trường hợp chối tội, quanh co, đổ vấy cho nhau. Tất nhiên điều này xảy ra không chỉ trong ngành y, ngành nào cũng vậy.
Nhưng đáng tiếc, khi đã lựa chọn nghề thì phải rèn luyện, nếu nhận thức không đúng phải có những hành động điều chỉnh.
Bốn nguyên tắc y đức được đưa ra từ tình huống y đức của Mỹ đã được đưa vào tài liệu giảng dạy cho sinh viên tại trường Đại học Y Hà Nội: 1- Lòng nhân ái và có tình thương đồng loại: Con người trong lúc bệnh tật, trong lúc khó khăn trước cái sống và cái chết, trong lúc nguy hại về sức khỏe người thầy thuốc và người bệnh không chỉ đối xử với nhau bằng nghề mà phải có lòng nhân ái, có tình thương đồng loại. Bác Hồ đã nói, đỉnh cao của tình thương đồng loại là tình mẫu tử (tình mẹ thương con cao cả hơn tất cả mọi loại tình cảm khác. Bác Hồ cũng yêu cầu người thầy thuốc phải có cái tình cảm như vậy với người bệnh cho nên người bệnh có sai, đúng, hư, đánh, có không đưa phong bì... thì bác sĩ cũng vẫn phải hết lòng cứu chữa, yêu thương). 2- Sự tôn trọng người bệnh: yêu thương người bệnh nhưng không phải là được quát mắng, sẵng giọng, ra lệnh. Nguyên tắc này thể hiện qua các hành vi. Trong đó có hành vi đạo đức. 3- Không được xâm hại người bệnh: dù bệnh nhân có tình nguyện, có muốn xin được chết thì bác sĩ cũng không được phép vì bác sĩ là người có chuyên môn. 4- Phải công bằng: Y đức cao cả, không phải ai có tiền, có quyền thì chữa trước,.. nghề y là bệnh nặng chữa trước, bệnh nhẹ chữa sau, ai đến trước chữa trước, ai đến sau chữa sau... Nhà quản lý cũng phải công bằng không phải vì ưu tiên vùng này mà đầu tư vùng này bỏ vùng kia. |
Theo Baodatviet